100 CEO dự tiệc trà, hiến kế cho TPHCM phát triển kinh tế xanh

14/09/2023 - 18:23

PNO - Kinh nghiệm từ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... được nhiều doanh nhân, chính khách chia sẻ với chính quyền TPHCM tại sự kiện CEO 100 Tea Connect. Chương trình thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) lần thứ 4 năm 2023.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Thành phố nghiên cứu khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero vào năm 2050 (phát thải ròng bằng 0).

TPHCM sẽ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, tập trung vào 4 nội dung. Thứ nhất là nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế. Hai là hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên. Ba là hành vi tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh. Bốn là, tiên phong chuyển đổi sản xuất xanh, công nghệ cao và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.

Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với 100 CEO
Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với 100 CEO - Ảnh Hoàng Hùng 

Chủ tịch Phan Văn Mãi mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý về các khung chiến lược. Chẳng hạn với vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, hiện TPHCM tiêu thụ điện năng khoảng 90 triệu kWh nhưng điện sạch chỉ 7,6%. Để đạt được mục tiêu 25% điện sạch trong trong năm 2025 và từ 35-40% trong năm 2030 đòi hỏi phải có chính sách, thể chế, vốn và công nghệ.

Hiện giao thông đường bộ chiếm 18% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, riêng giao thông TPHCM thì đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân chủ yếu là xe máy, vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Về xử lý rác thải, hàng ngày tại TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn, tỉ lệ này tăng hàng năm thêm 6-10% nhưng chính sách, vốn và công nghệ còn thiếu.  

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM mong muốn xây dựng Cần Giờ như địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế, trong đó tập trung ở lĩnh vực giao thông xanh, các phương tiện trên địa bàn sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, thí điểm tín chỉ Carbon với rừng Cần Giờ. 

Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng Thành phố về kinh tế và tài chính TP Porto (Bồ Đào Nha) chia sẻ, ngay từ năm học đầu tiên, các em học sinh tại Bồ Đào Nha đã được dạy làm sao để thích ứng với xanh hóa, tăng trưởng xanh. Là quốc gia nông nghiệp, ông Ricardo Valente cho rằng Việt Nam sẽ thuận tiện phát triển xanh ở các tòa nhà, không gian xanh trong lòng thành phố. TPHCM muốn phát triển hiệu quả tăng trưởng xanh cần tạo ra tinh thần kinh doanh tuần hoàn, làm sao để việc tiêu dùng hàng ngày như áo quần, thiết bị điện tử phải được tái sử dụng, tránh lãng phí. Cần phải đặt ra thách thức để các doanh nghiệp đáp ứng, nếu doanh nghiệp nào có giải pháp thì sẽ được lựa chọn.

“Chúng tôi đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng chỉ số này, xây dựng trung tâm năng lượng cung cấp cho người dân, hướng dẫn người dân xây nhà xanh, đáp ứng tiêu chí xanh. Chính quyền địa phương là các nhà tiêu dùng lớn nhất trong xã hội nên cần tiên phong sử dụng các sản phẩm xanh, tạo động lực cho doanh nghiệp. Nếu nhà nước không tham gia thì không thể tạo được động lực cho xã hội” - ông Ricardo Valente kiến nghị.

Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình. Ảnh Hoàng Hùng
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình - Ảnh: Hoàng Hùng

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm khẳng định phía đơn vị này sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình, xây dựng năng lực cho các dự án để giúp TPHCM trở thành trung tâm xuất khẩu cho châu Âu. Trong tháng 11 tới, cơ quan này sẽ tổ chức một sự kiện lớn có sự tham gia của Ủy ban châu Âu và chính phủ Hà Lan để thảo luận các giải pháp nhằm giải tỏa áp lực từ các quy định mới của châu Âu, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Một số doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ rằng các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư hệ thống điện mái nhà công sở, sản xuất năng lượng tái tạo, cung cấp dịch vụ đạt chuẩn xanh, đầu tư xử lý rác thải và tận dụng nguồn nhiệt điện để phát điện… Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải chờ thời gian quá lâu (18 tháng) mới có thể xác định địa diểm cho nhà máy xử lý rác. Các doanh nghiệp mong muốn TPHCM sẽ có quy định, chế tài chặt chẽ, có quy hoạch hạ tầng cho tầm nhìn 50 năm…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI