Mạng xã hội Facebook ở Việt Nam vừa có một làn sóng hưởng ứng chiến dịch góp chữ A để ủng hộ trẻ tự kỷ. Nơi phát động chương trình 100 nghìn chữ A này là Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - VAN. Theo đó, chỉ cần người dùng đăng lên Facebook những bức hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao), gắn ba hashtag bắt đầu bằng chữ A:
#autism (chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến bộ).
#awareness (nhận thức là điều quan trọng. Phát hiện sớm và can thiệp đúng sẽ làm thay đổi cuộc đời người tự kỷ).
#a365 (trang mạng hướng dẫn cha mẹ hoàn toàn miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và tại cộng đồng).
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ (bên phải) đăng bức ảnh yêu thích cùng ba từ khóa ủng hộ người tự kỷ |
Bài viết đăng ngày 13/4, trên trang Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - VAN, khẳng định: “Mỗi lần đăng được tính ba chữ A. Mỗi người có thể đăng nhiều lần, và đủ 100 nghìn chữ A, nhà tài trợ sẽ tặng 200 triệu tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ”.
Sự kiện này đã xuất hiện hai luồng phản ứng trái chiều từ dư luận: một là sẵn sàng đăng và mong hành động nhỏ của mình đem lại điều tốt đẹp cho trẻ tự kỷ; hai là phản đối, nghi đó là lừa đảo, quảng cáo trá hình, trục lợi trên nỗi đau của trẻ tự kỷ.
Vì vậy, chỉ một ngày sau, trang này đã thông tin: “Về gói tài trợ 200 triệu đồng để mở các khóa tập huấn phụ huynh, được đưa ra như điều kiện của chương trình, cũng không có nghĩa là nó sẽ bị từ chối khi không đủ 100 nghìn chữ A… Chúng tôi nhận lỗi nếu có những sơ suất trong việc truyền thông, đăng bài về sự kiện, gây ra những hiểu lầm đáng tiếc”.
Ngày 15/4, VAN công bố kết thúc chiến dịch chữ A nhận thức về tự kỷ - 100 nghìn chữ A đã hoàn thành, và hành trình của những khóa tập huấn sẽ bắt đầu.
Trước những nghi ngại của dư luận, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã liên hệ VAN và ghi nhận câu trả lời chính thức từ chị Trần Thị Hoa Mai - Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam.
|
Chị Trần Thị Hoa Mai ( Ảnh Lê Nam, Báo Thanh Niên) |
Phóng viên: Trong chiến dịch 3A, với luồng ý kiến cho rằng VAN đã lợi dụng lòng trắc ẩn đối với trẻ tự kỷ để quảng cáo trá hình cho nhà tài trợ, quan điểm của VAN như thế nào?
Chị Trần Thị Hoa Mai: Với những ý kiến phản đối, VAN có chút buồn chứ không tranh cãi, vì tùy quan niệm của từng người. VAN không lợi dụng, không yêu cầu mọi người đăng hình con, nêu tên thương hiệu hay buôn bán gì cả… Chỉ kêu gọi những người ủng hộ có thể đăng bất kỳ bức ảnh nào mà họ cảm thấy tích cực, cùng ba từ khóa để biết thông tin đang nói là về tự kỷ, có trang web để hướng dẫn phụ huynh. Trong lời kêu gọi của VAN không đề cập đến việc nếu thiếu chữ A thì không có tài trợ để tập huấn.
* Vì sao chiến dịch gom chữ A có hạn chót là ngày 15/4 khiến người ủng hộ cuống cuồng đăng kẻo trễ? Sức ép này đến từ đâu?
- Thực ra, trong nội bộ VAN có trao đổi với nhau là nếu hết tháng Tư góp chữ A không đủ, có thể kéo dài thời gian ra tháng Năm, mọi người cứ dần dà chuyền tay nhau cho thông điệp lan ra, không nhất thiết ấn định đến thời điểm nào. Tuy nhiên, vào khoảng ngày 13-14/4, chúng tôi nhận thấy chắc chắn đạt được mốc kỳ vọng, nên quyết định kết thúc chương trình ngày 15/4. Có thể có những phụ huynh nhiệt tình hô hào, thúc giục người thân, bạn bè ủng hộ chứ VAN không ép buộc hay “hành tội” phụ huynh.
* Theo chị, việc góp đủ chữ A không phải điều kiện để mở gói tài trợ, nhưng hẳn chúng có liên quan nhau?
- Nhà tài trợ không đưa ra yêu cầu quảng bá thương hiệu của họ, tuy nhiên họ mong muốn lan tỏa trang web cùng hệ thống hỗ trợ phụ huynh có con tự kỷ/nghi ngờ tự kỷ biết kiến thức, thông tin. Nhà tài trợ dành một gói lớn để phát triển website A365 - Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), và CCIHP đã chia sẻ lại cho VAN một phần, chứ không phải gói tài trợ rót thẳng vào hoạt động tập huấn của VAN.
Nhà tài trợ dùng chữ “phát triển” chứ không phải làm từ thiện. Mà ngay cả với những trường hợp làm từ thiện, tôi nghĩ rằng không nên cho vô điều kiện mà không cần có một nỗ lực nào từ phía người nhận. Nếu từ thiện chỉ là mang đi cho, phải chăng là coi thường cả người nhận từ thiện. Bởi vì khi được giúp nhận thức vấn đề, phụ huynh tìm đến nguồn thông tin để trang bị kiến thức, chăm sóc con, hỗ trợ cộng đồng, con mình ổn, sẽ lại giúp cho con người khác. Không nhận suông, phụ huynh và mạng lưới chúng tôi phải làm những gì để đóng góp, chia sẻ.
Mục tiêu 100 nghìn chữ A là do chính VAN tự đặt ra, vừa lan tỏa nhận thức cộng đồng hướng đến trẻ tự kỷ, vừa nhằm chứng minh năng lực của mình giúp ích cho cộng đồng, thể hiện sử dụng đồng tiền ấy tốt nhất, hữu hiệu nhất, giúp được nhiều người nhất.
|
Sau khi có kết quả kiểm đếm các chữ a, VAn đã soạn thư cảm ơn và xin lỗi những sai sót trong đợt truyền thông này |
* Bằng cách nào VAN biến số tiền tài trợ và những chữ A mà cộng đồng đã tặng thành lợi ích thực sự cho trẻ tự kỷ và gia đình?
- VAN là tổ chức của các phụ huynh có con tự kỷ, các nhà chuyên môn về tự kỷ, được thành lập năm 2013 dưới sự thừa nhận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.
Thông qua website A365, chúng tôi chia sẻ thông tin giúp mọi người phát hiện sớm con có rối loạn phát triển và tự kỷ; định hướng can thiệp và chăm sóc người tự kỷ, tích cực truyền thông về tự kỷ để thay đổi nhận thức của cộng đồng…
Chúng tôi dự kiến tổ chức 15 khóa tập huấn phụ huynh và giáo viên ở các tỉnh thành ngay khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc. VAN liên lạc, tập hợp phụ huynh, kết nối chuyên gia dựa trên nhu cầu của phụ huynh. Kinh phí cơ bản là chi phí đi lại, lưu trú, thù lao hướng dẫn của chuyên gia.
Tự kỷ không chỉ là vấn đề dùng tiền để mua liệu pháp nào đấy có thể cải thiện được. Nó là học hỏi để hiểu được con mình, và hiểu cùng là tự kỷ nhưng con mình không giống con nhà khác. Phụ huynh phải chủ động học hỏi để hỗ trợ đúng cách, còn chuyên gia chỉ đưa ra lời chỉ dẫn ban đầu, những lời khuyên, những tư vấn.
Hiện vẫn còn những người chưa hiểu rõ về tự kỷ, vẫn cho tự kỷ là do cha mẹ chăm sóc con không tốt, tự kỷ là trầm cảm, tự kỷ là bệnh có thể chữa trị khỏi. Sự kết hợp của gia đình cùng chuyên gia và môi trường xã hội thân thiện sẽ giúp trẻ tự kỷ cải thiện rất nhiều, nhất là với trẻ được can thiệp sớm trong ba năm đầu đời.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)
“Tự kỷ là chứng rối loạn về phát triển thần kinh, có những khó khăn về mặt chức năng thần kinh liên quan đến giao tiếp xã hội, tương tác xã hội, những kết nối với người xung quanh, có những sở thích đặc biệt như thích một vài đồ chơi gì đó lặp đi lặp lại, bám dính vào một vài hoạt động mà khó bỏ, có những hành vi liên quan đến cảm giác ví dụ xoay tròn, thích chơi xoay, xếp đồ chơi theo những hàng thẳng…
Đặc điểm chính của tự kỷ là những khó khăn về mối liên hệ xã hội với những người xung quanh với những mức độ khác nhau. Có những em ngôn ngữ rất kém, không nói được hoặc nói mà không diễn đạt được tất cả ý muốn của mình. Có rất nhiều giả thuyết đặt ra, nhưng cho đến nay các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân của chứng rối loạn phổ tự kỷ”.
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (giảng viên chương trình âm ngữ
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhà chuyên môn đồng hành với VAN)
|