10 triệu trẻ trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ tử vong

17/05/2022 - 14:46

PNO - Số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng nặng trên thế giới đang tăng lên mức báo động, trước tình hình giá lương thực tăng vọt do xung đột ở Ukraine, và các nước cắt giảm quỹ cứu trợ do ảnh hưởng đại dịch, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đưa ra cảnh báo hôm 17/5.

 

Bác sĩ của UNICEF đang khám suy dinh dưỡng cho một em bé ở vùng Hạ Sahara
Bác sĩ của UNICEF đang khám suy dinh dưỡng cho một em bé ở vùng Hạ Sahara

“Ngay cả trước khi xung đột ở Ukraine gây căng thẳng về an ninh lương thực trên toàn thế giới, tình hình bất ổn trong nước cùng với những cú “sốc” do biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến nhiều gia đình mất khả năng nuôi dưỡng con cái đầy đủ. Số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng và chết đói mà lẽ ra có thể tránh được đang tăng lên nhanh chóng từng ngày”, bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF - cho biết.

Theo dữ liệu của UNICEF công bố trong một báo cáo có tên Child Alert, thế giới hiện có ít nhất 10 triệu trẻ đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhưng không được tiếp cận với các phương pháp điều trị hiệu quả nhất, chiếm 2/3 tổng số trẻ đang ở trong tình trạng này.

Trong khi đó, giá thực phẩm chế biến sẵn và có thể sử dụng ngay dùng để điều trị chứng suy dinh dưỡng (RUTF) dự kiến ​​sẽ tăng đến 16% trong vòng 6 tháng tới, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Giá thực phẩm còn bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển và giao nhận hàng hóa, được dự báo ​​sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới. Tình trạng này sẽ có thể khiến cho thế giới có thêm khoảng 600.000 trẻ nữa không được tiếp cận với phương pháp điều trị cứu sống ở mức chi tiêu hiện tại.

“Thực phẩm RUTF sẽ giúp hàng triệu trẻ bị suy dưỡng mỗi năm tránh được cái chết thương tâm. Mức tăng giá 16% nghe có vẻ vẫn còn chấp nhận được nếu xem xét trên phạm vi thị trường thực phẩm toàn cầu. Nhưng ở từng thị trường địa phương của các quốc nghèo khó, điều này sẽ có thể làm cho số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng tăng lên ở mức không kiểm soát được”, Giám đốc điều hành UNICEF lên tiếng.

Một đứa trẻ được mẹ bế khi cho ăn gói thực phẩm chữa bệnh bán sẵn ở Somalia.
Một đứa trẻ Somali được mẹ bế khi ăn gói thực phẩm RUTF

Tình trạng suy kiệt nghiêm trọng là trường hợp trẻ quá gầy so với chiều cao, dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch, và được xem là một dạng suy dinh dưỡng cấp tính, có nguy cơ đe dọa tính mạng cao nhất. Trên toàn thế giới, hiện có ít nhất 13,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Hiện, Nam Á vẫn là “tâm điểm” của tình hình suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nơi cứ 22 trẻ thì có 1 đang ở trong tình trạng này, cao gấp 3 lần so với khu vực cận Sahara ở châu Phi.

Nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất trong lịch sử. Chẳng hạn, Afghanistan được dự báo sẽ có khoảng 1,1 triệu trẻ phải chịu đựng tình trạng suy kiệt nghiêm trọng trong năm nay, gần gấp đôi con số năm 2018. Hạn hán ở vùng Sừng châu Phi có thể làm cho số trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại khu vực này tăng từ 1,7 triệu lên 2 triệu.

Báo cáo Child Alert lưu ý rằng, ngay cả các quốc gia tương đối ổn định, chẳng hạn như Uganda, cũng đã chứng kiến ​​tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tăng trên 40% so với năm 2016, do tình trạng nghèo đói gia tăng, và tình trạng mất an ninh lương thực trong gia đình khiến phụ nữ mang thai và trẻ không được ăn uống đủ bữa và đủ chất.

Bên cạnh đó, UNICEF cho biết các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán nghiêm trọng theo chu kỳ, và việc không có đủ nguồn nước sạch cũng như các dịch vụ vệ sinh, cũng đang góp phần làm tăng số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng trên thế giới.

UNICEF cảnh báo rằng nguồn quỹ cứu trợ để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, vốn đang ở mức rất thấp, dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới. Và khả năng nguồn quỹ này phục hồi về mức trước đại dịch từ nay đến năm 2028 cũng rất mong manh. Theo một phân tích mới, quỹ cứu trợ cho trẻ suy dinh dưỡng hiện chỉ chiếm 2,8% nguồn vốn ODA (Quỹ Hỗ trợ phát triển chính thức) dành cho ngành y tế, và 0,2% tổng nguồn vốn ODA toàn cầu.

Để có thể cứu sống các trẻ bị suy kiệt nghiêm trọng ở 23 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ tăng tỷ lệ vốn viện trợ cho chương trình này lên ít nhất bằng 59% tổng số vốn ODA của năm 2019.

Nhất Nguyên (theo UNICEF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI