edf40wrjww2tblPage:Content
Năm đen tối của ngành hàng không
Ngày 28/12 xảy ra vụ máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia được xác nhận mất tích sau khi phi công đổi hướng bay (tăng độ cao từ 32.000 feet lên 38.000 feet) vì lý do thời tiết. Đến 17g30 ngày 28/12, việc tìm kiếm tạm dừng vì thời tiết xấu. Đến hết ngày, ý kiến cho rằng QZ8501 bị rơi ở vùng biển Indonesia vẫn còn là nghi vấn - Ảnh người thân của hành khách trên chuyến bay QZ8501 đau buồn: Indian Express
Năm 2014 xảy ra khoảng 30 vụ tai nạn máy bay, hơn 1.000 người chết. Nổi cộm là vụ chiếc MH370 (chở 239 người) mất tích từ ngày 8/3, và vụ chiếc MH17 (298 người) bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine ngày 17/7. Hai sự cố này đẩy Malaysia Airlines vào bờ vực phá sản khiến hãng phải giảm 30% nhân sự (6.000 người), cải tổ toàn diện. Hàng triệu USD đã đổ ra và công tác tìm kiếm MH370 vẫn duy trì. Thảm kịch hàng không là tai ương, mặt khác còn là câu hỏi nhức nhối về lỗi của con người, như vụ MH17.
Khủng hoảng ở Ukraine
Xe tăng của quân ly khai tuần tra ở Donetsk - Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự kiện Moscow chính thức sáp nhập Crimea tháng 3/2014, trong bối cảnh Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất Tổng thống Viktor Yanukovich và các cuộc biểu tình bạo động tại thủ đô Kiev. Phong trào ly khai thân Nga bùng lên tại Donetsk, Lugansk và hàng loạt thành phố ở miền Đông Ukraine; chính quyền Kiev điều quân đội tấn công lực lượng ly khai, làm nổ ra các trận đánh giằng co và dữ dội.
Mỹ, EU và phương Tây đồng loạt áp đặt biện pháp trừng phạt và cấm vận kinh tế lên nước Nga với cáo buộc Moscow đứng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mâu thuẫn giữa Nga-Mỹ và phương Tây sâu sắc đến mức đe dọa bùng nổ một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Hiện nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng, đồng rúp mất giá kỷ lục, dự báo GDP ở mức “âm” trong năm 2015.
Biển Đông và biển Hoa Đông “dậy sóng”
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - Ảnh: Xinhua
Cái bắt tay “lạnh lẽo” giữa Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề hội nghị APEC - ẢNH: CNN/GETTY IMAGES
Từ ngày 2/5 đến 15/7, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) cùng hàng trăm tàu chiến tới khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành vi của Trung Quốc vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc cũng ngang nhiên tiến hành xây dựng một đường băng tại bãi đá Chữ Thập và cải tạo, xây dựng tại bãi đá Gạc Ma, bãi đá Châu Viên và bãi đá Gaven của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
Sau khi tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào cuối tháng 11/2013, trong năm 2014, Bắc Kinh liên tiếp thể hiện “sức mạnh” ở vùng trời và vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Cuộc chiến chống virus Ebola
Nhân viên y tế xịt thuốc khử trùng cho một xác chết của người nhiễm Ebola tại Liberia - Ảnh: US News
Đợt bùng phát dữ dội của virus Ebola tại khu vực Tây Phi khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Virus Ebola gây ra cái chết của gần 7.700 người trong số gần 19.700 trường hợp nhiễm bệnh. Số nhân viên y tế nhiễm Ebola là 666 người, trong đó, 366 người đã chết. Trong cuộc đua bào chế vắc-xin ngừa Ebola, thử nghiệm đầu tiên ở châu Phi đã cho kết quả lạc quan, trong khi thử nghiệm tương tự ở Thụy Sĩ phải tạm ngưng vì lo ngại tác dụng phụ.
IS và chủ nghĩa khủng bố mới
IS giết dân thường một cách dã man - ẢNH: REASONEDCOMMENTS.ORG
Đã 13 năm sau sự kiện 11/9 và ba năm sau khi tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, chủ nghĩa khủng bố mới tiếp tục gây bất an cho nhân loại với sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chúng tắm máu, chôn sống hàng trăm ngàn người ở Syria, Iraq; phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục; trẻ em vừa là nạn nhân, vừa được huấn luyện thành công cụ gây chiến. Nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội phương Tây bị chặt đầu. Sự hung tàn của IS tiếp thêm sự dã man cho các nhóm Hồi giáo cực đoan khác tàn sát người vô tội, đỉnh điểm là phiến quân Taliban thảm sát một trường học ở Pakistan, giết chết 132 học sinh.
Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba
Sinh viên Havana chào đón tin bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba - ẢNH: AFP
Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba về ngoại giao và kinh tế. Tuyên bố này là kết quả hơn một năm đàm phán bí mật tại Canada và tại Tòa thánh Vatican, với sự tham gia trực tiếp của Đức Giáo hoàng Francis. Cuộc cấm vận kéo dài 53 năm, trải qua 11 đời tổng thống Mỹ (từ năm 1960) khiến nền kinh tế Cuba tổn hại ước tính 1,1 ngàn tỷ USD, trong lúc kinh tế Mỹ mỗi năm thiệt hại 1,2 tỷ USD.
Dấu ấn phụ nữ ở các giải thưởng quốc tế
Malala với câu nói ấn tượng: “Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới” - Ảnh: Facebook
Giáo sư Maryam Mirzakhani (người Iran) nhận giải thưởng Fields từ tay Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Phó chủ tịch Hiệp hội Toán học quốc tế, ông Christiane Rousseau đánh giá: “Lịch sử khoa học có Marie-Curie đoạt cả hai giải Nobel Vật lý và Hóa học, nhưng đây là lần đầu tiên, lịch sử toán học quốc tế đón chào một phụ nữ xuất sắc nhận giải thưởng danh giá này. Đây ắt hẳn là lời chúc mừng nữ giới khắp thế giới". - Ảnh: abc.net.au
Trong một thế giới nhiều biến động, nữ giới vẫn thầm lặng đóng góp tâm sức để cuộc sống tốt đẹp hơn. Năm 2014 được đánh dấu với hai sự kiện: cô gái Malala Yousafzai (SN 1997), người đấu tranh vì quyền đến trường của các bé gái ở Pakistan và toàn thế giới, nhận giải Nobel hòa bình chung với nhà hoạt động nhân quyền Ấn Độ Kailash Satvarthi. Lần đầu tiên có nhà nữ toán học đoạt giải thưởng Fields (được ví như giải Nobel toán học) là giáo sư Maryam Mirzakhani, của Đại học Stanford (Mỹ).
Cấy ghép tử cung thành công ở Thụy Điển
Vincent - Em bé đầu tiên ra đời từ tử cung cấy ghép - ẢNH: HERALLIVE
Bệnh viện Đại học Sahlgrenska ở Gothenburg, Thụy Điển bắt đầu thử nghiệm việc cấy ghép tử cung từ năm 1999, nhằm tạo điều kiện sinh nở cho những phụ nữ bị dị tật tử cung hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ. Tháng 9/2014, bé trai Vincent (nặng 1,8kg) sinh non 32 tuần là trường hợp đầu tiên trong lịch sử y khoa chào đời bằng tử cung cấy ghép. Một phụ nữ 61 tuổi, mãn kinh từ bảy năm trước đã hiến tử cung cho mẹ Vincent. Tháng 11/2014, thêm hai phụ nữ sinh hai bé trai thành công nhờ tử cung cấy ghép do mẹ ruột của họ hiến tặng. Đại học Sahlgrenska đã ghép tử cung cho chín trường hợp và có bảy ca thành công.
Làn gió mới trên chính trường châu Á
Tháng 10/2014, Thủ tướng Modi phát động chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ” trong 5 năm, và tiên phong bằng việc tự mình cầm chổi quét dọn một góc phố New Delhi - Ảnh: PT
Tháng 11/2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố cắt giảm chi phí đi lại của thành viên nội các để tăng cường tiết kiệm cho quốc gia - Ảnh: Malay Mail Online
Ngày 26/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức, với lời hứa sẽ làm việc không sợ hãi, giận dữ hay thù hận, để đảm bảo công lý cho mọi người. Ngày 20/10, ông Joko Widodo bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ bảy của Indonesia, với việc ra mắt “chính phủ làm việc”. Sự quyết đoán và cam kết vì nhân dân của Thủ tướng Modi và Tổng thống Widodo đem đến nhiều hy vọng không chỉ cho hai quốc gia Ấn Độ, Indonesia mà còn hứa hẹn làn gió mới trên chính trường châu Á.
An ninh mạng: mối nguy hiện hữu
Lần thứ ba trong vòng một tuần gần đây, hệ thống internet của Triều Tiên sập hoàn toàn, với sự cố mới nhất vào tối 27/12. Theo các chuyên gia mạng, internet nước này có thể bị tấn công sau vụ hãng phim Sony Pictures bị nhóm tin tặc Guardians of Peace đánh cắp dữ liệu.
Mối nguy bị tấn công hệ thống mạng, gây thiệt hại khôn lường về vật chất trong các lĩnh vực quân sự, hàng không, tài chính-ngân hàng, y tế… buộc các nước phải tăng cường các biện pháp bảo mật an ninh mạng.
BAN QUỐC TẾ (tổng hợp)