|
10 sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2018 |
Thế giới trải qua một năm 2018 với nhiều sự kiện gây biến động toàn cầu. Trong bức tranh toàn cảnh đó là những sự kiện đau lòng, như thảm họa kép tại Indonesia, và vụ rơi máy bay tang thương, cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi làm thay đổi cục diện chính trị khu vực.
Bên cạnh đó là các lo âu, trăn trở, chẳng hạn như vụ rò rỉ thông tin của Facebook, khiến người ta lo sợ các mối đe dọa trong thế giới ảo ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát. Hoặc sự ra đi sắp tới của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới - Thủ tướng Đức Angela Merkel - khiến châu Âu lo ngại về một tương lai chia rẽ.
Nhưng, năm 2018 cũng là năm đặc biệt với những dấu ấn lịch sử không ngờ, tạo nên sức thay đổi mạnh mẽ hiếm có và sẽ còn để lại dư âm lâu dài. Đó là các bước tiến kinh ngạc trên vũ đài chính trị thế giới mà câu chuyện ở Triều Tiên là điển hình, khi lần đầu tiên trong lịch sử, nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên có thể bắt tay nhau tại một hội nghị thượng đỉnh song phương. Ngoài ra, không thể không nhắc đến hôn lễ Hoàng gia Anh truyền cảm hứng cho cả hành tinh với một chuyện tình vượt qua những định kiến.
Một trong những sự kiện năm 2018 khiến cả thế giới có chung nhịp đập chính là nỗ lực giải cứu nghẹt thở đội bóng nhí của Thái Lan mà trong đó, chủ nghĩa anh hùng và nhân văn cao cả khiến bao người xúc động vì hạnh phúc.
Cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2018 do báo Phụ nữ TP.HCM bình chọn.
1. Facebook và bê bối rò rỉ thông tin
|
Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ vì bê bối rò rỉ thông tin người dùng Facebook. |
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập và hiện là Giám đốc Điều hành nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, hồi tháng 4 phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ bê bối Cambridge Analytica.
Thông qua ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook, dữ liệu của 50 triệu người đã được chuyển đến công ty xác lập hồ sơ cử tri là Cambridge Analytica. Công ty Cambridge Analytica sử dụng nó để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri.
Đặc biệt, Cambridge Analytica có mối quan hệ mật thiết với nhóm cố vấn và cử tri ủng hộ ông Trump. Đến nay, sóng gió vẫn chưa hết với Facebook. Mark Zuckerberg vẫn phải xuất hiện trên truyền thông trấn an người dùng, tìm lại tiếng nói trong chính nội bộ đang xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích hướng về Mark.
2. Triều Tiên và những bước tiến lịch sử
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh song phương tại Singapore. |
Trong năm 2018, Triều Tiên liên tiếp có những động thái tích cực cho thấy nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc gia của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore vào tháng 6/2018 chứng kiến Mỹ và Triều Tiên đều có những động thái thể hiện thiện chí trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Mỹ Trump đầu tháng 12 cũng tuyên bố khả năng cuộc gặp lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào đầu năm 2019.
|
Ông Kim Jong Un là lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân qua biên giới để đến cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae In ở Hàn Quốc. |
Trong khi đó, Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắt đầu dọn mìn và phá hủy các lô cốt dọc theo ranh giới quân sự. Quan hệ Hàn-Triều được đánh dấu son từ cuộc đàm phán lịch sử vào sáng sớm 27/4 với cái bắt tay tại khu vực phi quân sự ở biên giới.
3. Hôn lễ truyền cảm hứng của Hoàng gia Anh
|
Nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle chính thức trở thành thành viên của Hoàng gia Anh sau lễ cưới vào tháng 5/2018. |
Năm 2018, Hoàng gia Anh có hai hôn lễ khiến cả thế giới chú ý. Đó là lễ cưới của Hoàng tử Harry và nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle vào tháng 5, và lễ cưới của Công chúa Eugenie vào tháng 10. Cả hai sự kiện đều để lại những điều đáng suy ngẫm, tạo nên hình ảnh mới mẻ cho Hoàng gia Anh.
Việc Meghan Markle, một nữ diễn viên Mỹ từng ly hôn vượt qua mọi rào cản, định kiến, chiếm được tình cảm của công chúng đã tạo cảm hứng mãnh liệt trên toàn thế giới.
Trong khi đó, xuất hiện tại sự kiện trọng đại nhất cuộc đời, Công chúa Eugenie đã chọn chiếc váy cưới hở lưng, cố tình để lộ vết sẹo dài, là vết tích của ca mổ cột sống lúc nhỏ. Cô muốn qua đó khuyến khích phụ nữ hãy quên những chuẩn mực về vẻ đẹp và hãy mạnh dạn tạo nên vẻ đẹp độc đáo của riêng mình.
4. Phép màu ở hang Tham Luang
|
Giải cứu đội bóng Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang của Thái Lan là sự kiện thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới. |
Sự kiện thu hút sự chú ý cả thế giới trong tháng 7 chính là vụ mất tích và giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” của Thái Lan. 12 cầu thủ và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang sâu Tham Luang đã được tìm thấy sau 9 ngày tắt dần hi vọng.
Tinh thần và ý chí mạnh mẽ ấy của đội bóng đã truyền động lực cho Lực lượng đặc nhiệm SEALS thuộc Hải quân Thái Lan cùng đội ngũ chuyên gia cứu hộ, thợ lặn, lính cứu hỏa của gần 10 nước. Họ dồn tổng lực hỗ trợ đưa tất cả ra ngoài.
Điều đáng tiếc là thợ lặn Saman Kunan đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Đọng lại sau tất cả chính là tình người, ý chí và lòng quả cảm. Tất cả đã tạo nên phép màu ở hang Tham Luang, khiến cả thế giới phải thán phục.
5. Thảm họa kép động đất-sóng thần Indonesia
|
Thảm họa kép ở Indonesia làm hơn 2.000 người thiệt mạng. |
Trận động đất mạnh 7,5 độ richer ngày 28/9 biến thành phố Palu trên đảo Sulawesi thành đống đổ nát hỗn độn. Số người chết được xác nhận là hơn 2.000 người.
Thông tin số người mất tích không thống nhất. Có trang tin cho biết số người mất tích là hàng ngàn người, nhưng cũng có trang tin cho biết con số này chỉ từ 600-700 người. Chính quyền Indonesia cho biết phải mất hơn hai năm thì khu vực bị ảnh hưởng mới có thể quay trở lại như xưa.
6. Tai nạn hàng không thảm khốc
|
Tai nạn máy bay đã khiến 189 người tử vong. |
Chuyến bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air gặp nạn ngày 29/10 làm 189 người thiệt mạng. Chính quyền Indonesia cuối tháng 11 đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu.
Theo đó, bộ phận cảm biến giúp đọc vận tốc máy bay đã gặp trục trặc, đồng thời Hệ thống mở rộng chức năng điều khiển (MCAS) là nguyên nhân khiến máy bay nhiều lần chúi mũi. Tình trạng này cũng đã xuất hiện trong chuyến bay trước đó nhưng may mắn không có tai nạn xảy ra.
Chiếc máy bay Boeing 737 MAX8 gặp nạn chỉ mới đưa vào sử dụng hai tháng. Trước khi mất liên lạc, tổ lái có yêu cầu quay về nơi xuất phát và đã được đồng ý, nhưng sau đó, máy bay mất hẳn tín hiệu.
Gia đình của một nạn nhân đã khởi kiện Boeing và vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra, gây ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của hàng không Indonesia và hãng Boeing.
7. Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới Angela Merkel rời khỏi chính trường
|
Bà Merkel sẽ không tranh cử Thủ tướng Đức vào nhiệm kỳ tới. |
Cuối tháng 10, Thủ tướng Đức Merkel xác nhận sẽ không chạy đua cho vị trí Chủ tịch đảng CDU tại Đại hội thường niên của đảng CDU diễn ra trong tháng 12/2018.
Việc bà Merkel rút khỏi vị trí lãnh đạo CDU sẽ mở đường cho cuộc chạy đua cho ghế Thủ tướng được dự đoán khá gay cấn vào năm 2021. Hiện CDU đã tìm ra được Chủ tịch mới, là bà Annegret Kramp-Karrenbauer, là người từng giữ vị trí Tổng Thư ký CDU. Đây cũng chính là người mà bà Merkel tin tưởng, ủng hộ.
Mặc dù vậy, sự ra đi của bà Merkel đánh dấu một biến cố đối với Liên minh châu Âu (EU). Không có nhà lãnh đạo nào thống trị các vấn đề châu Âu như bà trong suốt 13 năm qua. Những người khác có thể đã xây dựng châu Âu, nhưng chính bà Merkel mới là người đảm nhận nhiệm vụ khó hơn nhiều: mang lại sự ổn định cho khối trong những thời điểm rối ren.
Không quá khó để hình dung ra sự bất đồng sẽ tới mức nào tại các hội nghị thượng đỉnh của EU, nếu không có Đức đứng ra điều phối. Thiếu người đứng đầu chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn ở Đức, chắc chắn, bất đồng sẽ càng gay gắt hơn trong bối cảnh các nhà lãnh đạo dân túy đang ngày càng nổi lên ở châu Âu hiện nay.
8. Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ
|
Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đánh dấu "Năm của phụ nữ" với hàng loạt chiến thắng quan trọng dành cho các ứng cử viên nữ. |
Ngày 6/11, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra trong lòng một nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. Đảng Cộng hòa tiếp tục nắm Thượng viện nhưng Hạ viện đã thuộc về đảng Dân chủ. Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng có nghĩa là Tổng thống Donald Trump sẽ gặp khó khăn trong nửa nhiệm kỳ tới.
Bầu cử giữa kỳ 2018 để lại dấu ấn đậm nét tới mức truyền thông Mỹ gọi đây là “năm của phụ nữ" khi rất nhiều gương mặt nữ trẻ tuổi, với các thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau lần đầu tiên tham gia chính trường. Một trong những kỳ tích có thể nhắc tới là chiến thắng ngoạn mục của 19 ứng cử viên tư pháp là phụ nữ gốc Phi.
9. Cái chết bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi
|
Chính quyền Saudi Arabia bác bỏ mọi cáo buộc về việc Thái tử Salman có liên quan đến cái chết của ông Khashoggi. |
Tháng 11, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố kết luận Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là người trực tiếp chỉ đạo vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi. Kết luận đưa ra dựa trên đoạn băng ghi âm được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho phía Mỹ cùng nhiều bằng chứng khác, gồm thông tin từ cơ quan tình báo.
Ông Khashoggi là cây viết bình luận của tờ Washington Post. Ông chuyển đến Mỹ sinh sống từ năm 2017. Cái chết của nhà báo Khashoggi khiến quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ rơi vào căng thẳng và khiến dư luận trên thế giới đặc biệt quan tâm.
10. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Tháng 3/2018, Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% lên thép từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 3 tỷ USD. Đến nay, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Argentina vào tháng 12, Mỹ và Trung Quốc đã có thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày để thảo luận về những mâu thuẫn. Nếu không thành công, nhiều khả năng cuộc chiến sẽ còn cam go hơn nữa.
Ngay trong thời gian diễn ra hội nghị, Canada đã bắt bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc Tài chính kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei – và có thể dẫn độ bà về Mỹ xét xử cáo buộc gian dối, cố tình vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Vụ bắt giữ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo quan sát của các chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số quốc gia “đứng ngoài” có thể hưởng lợi ở thời điểm ban đầu, nhưng về lâu dài thì không.
Minh Khôi