Trên những chuyến xe vào Sài Gòn giao lưu cùng bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM, các nhân vật trong chương trình Khát vọng sống cho biết họ đang tràn ngập cảm xúc hào hứng, vui vẻ nhưng cũng hồi hộp và xúc động.
Anh Thái Duy Đức: Ngồi xe lăn nhưng vẫn muốn tới Sài Gòn giao lưu
Giọng nói toát lên vẻ tự tin xen lẫn tiếng cười, ít ai ngờ anh Thái Duy Đức (nhân vật trong bài Chuyện tình trên chiếc xe lăn) từng tuyệt vọng cùng cực khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người. Tai nạn đã khiến anh phải ngồi xe lăn. Tưởng chừng cánh cửa cuộc sống đóng sập lại, nhưng hạnh phúc đã mở ra với chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Tai nạn cướp đi đôi chân, nhưng sự lạc quan đã mang đến cho anh người phụ nữ tuyệt vời.
Anh Đức muốn chia sẻ về hạnh phúc, tình yêu của mình để nó lan tỏa khắp nơi, đến với những ai chưa gặp hay đang bế tắc vì biến cố. Anh nói: “Tôi hồi hộp và bối rối bởi chương trình này quá ý nghĩa với những người như tôi. Chưa biết sẽ nói gì, chỉ biết tuy ngồi xe lăn, bất tiện khi di chuyển, nhưng tôi đã sẵn sàng để tới Sài Gòn và tham gia giao lưu. Tôi muốn nói với mọi người, cuộc sống rất kỳ diệu, đừng thôi khát vọng. Khát khao vượt qua nghịch cảnh mới tìm được hạnh phúc thật sự”.
Bà ngoại bé Thông Thái Lâm: Mong gặp bác sĩ cứu cháu để nói lời cảm ơn
|
Bà Lệ luôn miệng: "Mừng, mừng quá, mừng đến nỗi không biết nói gì, tôi biết ơn mọi người rất nhiều". |
Bà Lệ (bà ngoại của bé Thông Thái Lâm - Bà mụ không thương Lâm) mừng rỡ khoe Lâm đã đi học lớp 1, cháu vui hơn trước, miệng không ngớt đánh vần mỗi khi về nhà. Tuy đã vào học được 2 tuần, nhưng tối nào Lâm cũng hồi hộp đợi đến sáng hôm sau để gặp các bạn.
Bà Lệ cười: “Lâm lém lỉnh lắm, nó nói bà mụ không thương Lâm nhưng các bác sĩ và cô giáo thương Lâm, bạn bè cũng thích chơi với Lâm. Tôi đã xin cô giáo cho cháu nghỉ học 1 ngày, ngày mai, tôi và Lâm sẽ đến với chương trình. Lần này vào Sài Gòn rất khác những lần trước, Lâm không còn hỏi tôi khi nào tay cháu hết dính, nó sẽ không còn mất ngủ như khi vào tìm bác sĩ mổ tay. Bà cháu tôi cảm ơn bác sĩ đã hồi sinh lại cuộc sống cho Lâm”.
Nghe bà ngoại nói chuyện, Lâm hỏi "ai vậy ngoại", rồi chào lễ phép. Lâm nói lần này vào Sài Gòn sẽ kể cho các cô, các chú nghe chuyện đi học rất vui. Lâm còn muốn đi xem bồ câu ở nhà thờ Đức Bà, đi vòng quanh xem xe, xem đường phố.
Nguyễn Đình Vinh (Chàng trai 20 năm mang "mai rùa"): Đem theo cây sáo từ quê nhà
"Không lâu sau ngày phẫu thuật cuối cùng, tôi nhận được điện thoại của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, nói về chương trình Khát vọng sống. Tôi cảm giác như có hai điều kỳ diệu vừa xảy ra với mình. Điều kỳ diệu thứ nhất là tôi được trở lại cuộc sống của một người “bình thường”, tách khỏi khối u hơn 20 năm đè nặng từng bước đi trên cơ thể. Điều kỳ diệu thứ hai là khi một bệnh nhân có số phận như tôi lại trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người.
Khi biết chương trình tổ chức ở tận Sài Gòn, tôi cũng khá lo lắng. Suốt 27 năm, con đường mà tôi biết chỉ là từ nhà tới các bệnh viện, từ bệnh viện tuyến tỉnh tới các bệnh viện của Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác một mình ra sân bay, tới một nơi chưa từng nghĩ có cơ hội đặt chân đến. Vốn ít nói và rụt rè, tôi không biết có thể chia sẻ hết những suy nghĩ, cảm xúc của mình khi tham gia chương trình không.
Dù vậy lo lắng cũng vơi đi, thay vào đó là sự háo hức. Bởi ngoài việc giao lưu với các nhân vật trong chương trình, tôi sẽ mang tới tiết mục thổi sáo nho nhỏ. Tuy chỉ là “tay mơ” nhưng tiếng sáo đã đi theo, động viên tôi rất nhiều trong những ngày tháng khó khăn. Đã nhiều lần tôi nghĩ vì sao mình kém may mắn đến thế, mang căn bệnh lạ kỳ, đau đớn và muốn buông xuôi. Nhưng cầm cây sáo lên, thổi vu vơ thôi là bao mệt mỏi được giải tỏa. Hy vọng, tiết mục của tôi sẽ phần nào giúp những bệnh nhân nặng khác có thể vơi nhẹ những nỗi buồn".
Chị Nguyễn Thanh Hương (Bảy năm tìm con trong nước mắt): Tôi hy vọng câu chuyện của mình có thể truyền lửa cho nhiều bà mẹ
"Khi được lựa chọn để trở thành 1 trong 10 nhân vật của chương trình Khát vọng sống, tôi đã hồi hộp từng ngày để được chia sẻ câu chuyện của mình với những người cùng cảnh ngộ.
Có thể so với nhiều bạn trong chương trình lần này, trường hợp của tôi không tới mức thập tử nhất sinh. Nhưng đó là điều vô cùng quan trọng với hạnh phúc của một người mẹ và của một gia đình. Có quá nhiều lý do để một người phụ nữ như tôi sẵn sàng bỏ qua chỉ định phải nhờ người mang thai hộ của bác sĩ để cố gắng đi đến cuối hành trình của mình. Một hành trình mà nếu không dấn bước tới cuối cùng, có lẽ cả cuộc đời này, tôi sẽ phải day dứt, ân hận.
Tôi rất mong câu chuyện mình chia sẻ sẽ là ngọn lửa để tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều bà mẹ khác, hy vọng họ nhận được “trái ngọt” trong hành trình tìm con yêu. Bởi với người phụ nữ, không gì quý bằng trải nghiệm được mang nặng, đẻ đau, được nghe tiếng khóc của con khi bé chào đời.
Tham gia chương trình lần này, bé Py (tên gọi ở nhà của con trai chị Hương - PV) và gia đình cùng đi để “ủng hộ” mẹ. Dù con đã được đi chơi xa nhiều lần nhưng với tôi đây là một chuyến đi đặc biệt, giàu cảm xúc và chắc chắn không thể thiếu bé bên cạnh".
Phạm An - Huyền Anh