10 nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại

26/11/2024 - 07:13

PNO - Nước Nhật thời Minh Trị duy tân nổi tiếng với những cải cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Từ một đất nước phong kiến, Nhật Bản đã nhanh chóng hiện đại hóa, trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến.

Tác phẩm Mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại (nguyên tác: Ten great educators of modern Japan) xuất bản lần đầu năm 1990, gồm mười chương sách, mỗi chương là một tiểu luận công phu về một nhân vật lớn trong lĩnh vực giáo dục thời Minh Trị.

Fukuzawa Yukichi là một nhà tư tưởng và nhà khai minh hàng đầu của Nhật Bản. Ông được coi là người đặt nền móng cho giáo dục hiện đại của Nhật Bản. Trong tác phẩm nổi tiếng Khuyến học (Gakumon no Susume), Fukuzawa khuyến khích việc học hỏi từ phương Tây và đề cao tinh thần độc lập. Ông thành lập Trường Keio Gijuku (tiền thân của Đại học Keio) tại Tokyo vào năm 1868, trở thành một trong những trường đại học đầu tiên của Nhật Bản.

Mori Arinori là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Nhật Bản. Với tư cách là một trong những người tiên phong của phong trào Tây phương hóa, Mori đã đặt nền tảng cho hệ thống giáo dục quốc gia. Ông nhấn mạnh việc dạy đạo đức, trí dục và thể dục trong giáo dục, nhằm phát triển toàn diện cá nhân và quốc gia. Sự cải cách của Mori không chỉ đặt mục tiêu theo đuổi tri thức mà còn gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ đất nước.

Tsuda Ume là người sáng lập Đại học Tsuda, một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên dành cho nữ sinh ở Nhật Bản. Bà từng du học tại Mỹ. Về nước, bà nỗ lực thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ, đặc biệt là giáo dục ngôn ngữ và văn hóa phương Tây. Tsuda Ume trở thành một biểu tượng cho phong trào nữ quyền trong giáo dục Nhật Bản thời bấy giờ.

Munakata Seiya là một trong những nhà giáo dục tiêu biểu trong thời kỳ sau chiến tranh, với tư tưởng nhân văn và dân chủ. Ông là người đấu tranh cho quyền tự chủ của giáo viên và hệ thống giáo dục không chịu sự kiểm soát của chính phủ. Munakata đã góp phần làm thay đổi căn bản cách nhìn về giáo dục ở Nhật Bản, với tư tưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của từng cá nhân trong xã hội…

10 nhà giáo dục trên không chỉ là nhà tư tưởng - nhà cải cách lớn mà còn là những biểu tượng của tầm nhìn xa, tinh thần học hỏi không ngừng, sự kiên định và đổi mới. Qua những đóng góp của họ, đặc biệt là tinh thần “thực học”, Nhật Bản đã xây dựng được một hệ thống giáo dục tiên tiến, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Sự hiện đại hóa giáo dục này không chỉ giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến mà còn giúp họ ngang hàng với các cường quốc phương Tây.

Nhìn lại hành trình phát triển của nền giáo dục Nhật Bản hiện đại, có thể thấy rõ công lao của 10 nhà giáo dục lớn trong thời kỳ Minh Trị. Những đóng góp của họ không chỉ là bước đệm cho sự phát triển giáo dục quốc gia mà còn là di sản tri thức có giá trị. Qua tác phẩm, chúng ta không chỉ thấy được giá trị của nền giáo dục Nhật Bản mà còn cảm nhận được sức mạnh của tri thức và tầm nhìn trong việc kiến tạo một xã hội tiên tiến và bền vững.

Mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) là một nghiên cứu công phu, tập trung vào những cá nhân xuất chúng, góp phần xây dựng nền tảng giáo dục hiện đại cho nước Nhật. Những nhà giáo dục như Fukuzawa Yukichi, Mori Arinori và Tsuda Ume không chỉ thúc đẩy tri thức mà còn là những biểu tượng của tinh thần cải cách, kiên định và đầy tầm nhìn…

Khoảng 15 năm trở lại đây, nước Nhật thời Minh Trị duy tân qua sách vở được xuất bản ở Việt Nam gần như chỉ thấy bóng dáng và tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, thể hiện qua sức sống bền bỉ của bản dịch Khuyến học (Phạm Hữu Lợi dịch) và phần nào đó là Phúc Ông tự truyện. Theo thời gian, mối quan tâm về Nhật Bản ngày càng rộng lớn, với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm quan trọng. Tác phẩm Mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại là một công trình nghiên cứu xứng đáng có trong mọi tủ sách về Nhật Bản, cho thấy nước Nhật thời Minh Trị không chỉ có mỗi Fukuzawa Yukichi.

Diệp Ẩn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI