10 năm sau ly hôn mẹ vẫn hận ba

01/03/2022 - 16:49

PNO - Bao nhiêu năm qua mẹ vẫn cần mẫn nhặt những mảnh vỡ để than khóc, oán hận, khiến chính mình và con cái mỏi mệt

Ba tôi lớn hơn mẹ những 16 tuổi. Ngày cưới mẹ, ba đã là chàng thanh niên chín chắn, có công việc ổn định. Mẹ là cô học trò vừa rời trường phổ thông. Mẹ luôn nghĩ mẹ trẻ, mẹ xinh đương nhiên ba phải có trách nhiệm bảo bọc, gánh vác mọi thứ thay mẹ.

Ngoài giờ làm ba nhận dịch sách, dạy tiếng Anh. Nhiều bữa, ba xong việc đã gần nửa đêm nhưng còn phải rửa thau chén, giặt đồ, dọn dẹp… Tuổi thơ tôi ít khi thấy mẹ cười. Mẹ kể với ba bạn mẹ vừa được chồng sắm chiếc vòng tay rất đẹp, chiếc xe bạn chạy cũng xịn hơn xe mẹ nhiều. Chồng người ta giỏi thấy ham…

Ba còng lưng làm thêm việc để mẹ bằng bạn bằng bè. Ba ngày càng gầy còm, già trước tuổi. Mẹ càng trẻ trung, xinh đẹp. Tôi chẳng thích mẹ xinh, bởi mẹ luôn sợ móng tay sẽ gãy, da sẽ nám, áo quần sẽ dính dơ nếu tất bật chợ búa, cơm nước… Mọi thứ chất lên ba, nhọc nhằn.

Tôi nhớ trong một lần cãi nhau, mẹ nói: “Ông có vợ đẹp mà không biết trân trọng, vậy ly hôn đi”. Ba buông gọn: “Ly thì ly!”.

Mẹ tôi coi thường, thường xuyên miệt thị ba (Ảnh minh họa)
Mẹ tôi coi thường, thường xuyên miệt thị ba, so sánh ba với "chồng người ta" (Ảnh minh họa)

Tôi đón nhận tin ba mẹ ly hôn một cách bình thản, không một giọt nước mắt. Còn len lén vui vì từ nay ba mẹ sẽ không còn cơ hội cãi nhau, cửa nhà sẽ bình yên.

Năm đó tôi 12 tuổi, tòa xử tôi ở với ba, thằng út thì ở với mẹ. Ba nói với tôi: “Con nên ở lại để đỡ đần mẹ. Em con lớn chút, con về ở với ba”. Tôi thương ba, nhưng chọn ở lại vì biết mẹ cần tôi hơn.

Đó là lý do sau này mẹ hay gào lên: “Ổng bỏ đi để dễ bề cua gái, con cái đùn hết cho mẹ lo”…

Rồi ba có vợ mới, dì xấp xỉ tuổi ba, lại không đẹp. Mẹ hả hê: “Tưởng ổng lấy ai ngon lành, hốt một bà già chát lại xấu hoắc. Đáng đời!”.

Tôi sang nhà, thấy ba đang đánh vec-ni bộ ghế gỗ. Dì trầm trồ: “Sao anh giỏi vậy, bộ ghế nhìn y như đồ mới sắm”. Mắt ba lấp lánh vui. Thứ ánh sáng của hạnh phúc lâu rồi tôi không nhìn thấy ở ba. Tôi hiểu ra, dì biết nâng niu, trân trọng ba, nên nhan sắc hay tuổi trẻ gì đó với ba là thừa.

Nhà có góc sân còn trống, dì nói nên trồng cây mận, vừa mát mẻ vừa đỡ nhớ quê. Ba nói nên trồng cây mai, tết có hoa ngắm. Mấy hôm sau, tôi thấy ở góc sân đã có cây mận, do chính tay ba trồng. Rồi dì mang về hai chậu mai, để kề bên. Dì nói: “Sau này con của con và thằng út sẽ hái trái, tết thì cùng ông bà lặt lá mai, chắc vui”. Tôi rưng rưng. Dì và ba không có con chung, là dì đang nghĩ tới tương lai mấy đứa cháu sau này…

Dì điều hành công ty du lịch. Ba có kiến thức về lịch sử, văn hóa, lại biết tiếng Anh nên theo đoàn làm hướng dẫn viên. Được làm công việc đúng sở trường, lại được đi nhiều nơi, kết thêm nhiều bạn mới nên ba vui, trẻ hẳn ra.

Ba sống vui vẻ bao nhiêu thì mẹ lại sầu muộn bấy nhiêu. Tiệm mỹ phẩm của mẹ ế ẩm, đứt vốn, nợ đòi tứ giăng. Ngày nào mẹ cũng than trời trách đất, trách ba bạc nghĩa, quăng hai cục nợ cho mẹ lo… Nhiều lần ba hỏi về công việc của mẹ, tôi không dám kể. Rồi ba cũng dò biết được. Ba đưa tôi một số tiền, bảo mang về cho mẹ.

Mẹ dẹp tiệm mỹ phẩm, dùng tiền của ba mở tiệm bán gạo. Có đồng vào đồng ra mẹ vẫn không hài lòng, tìm cách bắn tin cho dì: “Chồng cô mang tiền về cho tôi làm ăn. Cô cứ việc cực khổ đi, phước tôi hưởng”.

Tôi gặp dì, ấp úng mãi mới nói được câu xin lỗi. Dì vuốt tóc tôi: “Chuyện không liên quan đến con, cứ lo học giỏi cho ba vui. Ba con sống có tình nghĩa, dì không trách ba”. Tôi nói với ba không cần lo cho mẹ nữa, mẹ ổn rồi. Tôi mong nửa đời còn lại của ba sẽ được bình yên.

Tôi cũng mong mẹ sẽ quên đi thù hận, sống cuộc sống của riêng mẹ, cần gì phải dõi theo ba trong ghen hận, oán hờn. Mẹ nói: “Chuyện người lớn con không hiểu đâu. Chừng nào mẹ còn sống là còn hận ổng”.

Rồi một ngày, thằng út nổi loạn, bỏ nhà đi biệt. Ba ngày sau, tôi và mẹ mới tìm được nó ở tiệm game. Thằng út gào lên: “Con không về, nhà mình con không ở nổi, lúc nào cũng nghe mẹ chửi, chửi, chửi…”.

Mẹ ôm nó, bật khóc. Hy vọng những giọt nước mắt hôm nay đủ để mẹ hiểu ra cần sống khác, sống bình yên để thằng út cảm nhận được năng lượng lành từ mẹ.

Dì khốn khổ vì mẹ tôi quậy (Ảnh minh họa)
Dì khốn khổ vì mẹ tôi quậy (Ảnh minh họa)

 Người ta hay nói đổ vỡ hôn nhân không phải là đường cùng, cần mạnh mẽ bước qua để làm lại từ đầu. Bao nhiêu năm qua mẹ không rời khỏi đó, vẫn cần mẫn nhặt những mảnh vỡ để than khóc, oán hận, khiến chính mình và cả con cái mỏi mệt. Ngoài kia trời trong nắng đẹp, chỉ cần mẹ bước ra sẽ thấy đời còn vui. Chắc từ nay mẹ đã có thể không ngoái lại và chọn một cuộc sống khác. 

                                                                                       Thanh Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI