10 năm qua, phim Việt chỉ chiếm 1/3 tổng doanh thu phòng vé

22/12/2023 - 12:23

PNO - Trong 10 năm qua, Doanh thu phim Việt chiếm khoảng từ 18-33%; phim ngoại nhập khẩu đang thắng thế với tỷ lệ khoảng từ 67-82% tổng doanh thu phòng vé.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị toàn quốc về “Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam”, nhà sản xuất phim Ngô Thị Bích Hạnh (Công ty Sản xuất, Phát hành Phim Điện Ảnh, Truyền Hình và Công nghiệp Sáng tạo Nội dung Video BHD) nhấn mạnh vị trí của công nghiệp điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung số là một phần vô cùng quan trọng của công nghiệp nội dung.

Nhà sản xuất phim Ngô Thị Bích Hạnh
Nhà sản xuất phim Ngô Thị Bích Hạnh

Bà cho biết, công nghiệp nội dung toàn thế giới là một thị trường có quy mô rất lớn, đạt mức 2.514 tỉ USD, gấp 4 lần quy mô thị trường của ngành công nghiệp bán dẫn. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đây được coi là ngành công nghiệp không khói của tương lai.

Hiện thị trường điện ảnh Việt Nam đang mới phát triển, phim có doanh thu cao nhất là 475 tỷ (chưa kể phần doanh thu nước ngoài), trong khi chi phí sản xuất khoảng 30 tỷ (chưa kể một số chi phí khác).

Bà Hạnh nhận định, với dân số gần 100 triệu dân, con số doanh thu phòng vé này sẽ tăng trưởng rất mạnh. Việt Nam đang là nước có tỷ lệ doanh thu phòng vé phát triển nhất thế giới: 25-40%/năm (trừ năm 2018 là năm CGV phá giá rạp chiếu dẫn đến cả thị trường cùng phá giá và những năm COVID-19).

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, hiện tại rạp chiếu phim của các thương hiệu Việt và vận hành bởi người Việt chiếm khoảng 33% thị phần và 67% là của các công ty Hàn Quốc; trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ nước ngoài chỉ từ 10-30%. Trong 10 năm vừa qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng từ 18-33%; doanh thu phim ngoại nhập khẩu thắng thế với tỷ lệ khoảng từ 67-82% tổng doanh thu phòng vé.

Nguyên nhân của sự chênh lệch này, theo bà Hạnh, là do ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay chủ yếu được vận hành như là văn hóa, chứ chưa phải là một ngành công nghiệp, cả về chính sách, con người làm văn hóa, cũng như quản lý văn hóa. Chính sách hỗ trợ lại hoàn toàn chưa có, nên hiện tại các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực này đang phải tự phát triển trong kinh tế thị trường, chưa có sự điều tiết về chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Theo bà, việc làm các chính sách hỗ trợ công nghiệp không thể chỉ làm từ Bộ VH-TTDL, vì các chính sách hỗ trợ công nghiệp có quá nhiều phần liên quan đến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước... Bà đề xuất Chính phủ lập tổ đặc biệt hỗ trợ công nghiệp văn hóa cấp nhà nước, với các nhân sự từ nhiều bộ, ngành liên quan.

Tổ này không chỉ làm chính sách mà còn hỗ trợ việc thực thi chính sách - làm đòn bẩy để ngành công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp nội dung nói riêng có thể phát triển hiệu quả, xứng tầm.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI