10 năm đi nối những bờ vui

03/07/2020 - 06:42

PNO - Ngày 14/6 vừa qua, dù trời mưa nhưng cô Phương vẫn cùng nhóm bạn đi về H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để khánh thành chiếc cầu kênh 2/9

“Thấy mình làm thiệt tình nên các bạn ấy cứ rủ thêm bạn bè, người thân cùng đóng góp. Ban đầu, mỗi năm chỉ xây một cầu, nhưng đến nay thì năm nào cũng xây từ 3 - 5 cây cầu”, chị Phương nói. 

Chị Thái Tú Phương, P.11, Q.11, chủ cơ sở làm bánh ngọt Ban Ngọc đã hơn 20 năm. 4g sáng, vợ chồng chị thức dậy để cùng với 4 - 5 nhân công vào lò. Nhiệt độ trong bếp nóng hừng hực. Công việc tuy vất vả nhưng đổi lại gia đình chị có cuộc sống ổn định. Cả ba người con của chị Phương đều đã trưởng thành, có công việc ổn định và không ai chọn theo nghề làm bánh của gia đình nên hơn hai năm nay, chị phải ngừng công việc, trở về lo nội trợ. 

Chị Tống Thị Ngọc Diệu - Chủ tịch Hội LHPN P.11 - cho biết: “Tôi quý và cảm phục sự chịu khó của cô Phương trong công việc và cả những việc làm thiện nguyện. Trong những chuyến đi, cô luôn có mặt, đến từng nơi để thăm hỏi, tặng quà, xây nhà cho người khó khăn, xây cầu. Gắn với địa phương, cô là Mạnh Thường Quân góp sức cùng Hội trong công tác chăm lo học bổng cho học sinh nghèo hiếu học”.

Chị Phương (thứ 2 từ phải qua) cùng nhóm bạn tham gia khánh thành cầu giao thông nông thôn tại tỉnh Đồng Tháp
Chị Phương (thứ 2 từ phải qua) cùng nhóm bạn tham gia khánh thành cầu giao thông nông thôn tại tỉnh Đồng Tháp

Rồi chị Diệu kể tiếp, ngày 14/6 vừa qua, dù trời mưa nhưng cô Phương vẫn cùng nhóm bạn đi về H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để khánh thành chiếc cầu kênh 2/9 vì lỡ hứa với địa phương. Chiếc cầu bê tông mới khang trang thay thế chiếc cầu gỗ ọp ẹp. Đây là chiếc cầu thứ hai được khánh thành trong năm 2020 với kinh phí 180 triệu đồng. Một cây cầu khác cũng đang được xây dựng ở H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và chị đang khảo sát để xây thêm một cây cầu ở tỉnh Hậu Giang.

Nghe nhắc đến những việc làm của mình, chị Phương tỏ vẻ ái ngại: “Việc mình làm mình biết thôi chứ không muốn nhiều người biết, cũng không muốn ai kể công. Một mình tôi thì không làm được gì, bạn bè tin tưởng, giao trách nhiệm cho tôi thì tôi cố hết sức làm”. 

Mười năm đi xây cầu giao thông nông thôn, chị cùng nhóm bạn của mình đã xây hơn 40 chiếc cầu cho người dân vùng sâu vùng xa ở các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp. Mỗi chiếc cầu trị giá từ 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. “Những người bạn thấy mình làm thiệt tình nên đã rủ thêm bạn bè người thân cùng đóng góp. Ban đầu, mỗi năm chỉ xây một cầu, đến nay năm nào cũng xây được từ 3-5 cây cầu”, chị Phương nói. 

Để mọi người có dịp gặp gỡ và hiểu hơn về công việc của nhau, mỗi năm chị Phương còn tổ chức họp mặt tất cả các thành viên và những người tham gia đóng góp cho hoạt động.

Lật lại từng tấm hình cũ trong điện thoại, chị kể: trong những chuyến đi thiện nguyện, nghe người ta giới thiệu chỗ này chỗ kia cần được giúp đỡ, chị tìm cách đến tận nơi khảo sát. Đến nơi, nhìn thấy cảnh bà con đi trên những chiếc cầu khỉ bắc qua sông, ọp ẹp, mục mát, và nghe kể nhiều lần trẻ nhỏ lẫn người lớn bị rớt xuống nước, chị lại có thêm quyết tâm xây thêm những chiếc cầu để bà con bớt khổ. Chị Phương tâm tình: “Mình thích đi xây những cây cầu vì nó mang tính cộng đồng cao, tất cả mọi người, già trẻ, giàu nghèo đều sử dụng. Bà con đỡ vất vả hơn khi đi qua sông, tiết kiệm thời gian và hơn hết là đường đến trường của các em được an toàn hơn”. 

Mỗi cây cầu khi nối những bờ vui, không chỉ là niềm vui của bà con mà còn là niềm vui của chị và các thành viên trong nhóm. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI