10 năm đi học cùng con, bà mẹ đưa con trai tự kỷ vào đại học thành công

06/08/2018 - 15:37

PNO - 10 năm qua, Bao Han ngày nào cũng ngồi cạnh một bạn học đặc biệt – mẹ của cậu. Giờ đây, khi là tân sinh viên, cậu sẽ phải làm quen với việc không còn mẹ ngồi cạnh trong lớp.

Tháng 9 tới Bao Han sẽ bắt đầu học kỳ đầu tiên ở ĐH Nam Kinh, chuyên ngành khoa học máy tính. Biết những khó khăn mà cậu gặp phải từ ngày tiểu học sẽ hiểu được Bao Han mừng đến thế nào khi được nhận vào ngôi trường duy nhất ở Trung Quốc đào tạo ra các giáo viên sẽ dạy học cho trẻ em đặc biệt.

10 nam di hoc cung con, ba me dua con trai tu ky vao dai hoc thanh cong
Bao Han (bên phải) và bố mẹ.

10 năm qua cũng là thời gian bà Pang bỏ công việc của một giáo viên vật lý để ngày nào cũng ngồi cạnh con trai trong lớp giúp cậu học tập.

Năm lên 3, Bao Han được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, và cậu bé gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè trường mẫu giáo.

“Những đứa trẻ khác thì chạy nhảy khắp sân chơi với nhau, con trai tôi thì lúc nào cũng ngồi một mình sát tường”, bà Pang nhớ lại. “Một vài bạn còn đuổi cháu và bảo cháu là ‘ngu ngốc’”.

Thế là người mẹ quyết định hành động. Bà bỏ việc ở trường cấp hai, nộp đơn xin vào làm việc ở trường tiểu học với hy vọng có thể vào làm ở trường mẫu giáo của con. Vì không còn vị trí giáo viên nào trống, bà Pang đành nhận chân quét dọn, chơi với con và các bạn của cậu bé vào giờ ra chơi.

“Thấy con chơi với các bạn, đứa nào cũng vui vẻ tươi cười, tôi thấy các nỗ lực của mình đều xứng đáng cả”, bà Pang tâm sự.

Lên tiểu học, Bao Han bắt đầu gặp khó khăn trong học tập, và lúc này bà Pang đánh liều xin nhà trường cho vào lớp ngồi học cùng con – ghi chép, và giúp học ôn bài sau giờ học.

10 năm trôi qua, kỳ thi đại học đến gần và người mẹ nhìn thấy con trai vô cùng quyết tâm. “Để học ôn cho kỳ thi, thằng bé đã rất chăm chỉ - ngày nào cũng dậy từ 6g30 sáng”, người mẹ kể với báo chí. “Cháu dành gần như cả ngày để ôn tự vựng tiếng Anh, làm đi làm lại các bài thi mẫu”.

Và cậu đã làm được. Sau khi vượt qua các bài thi viết và một lần phỏng vấn vào trường ĐH Nam Kinh, Bao Han được ghép cặp với một sinh viên năm nhất trong 2 tuần để xem cậu có theo được không.

“Trường đại học muốn xem con trai tôi có hòa nhập được với các sinh viên khác trong thời gian thử thách hay không, và liệu thằng bé có thể thích nghi với môi trường học tập mới không”, bà Pang chia sẻ. “Các giáo viên đều rất lạc quan về cháu”.

Bản thân Bao Han cũng rất hào hứng với thử thách mới – cậu thậm chí đã lên kế hoạch cho tương lai. Một ý tưởng mà cậu thích thú là thiết kế các máy kéo không người lái giúp cho công việc của nông dân dễ dàng hơn.

Với bà Pang và chồng, không có gì khiến họ vui hơn là con trai có thể sống độc lập. Họ vẫn sẽ chuyển đến Nam Kinh, thuê một căn hộ gần trường của Bao Han, nhưng cậu bé sẽ tự mình lên giảng đường để học.

“Tôi cũng lớn tuổi rồi, và tôi không thể trả lời những câu hỏi về chuyên ngành của cháu”, người mẹ tâm sự. “Nhưng tôi muốn ở gần cháu – nếu có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi sẽ ở bên con”.

Đại An (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI