10 họa sĩ trẻ đi cùng nhau để tăng sức mạnh, cơ hội

23/02/2025 - 17:33

PNO - 10 họa sĩ thuộc thế hệ 9X, 2000 đã tập hợp lại trên con đường nghệ thuật. Họ giúp đỡ, động viên nhau trong công việc, thực hiện triển lãm nhóm mang tác phẩm đến gần công chúng.

Công chúng thưởng lãm tranh của nhóm hoạ sĩ trẻ tại cơ sở 2 của Hội Mỹ thuật TPHCM (TP Thủ Đức)
Công chúng thưởng lãm tranh của nhóm họa sĩ trẻ tại cơ sở 2 của Hội Mỹ thuật TPHCM (TP Thủ Đức)

Thị trường hội họa Việt Nam những năm gần đây có dấu hiệu phát triển. Điều này mang đến những hy vọng cho người trẻ làm nghề. Nhưng các họa sĩ trẻ đang đối diện không ít thử thách về kinh tế, áp lực sáng tạo, tìm sự độc đáo để khẳng định bản thân, tìm cơ hội để giới thiệu mình đến công chúng. Thấu hiểu điều này, Tuấn Huynh và Tuấn Đệ khởi xướng thành lập nhóm Thực, tập hợp nhau lại để hiện thực hóa ước mơ của những họa sĩ trẻ.

Họa sĩ Tuấn Huynh nhận thấy những cơ hội từ việc kết nối, phát triển mối quan hệ với những người yêu nghệ thuật thông qua các nền tảng trực tuyến, các triển lãm và sự kiện nghệ thuật để quảng bá tác phẩm và xây dựng thương hiệu cá nhân. Vì thế, nhóm đã có 2 triển lãm tập thể, gần nhất là Thanh xuân, vừa khép lại hôm 21/2 tại cơ sở 2 của Hội Mỹ thuật TPHCM (TP Thủ Đức), chuẩn bị mang ra Hà Nội vào tháng 3 tới.

Để một họa sĩ trẻ có thể tự tổ chức một triển lãm không phải là việc dễ vì có rất nhiều việc, tiêu tốn không ít kinh phí. Nhưng khi đứng cùng nhau, họ có thêm sức mạnh để hiện thực hóa ước mơ đó. Những gánh nặng được san sẻ đôi phần. Nữ họa sĩ Thanh Xuân không giấu sự xúc động khi nhớ về sự ân cần của các thành viên trong nhóm, từ khâu chuẩn bị cho đến quá trình tổ chức vất vả, để cuối cùng những tác phẩm sơn mài chủ đề thiên nhiên, phụ nữ Việt Nam của cô được trình làng.

Các hoạ sĩ trẻ của nhóm Thực tốt nghiệp từ Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật TPHCM
Các họa sĩ trẻ của nhóm Thực tốt nghiệp từ Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật TPHCM

Đây cũng là cơ hội để các họa sĩ trẻ gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Triển lãm này là cú chạm đầu tiên của họa sĩ Ngọc Hòa ở miền Nam. Trước đây, tác phẩm của anh thường được treo ở các phòng tranh Hà Nội. Nhưng từ khi gia nhập nhóm Thực, anh quyết định tiến vào thị trường TPHCM, giới thiệu những bức sơn mài vẽ chân dung thiếu nữ của mình ở một sân chơi mới. Sự đồng hành, hun đúc tinh thần lẫn nhau đã giúp anh can đảm vượt qua giới hạn trước đây.

Tuấn Huynh cho rằng các thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc phát triển kỹ thuật, đồng thời tận dụng thế mạnh của mỗi người để tạo ra những tác phẩm sáng tạo hơn. Mỗi người nỗ lực để tìm thấy những phiên bản tốt hơn của mình qua chuyên môn, cũng là cách để hồi đáp lại sự đồng hành của cộng sự. Họa sĩ Hà Vũ đã dày công thực hiện, nghiên cứu tranh in khắc gỗ với kỹ thuật ngày càng điêu luyện hơn. Những bức tranh của Đức Anh, Quốc Bảo cho thấy kỹ thuật rất chắc, từ tạo hình, bố cục cho đến cách sử dụng sơn dầu để tạo những mảng tranh phong cảnh ấn tượng.

Tác phẩm Đan cùng tận cùng của hoạ sĩ Ngọc Diệp
Tác phẩm Đan cùng tận cùng của họa sĩ Ngọc Diệp

Ngọc Diệp sử dụng chất liệu lụa truyền thống nhưng chủ đề của cô đôi khi lại đầy sự nghịch ngợm. “Quá trình làm việc nhóm đã thay đổi cách tôi nhìn nhận nghệ thuật. Tôi không chỉ tìm thấy sự đồng điệu mà còn được học hỏi, giao lưu, cảm nhận sự đa dạng trong các chủ đề và cách thức thực hiện trên nhiều chất liệu khác nhau. Sức mạnh của sự hợp tác đã giúp mỗi cá nhân trong nhóm phát triển” - Ngọc Diệp chia sẻ về động lực khi đứng cùng các thành viên khác.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI