Chiều 24/11, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) và Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM đã tổ chức buổi biểu diễn phương pháp chữa bệnh bằng hỏa trị liệu và đưa ra 10 điều cấm kỵ.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai - Bệnh viện Châm cứu Trung ương - cho biết hỏa trị liệu là phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền, dùng sức nóng của lửa để tác động lên các vùng của cơ thể. Đồng thời, kết hợp xoa bóp bấm huyệt bằng tinh dầu thảo dược, kích thích cơ thể phòng trị bệnh. Phương pháp này được Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật vào tháng 2/2018.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, phương pháp hỏa trị liệu chỉ được thực hiện tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng và Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, nhưng thời gian qua, có nhiều spa thực hiện hỏa trị liệu như một phương pháp giảm cân.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai rải cồn 95% chuẩn bị đốt lửa thực hiện hỏa trị liệu
Thực hiện hỏa trị liệu ở vùng bụng cho một bệnh nhân
Ngọn lửa sẽ được dập tắt sau 5-15 giây và không quá 10 lần cho 1 liệu trình
Sau khi đốt, khăn phủ được dỡ bỏ. Bác sĩ dán ni lông có tinh dầu lên cơ thể và giữ trong 2 giờ.
Hỏa trị liệu chữa được bệnh gì?
TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan - Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - cho rằng những người lần đầu chứng kiến hỏa trị liệu thường có 2 ấn tượng: hoặc là sùng bái, xem đây là phương pháp chữa bách bệnh hoặc rất sợ hãi vì cảm giác như ngọn lửa có thể làm bệnh nhân bị bỏng nặng. Cả 2 quan niệm này đều sai lầm.
Tại Việt Nam, hỏa trị liệu được ban hành quy trình kỹ thuật chữa một số bệnh do hàn (lạnh) gây ra như đau thắt lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm đại tràng mạn tính, viêm khớp gối.
Hỏa trị liệu vùng đầu mặt.
Nghiên cứu của nước ngoài cho thấy nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, hỏa trị liệu là phương pháp rất an toàn. Trong một thống kê với 94 trường hợp dùng hỏa trị liệu, nhiệt độ cao nhất khoảng 44,8 độ C, không có trường hợp nào bị bỏng.
Tuy nhiên, nếu áp dụng hỏa trị liệu đốt người bệnh ở nhiệt độ 44 độ C liên tục trong 6 giờ sẽ dẫn đến bỏng; nếu nhiệt độ lên đến 49 độ C kéo dài chỉ trong 3 phút cũng dẫn đến bỏng. Do đó, chữa bệnh bằng hỏa trị liệu phải được bác sĩ có bằng cấp thực hiện.
Kết hợp xoa bóp, bấm huyệt với hỏa trị liệu.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai giải thích, hỏa trị liệu nếu dùng sai kỹ thuật có thể gây nên hậu quả như: đột quỵ, gây bỏng, mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng tinh dầu...
Một trong các phương tiện bắt buộc phải có khi thực hiện hỏa trị liệu được Bộ Y tế quy định là 1 lọ thuốc xịt bỏng Panthenol và 1 bình chữa cháy dạng bọt hoặc khí CO2.
10 điều cấm kỵ trong hỏa trị liệu
Nắng nóng 39-40 độ C khiến người bệnh quá nóng sẽ mệt mỏi, khó chịu hoặc nếu mưa lớn người bệnh dễ trúng gió do lạnh.
Phụ nữ có thai dễ sảy thai.
Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt càng mất nước.
Không thực hiện cho bệnh nhân tinh thần không ổn định, bệnh nhân tâm thần.
Các bệnh lý tim mạch gây mất nước.
Tăng huyết áp.
Các bệnh lý nặng về thận gây mất nước.
Các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da có viêm nhiễm.