1 tỷ liều vắc xin chưa hẳn giúp châu Phi ứng phó thành công với đại dịch COVID-19

11/12/2021 - 13:23

PNO - Dự kiến 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 sẽ được chuyển đến châu Phi trong những tháng tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thiếu các thiết bị để triển khai các chương trình tiêm chủng, hệ thống y tế yếu kém, rào cản về công nghệ, thiếu chính sách khuyến khích ở một số quốc gia, có thể làm cho khu vực này tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng do đại dịch.

Sau một thời gian đầu gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các chương trình tiêm chủng ở châu Phi, các quan chức y tế đang tìm cách khuyến khích một số quốc gia viện trợ thêm vắc xin cho khu vực này, thay vì vứt bỏ khi hết hạn.

Một phụ nữ Uganda được tiêm ngừa ở trung tâm Kampala
Một phụ nữ Uganda được tiêm ngừa ở Kampala - Ảnh: AP

Những người chỉ trích cho rằng việc các nước phương Tây tích trữ vắc xin không có nhu cầu sử dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm ngừa ở các nước châu Phi hiện đang ở mức rất thấp, với chỉ 7,5% người dân ở khu vực này đã được tiêm chủng đầy đủ. Một số người còn cho rằng, chính tình trạng này đã gián tiếp dẫn đến sự xuất hiện của biến thể Omicron ở miền Nam châu Phi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tiêm ngừa thấp, khiến cho số ca nhiễm COVID-19 ở châu Phi tăng nhanh trong thời gian qua còn do nhiều nguyên nhân khác.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tình trạng thiếu ống tiêm - đặc biệt là ống tiêm 0,3ml chuyên dùng để tiêm vắc xin Pfizer - có thể làm chậm quá trình triển khai tiêm ngừa ở châu Phi, và tổ chức này đã tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho 15 quốc gia bị ảnh hưởng.

Tính đến cuối tháng 9, có 15 quốc gia châu Phi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 10%. Một số đảo quốc nhỏ, trong đó có Seychelles và Mauritius, đã tiêm phòng cho hơn 60% dân số, và tỷ lệ này ở Maroc là 48%.

Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, trường hợp của Nam Phi - nơi đã tiêm phòng cho 40% dân số tính đến ngày 3/12 - cũng đã làm nổi bật một số vấn đề bất cập trong quá trình triển khai.

Với lượng vắc xin dự trữ, ước tính đủ cho khoảng 150 ngày tiêm chủng, đồng thời gặp phải sự chống đối tiêm ngừa từ một bộ phận dân số, nhất là nhóm người ở độ tuổi 18-34, Nam Phi đã hủy một số lô hàng vắc xin.

Ngoài ra, những rào cản về công nghệ, khiến cho việc tiêm chủng ở quốc gia này cũng bị chậm lại. Để được tiêm ngừa, người dân Nam Phi phải sử dụng điện thoại hoặc máy tính để đăng ký, trong khi quốc gia này chỉ có 60% người dân sử dụng Internet.

Tiến sĩ Richard Mihigo, điều phối viên chương trình của WHO, cho biết việc phân phối vắc xin cho châu Phi, theo chương trình cung cấp vắc xin toàn cầu COVAX, bị đình trệ sau khi Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất khẩu vắc xin vào đầu năm nay, cũng là một trở ngại khác.

“Tuy nhiên, tình hình hiện đã ổn định trở lại, và dự kiến đến tháng 3/2022, các nước châu Phi sẽ nhận được thêm 1 tỷ liều vắc xin, đủ để đưa tỷ lệ tiêm ngừa ở khu vực này lên 70%, về lý thuyết”, ông Mihigo nói thêm.

Nhưng kể cả khi điều đó xảy ra, thì việc triển khai tiêm ngừa ở châu Phi vẫn chưa hết khó khăn vì sự bất ổn an ninh, chẳng hạn như ở Congo và Nigeria; hệ thống y tế yếu kém, nhất là ở các khu vực bên ngoài các thành phố lớn; và sự do dự của người dân trong việc tiêm vắc xin.

“Một số người không muốn bỏ một ngày làm việc hoặc mất chi phí đi lại để đến một điểm tiêm chủng. Khoảng 12 triệu người Nam Phi đã nộp đơn xin trợ cấp khẩn cấp do ảnh hưởng bởi COVID-19, với số tiền nhận được 350 Rand (khoảng 22 USD). Vì vậy, để trả 20 Rand tiền đi taxi đến điểm tiêm, đối với họ là một khoản chi phí không nhỏ”, David Harrison, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận DG Murray Trust ở Nam Phi, giải thích.

“Để ngày càng có nhiều người dân tự nguyện tiêm vắc xin, chúng ta cần tạo ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, giúp họ có thể thực hiện việc này mà không ảnh hưởng đến sinh kế”, ông Mihigo cũng bày tỏ quan điểm.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI