1 tỷ đồng và giá sàn tham nhũng

27/05/2019 - 07:51

PNO - Nếu so với cách thức nâng điểm chạy trường thì William Singer, nhân vật chủ mưu đường dây chạy trường tại Mỹ phải gọi bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La bằng... cụ.

Thủ đoạn mà Singer sử dụng là tư vấn phụ huynh “làm quá lên” một số vấn đề khiếm khuyết của con em mình để được kéo dài thời gian làm bài thi hoặc Singer giúp các phụ huynh dàn dựng, lắp ghép hình ảnh con em họ chơi và đạt thành tích cao trong các môn thể thao để tô vẽ cho bộ hồ sơ tuyển sinh…

1 ty dong va gia san tham nhung
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (thứ hai, từ phải sang) - người trực tiếp can thiệp vào các bài thi trong vụ nâng điểm tại Sơn La

Còn Nga, với sự giúp sức đắc lực của hai thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, của một trung tá Phòng an ninh chính trị, người đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi, trực tiếp giám sát, bảo vệ, quản lý chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm; Nga cứ lừng lững như chốn không người. Rút số bài thi theo đơn đặt hàng. Đem về nhà riêng (của một thành viên trong nhóm) để sửa, xóa, nâng theo đáp án. Đặt trở lại vị trí các lô bài thi và tiến hành quét lại các bài thi đã sửa để thay thế. Khi phát hiện 4 bài thi nâng, sửa chưa đạt điểm như yêu cầu của khách hàng, Nga trực tiếp bôi xóa, sửa nâng, quét tuốt.

Nếu so tài sản của các triệu phú, người nổi tiếng bên Mỹ với “bản kê khai tài sản” của hầu hết quý phụ huynh là cán bộ, đảng viên tham gia đường dây nâng điểm ở Sơn La, với mức giá bình quân 1 tỷ đồng/suất, thì thị trường mua bán điểm số xứ ta ăn đứt xứ bạn.

Trước tòa, Singer nói: “Tôi chịu trách nhiệm. Tôi đưa mọi người vào vụ này”.

Trước lời khai của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến về 8 trường hợp do Giám đốc sở Hoàng Tiến Đức “nhờ vả”, ông này la inh ỏi, “bố láo bố lếu, làm gì có chuyện đó”.

1 tỷ đồng là giá sàn bình quân cho một suất nâng điểm tại Sơn La và đó cũng chính là giá sàn tham nhũng tại một tỉnh nghèo miền núi phía Bắc.

Càng lúc những tình tiết, chứng cứ của vụ án đường dây nâng sửa điểm càng khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ lẫn cả sự chán chê, bế tắc cho một thực trạng gian dối, trơ tráo từ kẻ mua lẫn người bán, từ tay môi giới đến phường gian thương. Và cái giá sàn 1 tỷ như bung bét mọi ngóc ngách của đồng tiền, họa chăng cách anh kiếm tiền như thế nào thì sẽ xài tiền như thế ấy! Mua điểm là mua danh, mua danh để dành mua thế, tạo quyền rồi “tích trữ đồ lương”, giàu sẽ nối dài ba họ, khó chả bén mảng ba đời. Chỉ như thế thì cái vốn đầu tư ban đầu 1 tỷ ấy, xem ra còn rẻ chán.

Nhìn lại đi, chỉ một cơn lũ quét trong đêm 3/8 năm rồi, 12 người dân Sơn La mất tích. Có người tìm được xác, có người vùi trong đá, trong đất. Cả bản Hua Nặm tan hoang, xơ xác. Tiền cứu trợ gom góp về cho Sơn La, đợt đầu tiên, 500 triệu đồng chia cho 170 hộ gia đình mất nhà cửa, mất người thân. Tính ra, một mạng người, mấy miệng ăn để sống sót qua ngày không bằng nửa điểm chạy chọt.

Nhớ lại đi, có hân hoan công bố rằng, năm 2018 Sơn La giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,78% so với năm 2017 thì toàn tỉnh cũng còn trên 80.000 hộ nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Nghĩa là hơn 8 vạn dân sống với mức thu nhập bình quân dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Thử hỏi, giữa cái nghèo đói, lạc hậu ấy, cơ cầu chi ông nghè bà tú, xênh xang, rởm ruột.

Nhìn dòng lũ hung hãn cuốn phăng cây cối, đất đai, nhà cửa, từ Mù Cang Chải đến Nặm Păm, đâu đâu cũng hoang tàn, đổ nát, mới thấy sự cuồng nộ khủng khiếp của thiên nhiên. Ngó cái bảng điểm xanh xanh đỏ đỏ và cú chốt giá 1 tỷ đồng, mới nhận ra sự băng hoại đến tận đáy của con người, sức phá hủy không chỉ trong một đêm, vài ngày mà qua bao thế hệ.

Một cú bôi xóa bài thi, chiếu quét hình ảnh lưu trữ là đủ để đổi thay một chỗ ngồi trong giảng đường, đồng nghĩa tước đoạt một cơ hội vào đời.

Vậy, trong tình thế đảo ngược, cũng là để cứu vãn thực trạng, thiết lập cơ hội, chấn hưng giảng đường, hãy ra tay bôi xóa ngay những kẻ nhân danh, đội lốt phẩm hàm mà làm điều phi pháp, bất nhân; quét sạch sành sanh phường mua danh bán điểm để không còn chốn dung thân cho chúng và những kẻ giá áo túi cơm đục khoét xã hội.

Liệu có còn kịp...

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI