1 triệu USD cho người giải mã câu đố ngàn năm

02/02/2025 - 14:06

PNO - Một câu đố làm đau đầu các học giả trong hơn một thế kỷ giờ đây sẽ mang đến giải thưởng tiền mặt hậu hĩnh: 1 triệu USD cho bất kỳ ai có thể giải mã được chữ viết của nền văn minh Thung lũng Indus cổ đại.

Một phiến đá khắc chữ Indus được tìm thấy ở khu khảo cổ Mohenjo Daro, Pakistan - Ảnh: Getty Images
Một phiến đá khắc chữ Indus được tìm thấy ở khu khảo cổ Mohenjo Daro, Pakistan - Ảnh: Getty Images

Giới khoa học biết rất ít về những người sáng tạo ra chữ viết của nền văn minh Thung lũng Indus cổ, ngay cả khi họ đã xây dựng một hệ thống đô thị rộng lớn cách đây khoảng 5.000 năm trên khắp Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan ngày nay.

Các cuộc khai quật tại hơn 2.000 địa điểm đã tìm được rất nhiều hiện vật. Nhưng một khi chưa đọc được chữ viết của nền văn minh này, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, cũng như lịch sử phát triển và sụp đổ của nó, vẫn sẽ là một bí ẩn.

Giải thưởng 1 triệu USD do ông M.K. Stalin - Thủ hiến tiểu bang Tamil Nadu - công bố, nhằm mục đích đổi mới các nỗ lực giải mã chữ viết cổ.

Tuy nhiên, động lực này không chỉ đơn thuần là về học thuật lịch sử. Đây là mặt trận mới nhất trong cuộc chiến văn hóa về quá khứ xa xưa của Ấn Độ.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đang lên của đất nước này lập luận rằng chủng tộc Aryan, những người đã mang tôn giáo Vệ Đà của Hindu giáo đến Ấn Độ, đại diện cho người dân Ấn Độ nguyên thủy.

Dù vậy, đảng của ông Stalin và nhiều đảng phái khác có quan điểm khác biệt. Họ nói rằng người Dravidian ở miền Nam Ấn Độ là người bản địa của đất nước. Ngay cả khi trên thực tế, sự khác biệt giữa người Aryan và người Dravidian không rõ ràng.

Những người ủng hộ cuộc tranh luận tin rằng việc giải mã chữ viết có thể giúp giải quyết câu hỏi này.

Theo quan niệm của những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu về quá khứ, chữ viết Indus rất có thể có liên hệ với tiếng Phạn, một ngôn ngữ cổ của Ấn Độ và là ngôn ngữ mà các kinh sách Hindu giáo vẫn sử dụng.

Nhưng theo ông Stalin và những người khác, chữ viết này rất có thể có nguồn gốc từ tiếng Tamil. Tiếng Tamil thuộc hệ ngôn ngữ Dravidian là một ngôn ngữ cổ điển của Ấn Độ. Và vì vậy, điều đó sẽ củng cố tuyên bố của người Dravidian rằng họ là cư dân bản địa của Ấn Độ.

Các nhà khảo cổ học, chuyên gia công nghệ và nhà ngôn ngữ học từ khắp nơi trên thế giới đã nỗ lực giải mã chữ viết này trong nhiều năm.

Tiến sĩ Asko Parpola - một nhà Ấn Độ học người Phần Lan đã nghiên cứu chữ viết Indus từ năm 1964 - cho biết: Việc giải mã nó có thể đưa nền văn minh Thung lũng Indus vào phạm vi lịch sử thay vì tiền sử, mang lại góc nhìn mới cho quá trình tiến hóa văn hóa của Ấn Độ.

Nhưng ông cảnh báo rằng nỗ lực mang động cơ chính trị có thể cố gắng tìm bằng chứng để biện minh cho một kết quả đem lại lợi ích riêng.

Nền văn minh Thung lũng Indus, còn được gọi là nền văn minh Harappan, được các chuyên gia coi là ngang hàng với các nền văn minh nổi tiếng hơn của Ai Cập, Lưỡng Hà và Trung Quốc.

Đó là một trong những nền văn minh sớm nhất, phát triển mạnh mẽ trên bờ sông Indus và Saraswati trong thời đại đồ đồng.

Nền văn minh này đã quy hoạch các thị trấn, hệ thống quản lý nước và thoát nước, những bức tường thành kiên cố khổng lồ và đồ gốm tinh xảo cùng nghệ thuật đất nung.

Bà Bahata Ansumali Mukhopadhyay - một nhà nghiên cứu đã cố gắng giải mã chữ viết này trong 10 năm - lập luận rằng các ký hiệu hình cá được sử dụng để biểu thị các loại hàng hóa sáng bóng như đá quý và các mặt hàng bằng đồng đánh bóng.

Gọi chữ viết Indus là "chữ viết thương mại", bà Mukhopadhyay cho biết các ví dụ sử dụng ký hiệu hình cá liên tiếp đại diện cho tên của các mặt hàng liên quan, và các tấm đất sét khai quật được có thể là mẫu tem thuế.

Bà Mukhopadhyay nhận định chữ viết này được đọc như các ký hiệu tượng hình, không phải theo ngữ âm. Bà cho biết: "Ví dụ, để thể hiện ngà voi, họ chỉ sử dụng một ký hiệu trông giống như ngà voi".

Tiến sĩ Parpola tiết lộ, ông đã nhận được rất nhiều thư trong nhiều năm từ những người đam mê và nhà nghiên cứu. Họ đều tuyên bố đã giải mã được chữ viết hoặc tìm thấy những chữ khắc mới.

Linh La (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI