1 người chết não, cứu sống 9 người

13/07/2018 - 08:15

PNO - Từ một người hiến chết não, có thể cứu sống hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống của chín bệnh nhân suy cơ quan giai đoạn cuối.

Vì một người có thể hiến nhiều loại mô, tạng cho người khác, từ mặt, mũi, xương, da, tứ chi đến lục phủ ngũ tạng, chỉ trừ cơ và mô mỡ. Tạng phủ là cần thiết hơn cả vì có những người bị suy thận, suy gan, suy tim… có nguy cơ tử vong cao trong thời gian ngắn.

Trên thế giới, nguồn tạng ghép được lấy phần lớn từ người hiến chết não. Người chết não có thể hiến tặng mô và tạng nhiều nhất vì dù não đã chết nhưng tim vẫn còn đập nhờ các điều trị hỗ trợ và do đó, vẫn đảm bảo cung cấp máu đến các mô và tạng. 

1 nguoi chet nao, cuu song 9 nguoi
Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc và đưa tiễn cơ thể người hiến tạng về nơi tổ chức lễ tang

Theo giáo sư Trần Ngọc Sinh - Phó giám đốc kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam (VSOT) - “thời gian vàng” để lấy tạng là từ 30 đến 45 phút sau khi chết não. Chấn thương mạnh hoặc xuất huyết não thường dẫn đến chết não, nạn nhân không có khả năng cứu chữa tuy trái tim vẫn còn đập. Trong khoảng thời gian vàng này, chúng ta có thể lấy tim, phổi, gan, thận còn lành lặn của người bị nạn để ghép cho những người bị bệnh.

“Tuy nhiên, để tránh tình trạng “cố ý” gây chết người để lấy tạng, phải có một hội đồng giám định chết não gồm ba bác sĩ thuộc các chuyên khoa liên quan (hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y) kết luận bệnh nhân chết não thì mới được tiến hành lấy tạng. Chúng tôi không lấy tạng ở người sống thực vật vì đó là vi phạm đạo đức. Người sống đời sống thực vật chỉ bị chết ở vỏ não, có thể duy trì sự sống vài tháng hoặc vài năm. Một số trường hợp bệnh nhân hoặc người nhà đồng ý hiến tạng lúc này nhưng chúng tôi cũng không có quyền lấy tạng”, giáo sư Trần Ngọc Sinh cho biết.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm, nước ta có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, số người chết não vì chấn thương sọ não tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Việt Đức ước tính khoảng 1.000 người/năm, vậy mà từ năm 2010 đến 2015 chỉ có chưa đến 40 người chết não tham gia hiến tạng. Theo giáo sư Trần Ngọc Sinh, hơn 20 năm kinh nghiệm ghép thận với 16 cơ quan ghép tạng trên cả nước mà chúng ta chỉ mới thực hiện khoảng 1.000 ca ghép thận, bằng số ca ghép thận ở Hàn Quốc mỗi năm vì nguồn thận có sẵn ở nước ta quá khan hiếm.

Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có nguồn thận từ người thân là chủ yếu. Xã hội ngày càng phát triển thì số lượng người trong gia đình ngày càng ít, nhất là các gia đình ở thành phố. Tìm được người có đủ hai quả thận khỏe mạnh càng hiếm hơn. Chúng ta vẫn chưa tận dụng được một nguồn tạng từ những người bị chết não do tai nạn giao thông. 

Nhu cầu ghép tạng rất lớn mà nguồn tạng lại khan hiếm nên vấn đề mua bán nội tạng rất dễ xảy ra. Chuyện bán tạng để trang trải cuộc sống không còn là chuyện mới mẻ. Chúng ta chưa quên một số bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế liên quan đến đường dây bán thận xuyên quốc gia. Đây là vấn đề lớn mà chỉ có cách tuyên truyền sâu rộng và tăng cường pháp luật mới có thể hạn chế phần nào.

“Còn với việc hiến tạng tự nguyện mà chúng tôi đang thực hiện thì trên nguyên tắc, cả gia đình người cho lẫn gia đình người nhận đều không biết nhau để tránh tình trạng trao đổi, mua bán. Bệnh viện là cơ quan chịu các chi phí xét nghiệm, viện phí, chi phí mai táng người cho tạng…”, giáo sư Sinh nói. 

Công dân dưới 60 tuổi có thể đăng ký hiến tạng

Hiện đang có chủ trương khuyến khích hiến tạng nên các thủ tục đăng ký đều được đơn giản hóa hết mức, tạo điều kiện cho công dân dưới 60 tuổi có thể đăng ký hiến tạng. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thành lập Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người vào cuối năm 2014. Người muốn hiến tạng có thể đăng ký qua số điện thoại của bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu: 0913 677 016 hoặc qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com để được cấp thẻ đăng ký hiến tạng. 

Khi có chuyện không may xảy ra và sau quá trình cấp cứu điều trị, nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện của họ để lấy các bộ phận tạng hiến. Một số trường hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ; vợ, chồng; đại diện các con đã thành niên của người đó để được hiến tạng. Những người đã có nguyện vọng hiến tạng nhưng trước khi họ chết, người thân không đồng ý cho bác sĩ lấy tạng thì cũng không thể thực hiện, nhằm tránh những bức xúc, khiếu kiện về sau.

Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người hoạt động theo mục đích nhân đạo, công tâm, không vụ lợi, với hội đồng gồm 20 thành viên làm việc minh bạch trong việc thu dụng, quản lý cũng như điều phối nguồn tạng. Người cho và nhận không biết nhau, việc bố trí ưu tiên nhận tạng theo quy định, đúng đối tượng. Ngoài ra, còn có Quỹ Hiến tạng để có thêm chi phí ghép tạng cho người nghèo. Vì với nguồn tạng có sẵn thì chi phí một ca ghép tạng cũng không nhỏ, chẳng hạn ghép thận tốn khoảng 100 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI