1 cô gái Nepal tử vong khi phải ở "túp lều kinh nguyệt"'

12/08/2023 - 14:59

PNO - 1 cô gái 16 tuổi người Nepal đã tử vong do bị ép ở túp lều bên ngoài nhà của cô khi đến kỳ kinh nguyệt.

 

Một cô gái tuổi teen ngồi trong túp lều ở một ngôi làng phía tây Nepal. Việc thực hành chhaupadi đã bị cấm vào năm 2005 nhưng vẫn ăn sâu vào khu vực.
1 cô gái tuổi teen ngồi trong túp lều ở một ngôi làng phía tây Nepal. Chhaupadi đã bị cấm vào năm 2005 nhưng nó vẫn tồn tại 

Ngày 10/8, cô Anita Chand, sống quận Baitadi, phía tây đất nước, giáp với Ấn Độ, được cho là đã chết do bị rắn cắn khi đang ngủ trong 1 túp lều ngoài đồng. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo từ hủ tục phụ nữ phải ở trong túp lều khi đến chu kỳ kinh nguyệt (chhaupadi) kể từ năm 2019.

Hủ tục chhaupadi tại Nepal dựa trên niềm tin hàng thế kỷ rằng phụ nữ và trẻ em gái khi đến chu kỳ kinh nguyệt là ô uế và không thể chạm vào. Khi đến tháng, họ không được phép làm gì và trong một số trường hợp, họ bị "đày" đến "túp lều thời kỳ". 

Từ năm 2005, hủ tục này đã bị ngăn cấm. Những ai ép phụ nữ và trẻ em gái thực hiện chhaupadi có thể bị phạt tới 3 tháng tù giam và phạt 3.000 rupee Nepal.

Cảnh sát quận Baitadi đang điều tra về cái chết của Anita. Gia đình Anita đã phủ nhận việc cô này chết khi đang trong kỳ kinh nguyệt.

Cái chết được báo cáo gần đây nhất do hủ tục chhaupadi là vào năm 2019. Nạn nhân Parwati Budha Rawat, 21 tuổi, qua đời sau 3 đêm phải ở trong 1 túp lều ngoài trời. Cái chết của cô là trường hợp thứ năm được ghi nhận trong năm 2019. Phụ nữ và trẻ em gái đã chết vì bị động vật tấn công (thường là rắn) và ngạt khói sau khi đốt lửa sưởi ấm trong những túp lều không có cửa sổ. 

Cái chết của Parwati Budha Rawat đã thúc đẩy các chương trình và chiến dịch tại Nepal nhằm chấm dứt hủ tục này. Hàng ngàn túp lều cổ đã bị phá hủy, nhưng theo các nhà đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Nepal thì có vẻ như chúng đang bắt đầu được xây dựng lại.

Pashupati Kunwar, người đã vận động chống lại chhaupadi trong suốt 25 năm, cho biết: "Sau cái chết của Parwati, chúng tôi đã phá hủy hơn 7.000 túp lều cổ trong khu vực. Mọi người được chia sẻ thông tin về kinh nguyệt và luật cấm những hủ tục này. Nhưng đột nhiên COVID-19 đến và mọi sự tập trung được chuyển sang chống dịch. Từ 2-3 năm nay, không còn chương trình và chiến dịch nào để ngăn chặn chhaupadi. Dường như mọi người đã ngừng nói về nó".

Radha Paudel - người sáng lập Liên minh toàn cầu về an toàn kinh nguyệt cho biết chính phủ ở Nepal cần phải làm nhiều hơn là phân phát băng vệ sinh miễn phí cho các nữ sinh - một dịch vụ được giới thiệu vào năm 2019. "Nepal đã hình sự hóa việc ép phụ nữ thực hiện hủ tục chhaupadi trong kỳ kinh nguyệt nhưng dường như  nó vẫn chưa được thực thi triệt để" - Radha Paudel nói.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI