1 “chọi” 1 vào đại học, mừng hay lo?

08/09/2023 - 06:43

PNO - Trước con số hơn 610.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1, so với chỉ tiêu năm nay là hơn 600.000, nhiều trường vẫn đang tuyển thêm hàng chục ngàn sinh viên, nhiều ý kiến cho rằng càng ngày thí sinh càng khó… trượt đại học. Khi cầu bằng cung thì liệu chất lượng đào tạo có được đảm bảo?

Chúng tôi đã trao đổi với các nhà đào tạo: tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công Thương TPHCM - về vấn đề trên.

Có những ngành rất khó tuyển 

Phóng viên: Nhiều người cho rằng, vào ĐH với tỉ lệ 1 “chọi” 1 sẽ khiến đầu vào không cao, ảnh hưởng đến chất lượng. Liệu điều này có đúng không, thưa các nhà đào tạo?
Ông Trần Đình Lý: Năm nay, có gần 66% thí sinh thi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển vào ĐH, cao đẳng. Số còn lại, hơn 360.000 em không đăng ký học ĐH, bởi đa số các em đã tự lượng sức mình. Tỉ lệ 1 “chọi” 1 là tỉ lệ đã được sàng lọc và là tín hiệu đáng mừng, vì tổng chỉ tiêu đã tăng lên, đáp ứng được nhu cầu học của thí sinh và xã hội.

Ông Trần Đình Lý
Ông Trần Đình Lý

Giờ đây, sự cạnh tranh tập trung vào nguyện vọng có thứ hạng ưu tiên cao, chứ không phải đậu và rớt. Chỉ có một vấn đề nan giải đã kéo dài nhiều năm là chênh lệch giữa các ngành, nhóm ngành. Ví dụ, chỉ tiêu và số lượng thí sinh xét tuyển nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống, môi trường và nông lâm ngư nghiệp ngày càng thấp trong khi đây là lĩnh vực then chốt và là trụ đỡ của nền kinh tế. 

Ông Nguyễn Trung Nhân: Tôi nghĩ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển như trên là bình thường. Vì hiện nay các em đã được tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Việc xác định chỉ tiêu của các trường dựa trên năng lực đào tạo, trong đó yếu tố quan trọng là giảng viên. Như vậy, đội ngũ giảng viên đang ngày càng tốt lên, trình độ ngày càng cao.

Tuy nhiên, lưu ý là khi các trường tuyển thì hầu hết không đạt được chỉ tiêu, có những ngành rất khó tuyển như khoa học cơ bản hoặc một số lĩnh vực có rất ít thí sinh đăng ký. Tính cạnh tranh ở một số ngành mà thí sinh đăng ký nhiều như kinh doanh, quản lý, công nghệ thông tin vẫn khốc liệt. Điều này cho thấy không phải chỉ tiêu bằng với số lượng đăng ký xét tuyển thì việc vào ĐH với những ngành mà thí sinh yêu thích sẽ dễ dàng. 

* Như vậy, chúng ta không nên quá lo lắng trước những con số trên?

Ông Nguyễn Trung Nhân: Xét về mặt nâng cao trình độ dân trí thì việc chỉ tiêu đào tạo của các trường nâng lên là đáng mừng. Bởi nếu xét về tỉ lệ sinh viên trên đầu người thì Việt Nam vẫn có tỉ lệ khá thấp so với các nước trong khu vực. Tất nhiên, những việc lớn hơn mà chúng ta trăn trở là phân bố sinh viên giữa các lĩnh vực, ngành nghề không đều. Chúng ta đã làm công tác tư vấn nhưng chưa tốt lắm, việc thí sinh đậu tập trung vào một số lĩnh vực vẫn rất nhiều, trong khi một số lĩnh vực lại không có. Điều này cũng khiến các trường gặp khó khăn. 

Ông Trần Đình Lý: Tôi đồng ý với ý kiến trên. Sự chênh lệch giữa các nhóm ngành rất đáng quan ngại. Tỉ lệ, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống, môi trường và nông lâm ngư nghiệp có xu hướng giảm. Ngoài ra, một số ngành, nhóm ngành khác nếu không có sự điều chỉnh về chỉ tiêu, không truyền thông đúng mực thì trong thời gian tới sẽ thặng dư nhân lực. Bài học về nhân lực ngành ngân hàng trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị khi mà số lượng sinh viên tốt nghiệp cao hơn nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Quan trọng là sinh viên có được việc làm

* Khi số người có nhu cầu học và số chỗ học gần tương đương, vấn đề còn lại có phải là các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo?

Ông Nguyễn Trung Nhân: Chính xác. Các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút người học. Nhất là đào tạo làm sao để sinh viên có được việc làm sau khi ra trường. Nếu không làm được việc này thì sẽ xảy ra tình trạng một số thí sinh thà không học ĐH, chứ không chấp nhận việc học xong mà không có việc làm. Tất nhiên, hiện nay việc này vẫn chưa được thực hiện tốt.

Ông Nguyễn Trung Nhân
Ông Nguyễn Trung Nhân

Đâu đó vẫn có những trường chỉ quan tâm, chạy theo chỉ tiêu để đảm bảo nguồn thu, những ngành thí sinh vào nhiều thì lại tập trung tuyển rất nhiều, dễ dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Về phía Bộ GD-ĐT cũng đã có một số rào cản như phân nhỏ lĩnh vực ra rồi. Việc dồn sức đào tạo vào một số lĩnh vực là không nên, vừa tốn sức vừa mất cân đối trong cán cân đầu ra.

Ông Trần Đình Lý: Trong bối cảnh tự chủ ĐH và hội nhập quốc tế, chất lượng đào tạo của các trường là then chốt, là vấn đề sống còn của từng trường. Chất lượng, số lượng đầu vào chỉ là một khía cạnh, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế, liên kết doanh nghiệp…

* Với các trường tự chủ tài chính, thu học phí cao, liệu đã có sự cải thiện về chất lượng tương ứng với chi phí mà người học đã bỏ ra?

Ông Phạm Thái Sơn: Tại trường tôi, từ khi tự chủ hoàn toàn tới nay đã thay đổi rất nhiều từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên. Phòng thí nghiệm đã hiện đại hơn xưa nhiều. Đội ngũ giảng viên có hơn 30% là tiến sĩ. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước kia… Các sinh viên đương nhiên được hưởng lợi từ trang bị tốt nhất trong đào tạo của các trường ĐH.

Ông Trần Đình Lý: Với các trường chưa tự chủ tài chính thì điều đó không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo không tương xứng. Tự chủ tài chính có thể là một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhưng không phải là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Bởi ngoài học phí của người học, nhà trường còn nhận được sự đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả các dự án hợp tác trong và ngoài nước, nguồn từ các doanh nghiệp, tập đoàn, cựu sinh viên…

* Trong tình hình này, dự báo sự phát triển của giáo dục ĐH trong thời gian tới sẽ như thế nào? 

Ông Phạm Thái Sơn: Chất lượng đào tạo thì chưa thể so sánh với các nước phát triển nhưng mình có thể tự hào về chất lượng đào tạo đã hơn xưa rất nhiều. Sinh viên bây giờ đã tiếp cận với công nghệ mới và đã được thực hành trên các thiết bị hiện đại. Như ngày xưa đâu có kính hiển vi điện tử để thực hành, bây giờ có kính hiển vi điện tử và độ phóng đại tới na-nô-mét để sinh viên học. Giáo dục Việt Nam đã tiệm cận với Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…

Ông Phạm Thái Sơn
Ông Phạm Thái Sơn

Ông Nguyễn Trung Nhân: Nếu xét về học phí, so với các nước trên thế giới, học phí ở Việt Nam rất thấp, do đó để có được điều kiện học tập tốt, hoặc cơ sở thí nghiệm hàng đầu như các nước trong khu vực thì cũng khó đạt được. Cho nên việc xét tuyển của ĐH Việt Nam còn phải nhờ một chính sách, chủ trương lớn từ Nhà nước và Chính phủ. Còn bản thân các trường vẫn còn loay hoay trong tuyển sinh và đào tạo, chưa thể bứt phá đến những vị trí cao hơn nữa.

Chính vì việc đó đã dẫn đến tỉ lệ người học tại Việt Nam giảm nhưng các em lại du học nhiều (điều này cho thấy vấn đề không chỉ phụ thuộc vào vấn đề học phí). Do đó, việc nâng cao chất lượng, có những cơ chế thúc đẩy, có những nghiên cứu để có được nguồn việc làm sau khi sinh viên ra trường, cơ chế về lương bổng… rất cần chính sách của Đảng và Nhà nước thì chúng ta mới có được một nền giáo dục ĐH phát triển. Tất nhiên, việc phát triển này cần một quá trình lâu dài. 
* Xin cảm ơn các ông. 

Một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học

Theo Bộ GD-ĐT, năm học vừa qua, chất lượng đào tạo ở bậc ĐH từng bước được nâng lên. Các cơ sở đào tạo nhận thức rõ vai trò của chất lượng đào tạo trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.
Năm học qua, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Số lượng các trường được kiểm định ngày càng tăng. Các trường tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), 6 cơ sở trong bảng xếp hạng THE WUR 2023.

Tuy vậy, nguồn lực dành cho giáo dục ĐH còn rất hạn chế. Các trường hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu. Công tác tuyển sinh vẫn cho thấy các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, gắn với đào tạo sau ĐH, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

 Quế Minh

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI