1 cây cầu có thể giúp trên 1.000 hộ giảm nghèo

11/12/2023 - 06:14

PNO - Trong kỳ họp thứ mười vào tháng 7/2023, HĐND TPHCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020 về chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025.

Đây là chính sách đầu tiên được HĐND TPHCM thông qua dựa trên sự phân quyền từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Việc sớm ban hành cũng như những điểm mới trong Nghị quyết 06 cho thấy quan điểm nhất quán của lãnh đạo TPHCM là luôn ưu tiên hỗ trợ người nghèo, người yếu thế. 

Từ năm 1992, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước khởi xướng chương trình Xóa đói, giảm nghèo, sau đó là Giảm nghèo, tăng hộ khá và nay là Giảm nghèo bền vững. Trải qua hơn 31 năm, TPHCM luôn tiên phong, sáng tạo trong hoạt động chăm lo, hỗ trợ người nghèo. Chuẩn nghèo của TPHCM không ngừng được nâng lên và luôn cao hơn chuẩn chung của cả nước: giai đoạn 1992-2003 là 3 triệu đồng/người/năm (nội thành) và 2,5 triệu đồng/người/năm (ngoại thành); giai đoạn 2016-2020, 28 triệu đồng/người/năm; hiện nay là 36 triệu đồng/người/năm, cao so với mức 18-24 triệu đồng/người/năm của cả nước.

Càng ngày, chương trình giảm nghèo của TPHCM càng đi vào căn cơ, với mục tiêu chính là giảm nghèo bền vững, tức là bên cạnh chăm lo, hỗ trợ về vật chất và kinh phí, còn khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, đào tạo, trao phương tiện làm ăn cho người nghèo.

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM chú trọng đến khái niệm chuẩn nghèo đa chiều, nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại thiếu các yếu tố cơ bản khác. Do đó, chính sách giảm nghèo của TPHCM còn bao gồm việc hỗ trợ để nâng cao dinh dưỡng, cải thiện thể chất con người, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục, hỏa táng…

Trước khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, TPHCM tồn 14.000 hồ sơ vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo ở ngân hàng chính sách xã hội các cấp do chưa có nguồn vốn để bố trí. Nghị quyết 98 đã giúp HĐND TPHCM được quyền quyết định bố trí vốn đầu tư công cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, chủ động chăm lo tốt hơn nữa cho người nghèo. 

Không chỉ vậy, những chính sách đặc thù cũng giúp chính quyền TPHCM thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công, các công trình hạ tầng trọng điểm, chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM - từng chia sẻ: “Khi đi giám sát chương trình Giảm nghèo bền vững ở huyện Bình Chánh, chúng tôi nhận thấy, chỉ cần kết nối 1 cây cầu cũng có thể giúp cả khu vực có trên 1.000 hộ giảm nghèo”.

Với việc vận dụng hiệu quả nguồn lực từ Nghị quyết 98, chính quyền TPHCM có thể hoàn thành được mục tiêu “đến cuối năm 2025, TPHCM cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước”. Nguồn lực ấy cần được đầu tư hiệu quả không chỉ bằng các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo mà còn qua việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công trên toàn thành phố. Ở cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ cần quan tâm sâu sát đến từng hộ nghèo để cân nhắc phương án hỗ trợ hợp lý. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nên hướng tới cá nhân, hộ gia đình có năng lực sản xuất, còn chính sách an sinh xã hội chỉ nên tập trung cho đối tượng yếu thế, như người già, trẻ em, người khuyết tật, người mất khả năng lao động.

Trong hành trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 để TPHCM phát triển mạnh mẽ, xứng tầm, các chính sách chăm lo cho người nghèo, người yếu thế càng phải được chú trọng để “không ai bị bỏ lại phía sau”, để TPHCM không chỉ văn minh, hiện đại mà còn nghĩa tình, trách nhiệm. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI