edf40wrjww2tblPage:Content
Có khá nhiều bất cập trong thông tư lập lại trật tự thị trường vàng
Ảnh minh họa: Phùng Huy
Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Với người dân Việt Nam, thói quen sắm chiếc vòng, sợi dây chuyền vàng đeo làm đẹp, một thời gian sau mang bán lại, chịu lỗ chút đỉnh tiền công là thực tế phổ biến. Vì vậy, đã xuất hiện tình trạng mỗi nơi bán, mỗi địa phương áp dụng tuổi vàng khác nhau cho sản phẩm. Chẳng hạn vàng 18 tuổi - tỷ lệ vàng ròng chính xác phải là 75%, nhưng trên thực tế các tiệm vàng, các chành (doanh nghiệp (DN) kinh doanh) chỉ áp dụng tỷ lệ vàng ở mức phổ biến 65-68%, một số nơi tỷ lệ vàng chỉ còn 54-60%. Từng có khách hàng mua nơi khác mang đến chi nhánh SJC Q4 tại TP.HCM kiểm định, mới hay bộ trang sức vàng 18 của mình có tỷ lệ vàng chỉ 34%, dù trước đó người này đã mua vàng với giá của tỷ lệ vàng ròng 75%, và nếu mang đến bán lại tại nơi đã mua, thì vẫn được thu với giá vàng 18. Đó là chuẩn riêng của tiệm vàng.
Như vậy, thông tư là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng (NTD), hạn chế thiệt thòi mà người mua phải chịu khi mua vàng nơi này đem bán lại ở nơi khác với giá thấp hơn, do mỗi nơi chuẩn vàng mỗi khác. Ông Đinh Nho Bảng - Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, việc quản lý vàng trang sức chặt chẽ như vậy là hợp lý.
Nhưng Nhiều lỗ hổng
Tiêu chuẩn TCVN 7055:2002 của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN đề cập phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng mà không phá hủy mẫu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn mỹ nghệ TP.HCM cho biết, chuẩn này quy định phương pháp xác định tuổi vàng trên bề mặt các mẫu vàng thương phẩm có hàm lượng vàng không thấp hơn 88% (tức vàng 21K trở lên), trong khi vàng trang sức được cho phép lưu hành trên thị trường đến 90% có hàm lượng từ 8K (33,3%) đến 20K (83,3%). “Vừa qua chúng tôi cũng thử nấu một cây vàng nguyên liệu, làm đúng quy trình hướng dẫn không phá hủy mẫu, sử dụng phương pháp huỳnh quang tia X, kết quả là bốn đơn vị thử cho bốn kết quả khác nhau. Vì thế, phương pháp này không phù hợp để áp dụng đo lường vàng nữ trang”, ông Dưng nói.
Ngoài ra, yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lần này được phân hạng 17 cấp (tương ứng 17 loại tuổi vàng). Tưởng như vậy là bảo vệ NTD, nhưng chị Thúy D. (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) băn khoăn: “Tôi thường mua vàng nữ trang. Mỗi lần bán lại, tất nhiên phải chịu lỗ so với giá mua vào. Vậy sau ngày 1/6, liệu thị trường vàng có thực sự đồng nhất, để tôi có thể mua và bán trang sức bất cứ nơi nào khác mà không bị ép giá thêm?”.
Theo nhiều DN, một số quy định của thông tư rất khó thực hiện. Chẳng hạn, tỷ lệ sai số cho phép về hàm lượng vàng giữa DN sản xuất và DN kinh doanh chỉ từ 0,1-0,3% (trước đây con số này từ 1-3%). Theo TS Nguyễn Thế Quỳnh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chuyên gia về đo lường vàng, trong điều kiện thực tế hiện nay, số lượng DN vàng bạc đáp ứng được yêu cầu sai số nhỏ hơn 0,3% chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Việc nhiều DN có sai số cao hơn quy định không phải do họ cố tình, mà vì trình độ công nghệ chỉ đạt được như vậy. Với cách hàn thông thường mà không phải hàn bằng lazer... thì chỉ đạt độ chính xác là 0,5%. Nếu muốn cao hơn, bắt buộc phải đầu tư về công nghệ. Điều này sẽ khiến giá thành sản phẩm cao hơn”, TS Quỳnh cho hay.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa biết có Thông tư 22/2013/TT-BKHCN - Ảnh: P.Huy
Bên cạnh đó, thông tư không nói rõ cụ thể biện pháp xử lý đối với những loại nữ trang không đủ tuổi quy định đang lưu thông trên thị trường sau ngày1/6. Nếu DN nấu lại và chế tác mới, chi phí rất cao. Còn nếu tiếp tục được lưu thông, khi kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ dựa vào đâu để biết được thời gian ra đời của sản phẩm mà tính chuyện phạt? Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ trên kết quả thanh tra của Sở KH&CN để xử lý theo Nghị định 95 (20/10/2011), trong đó mức phạt tối đa là 500 triệu đồng, hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
“Mong dời thời gian thực hiện”
Hiện ở TP.HCM có trên 3.000 DN lớn nhỏ kinh doanh vàng nữ trang. Theo ông Nguyễn Văn Dưng, ngoài một số DN lớn đã chủ động chuẩn bị hàng đúng yêu cầu quy định, không ít DN vừa và nhỏ không hề biết đến thông tư này. Chưa kể, một lượng hàng tồn khá lớn của những DN lâu năm đang thấp thỏm chờ tin.
Ông Nguyễn Hoàng Chín, chủ DN kinh doanh vàng Kim Ánh (Q.Tân Phú) cho biết, thông tư với nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp đến DN của ông cũng như hàng ngàn DN khác song không hiểu sao cơ quan quản lý không có dòng thông báo nào đến các DN.
Ông Nguyễn Tu Mi, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng cho biết, những sản phẩm bán ra tại cửa hàng của công ty trước và sau ngày 1/6 không có gì khác biệt. Những sản phẩm nào chưa chuẩn sẽ điều chỉnh cho thống nhất. “Hiện chúng tôi đang tìm hiểu và chuẩn bị đáp ứng theo yêu cầu của thông tư 22. Sau ngày 1/6, tình hình tới đâu, tính tới đó”, ông Mi nói. Chị Trần Thị Ngọc Trâm (ngụ đường Bùi Đình Túy, P.12, Q.Bình Thạnh), khách hàng tại tiệm vàng bạc Quang Phát (ngã năm Bình Hòa, Q.Bình Thạnh) cho biết, chị có nghe về thông tư 22, nên gom hết số vàng, nữ trang trang tích trữ trước đây đem bán vì lo sau ngày 1/6 sẽ mất giá. Tuy nhiên, mấy ngày nay, chị hỏi mua lại sản phẩm theo tiêu chuẩn mới thì hầu hết các tiệm vàng chỉ bán sản phẩm cũ.
Trước thực trạng này, không ít ý kiến cho rằng, cần hoãn thời gian thực thi thông tư vài tháng. Nhưng, nếu hoãn để DN đưa hàng tồn đi phân kim, nấu sản phẩm đúng tuổi thì khó xảy ra, vì theo một DN vàng, cứ một lượng vàng được phân kim lại sẽ bị mất một-hai phân vàng, chưa kể tiền công. Còn hoãn để DN tiếp tục bán cho dân thì cuối cùng người dân sẽ lãnh đủ. Do đó, tốt nhất là cần làm rõ những bất cập trong thông tư 22.
Nga-Hảo-Thư-Phong
* Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ): Vẫn áp dụng thông tư 22 từ 1/6/2014 Trên sản phẩm vàng, các DN đều đã ghi tên sản phẩm, hàm lượng (tuổi) vàng lên mặt trong hoặc ngoài để khách hàng nắm rõ. Theo quy định của thông tư 22, có ba phương pháp xác định tuổi vàng. Một là không phá hủy mẫu, sử dụng phương pháp huỳnh quang tia X đo bề mặt để xác định nhanh hàm lượng vàng; hai là phá hủy mẫu, sử dụng phương pháp nhiệt phân (nấu chảy); ba là phương pháp hiệu số - sử dụng quang phổ phát xạ quang học plasma cảm ứng đối với mẫu có hàm lượng vàng bằng hoặc lớn hơn 99,9%. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ sử dụng phương pháp huỳnh quang tia X để kiểm tra mẫu và suy luận ra các sản phẩm cùng loại khác nhưng vẫn giữ nguyên mẫu. Đối với phương pháp thử nhiệt phân, sẽ do các DN thỏa thuận tự nấu chảy, áp dụng trong trường hợp DN nghi ngờ chất lượng tuổi vàng lẫn nhau. Tôi khẳng định các thiết bị máy móc phục vụ việc đo các loại tuổi sẽ được đáp ứng đầy đủ. * ĐB Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội: Nên hoãn thi hành ít nhất ba tháng Tinh thần của Thông tư 22/2013 là đúng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính khả thi. Mọi người dân, tổ chức có quyền kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật. Phải tạo điều kiện cho họ làm ăn, cạnh tranh lành mạnh trên thương trường. Kiểm tra, xác định tuổi vàng trang sức là cần thiết, song thực tế cho thấy hàng hóa còn tồn đọng rất nhiều. Chỉ còn ít ngày nữa mà số sản phẩm trang sức còn hàng trăm nghìn món thì khó cho người kinh doanh. Theo tôi, nên hoãn thời gian thực hiện thông tư 22 ít nhất là ba tháng, để các DN, cá nhân kinh doanh bán số vàng trang sức tồn kho theo đúng tuổi vàng mà họ đã làm. Hàm lượng vàng thế nào thì họ phải ghi rõ trên hóa đơn, tự chịu trách nhiệm về uy tín của mình. Sau thời hạn ba tháng, tức đã có lộ trình rồi, thì quy định mới phải được thực thi. • Phương Mai-Hoàng Nam (ghi) |