1,46 tỉ trẻ em không được bảo trợ xã hội

17/03/2023 - 05:55

PNO - Đã có thêm 50 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị loại khỏi bảo trợ xã hội thiết yếu - cụ thể là trợ cấp trẻ em - từ năm 2016-2020, nâng tổng số lên 1,46 tỉ trên toàn cầu.

Trong một báo cáo chung có tiêu đề Hơn 1 tỉ lý do: Nhu cầu cấp thiết để xây dựng bảo trợ xã hội toàn cầu cho trẻ em, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết, đã có thêm 50 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị loại khỏi bảo trợ xã hội thiết yếu - cụ thể là trợ cấp trẻ em - từ năm 2016-2020, nâng tổng số lên 1,46 tỉ trên toàn cầu.

Một bé gái ở Gujarat, Ấn Độ, nơi đang được UNICEF cung cấp chương trình hỗ trợ cho trẻ em dễ bị tổn thương - ẢNH: UNICEF
Một bé gái ở Gujarat, Ấn Độ, nơi đang được UNICEF cung cấp chương trình hỗ trợ cho trẻ em dễ bị tổn thương - ẢNH: UNICEF

Hơn 50% trẻ em trong hoàn cảnh nghèo cùng cực trên toàn cầu đang sống ở châu Phi, 35% ở khu vực Nam Á.

Tỉ lệ bao phủ phúc lợi cho trẻ em và gia đình đã giảm hoặc chững lại ở mọi khu vực trên thế giới từ năm 2016-2020, khiến không quốc gia nào đạt được mục tiêu phát triển bền vững. ILO và UNICEF nhấn mạnh rằng, đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược tiến trình giảm nghèo đói ở trẻ em, dẫn đến bệnh tật, mất việc làm đồng thời làm gián đoạn khả năng tiếp cận trường học, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

“Trong năm 2020, ước tính đại dịch đã làm tăng hơn 142 triệu trẻ em sống trong các hộ gia đình có thu nhập thấp, lên tổng số khoảng 725 triệu. COVID-19 đã cho thấy rằng, bảo trợ xã hội là cực kỳ quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Gần như mọi chính phủ trên thế giới đều điều chỉnh các chương trình bảo trợ xã hội hiện có hoặc đưa ra các chương trình mới để hỗ trợ trẻ em và gia đình nhưng hầu hết đều là tạm thời, không có cải cách lâu dài để chống lại những cú sốc trong tương lai” - bà Shahra Razavi - Giám đốc Ban Bảo trợ xã hội của ILO - cho biết.

Ngoài thiếu thốn về vật chất, các em còn đối mặt những tổn hại về tinh thần lẫn thể chất, chẳng hạn như nguy cơ bạo lực đối với trẻ em, bạo lực giới tính, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe.

Bà Natalia Winder-Rossi - Giám đốc Chính sách xã hội và Bảo trợ xã hội của UNICEF - cũng lưu ý rằng, trẻ em sống trong những quốc gia xảy ra xung đột dễ bị tổn thương, nhiều khả năng phải chịu cảnh nghèo đói cùng cực hơn so với trẻ em khác. Trên toàn cầu, báo cáo cho biết, 89,3 triệu người đã buộc phải di dời do xung đột, bạo lực, lo sợ bị đàn áp. “41% những người buộc phải di dời là trẻ em. Hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và di cư đều ở châu Phi. Về mặt địa lý, châu Phi là nơi sinh sống của gần 2/3 trẻ em cực kỳ nghèo trên thế giới” - bà Natalia Winder-Rossi nói.

ILO và UNICEF nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia, bất kể mức độ phát triển như thế nào, vẫn phải theo đuổi chiến lược đầu tư có lộ trình để củng cố các hệ thống an sinh xã hội. Họ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các bước để đạt được bảo trợ xã hội phổ quát cho tất cả trẻ em. 2 tổ chức này cũng khuyến khích đảm bảo nguồn tài chính bền vững, huy động các nguồn lực trong nước và tăng phân bổ ngân sách cho trẻ em, cũng như xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội có thể mang lại kết quả tốt hơn cho trẻ em gái và phụ nữ.

“Cuối cùng, tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo đầu tư đầy đủ vào bảo trợ xã hội toàn cầu cho trẻ em, lý tưởng nhất là thông qua phúc lợi phổ cập cho trẻ để hỗ trợ các gia đình mọi lúc là sự lựa chọn hợp lý và đạo đức, bền vững và công bằng xã hội” - bà Shahra Razavi cho biết. 

Lệ Chi (theo UNICEF, China Daily)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI