1/4 bệnh nhân COVID-19 không biểu hiện triệu chứng

06/04/2020 - 12:53

PNO - 25% bệnh nhân COVID-19 không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác.

Đó là thông tin do ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đưa ra mới đây. Ông nói thêm rằng, những người mang mầm bệnh không có triệu chứng này rất có thể góp phần vào sự lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2 trên toàn thế giới, khiến các chuyên gia khó đánh giá mức độ thực sự của đại dịch.

Người dân Mỹ bắt đầu làm quen với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh việc lây nhiễm COVID-19 từ người không hoặc chưa có triệu chứng
Người dân Mỹ bắt đầu làm quen với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh việc lây nhiễm COVID-19 từ người không hoặc chưa có triệu chứng

“Lây truyền không triệu chứng” có thể khá phổ biến

Tỷ lệ lây truyền từ bệnh nhân không có triệu chứng ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực ngăn chặn toàn cầu, tỷ phú Bill Gates gần đây đã viết trong một bài báo đăng trên Tạp chí Y học New England: “Lây truyền không triệu chứng nghĩa là COVID-19 sẽ khó kiểm soát hơn hội chứng hô hấp Trung Đông hoặc hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), vốn chỉ lan truyền bởi những người có triệu chứng”.

Xác nhận đầu tiên rằng COVID-19 có thể lan truyền bởi những người không có triệu chứng được đưa ra vào tháng Hai, khi một nghiên cứu ghi nhận trường hợp của cô gái 20 tuổi đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Bệnh nhân truyền bệnh cho năm thành viên gia đình nhưng bản thân cô không bao giờ thể hiện triệu chứng. Trong nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 75% những bệnh nhân ở Trung Quốc ban đầu được phân loại là không có triệu chứng, sau đó đã phát triển các triệu chứng. Điều đó nghĩa là về mặt kỹ thuật, “lây truyền không triệu chứng” có thể khá phổ biến.

Nhiều công trình khoa học khác tái khẳng định quan điểm trên. Nghiên cứu của CDC trên các bệnh nhân tại viện dưỡng lão ở Quận King, tiểu bang Washington, Mỹ cho thấy, trong 23 người có kết quả xét nghiệm dương tính, chỉ 10 người thể hiện triệu chứng trong ngày chẩn đoán. 10 người trong nhóm khác phát triển các triệu chứng một tuần sau đó. Nghiên cứu thực hiện ở Singapore cho thấy, trong số 157 trường hợp mắc phải tại địa phương, có 10 trường hợp liên quan lây truyền trước triệu chứng. Các nhà khoa học kết luận rằng, hầu hết trường hợp phơi nhiễm lây truyền trước triệu chứng xảy ra từ một đến ba ngày trước khi bệnh nhân ho hoặc sốt.

Ông Redfield tiết lộ với trang NPR rằng, “có vẻ bệnh nhân phát tán vi-rút đáng kể” vào khoảng 48 giờ trước khi các triệu chứng xuất hiện. Một khía cạnh đặc biệt đáng lo ngại của việc lây truyền tiền triệu chứng là mọi người dường như phát tán nhiều vi-rút hơn trong giai đoạn đầu của căn bệnh. Nghiên cứu kiểm tra 23 bệnh nhân COVID-19 ở hai bệnh viện Hồng Kông cho thấy, tải lượng vi-rút của từng cá nhân - số hạt vi-rút mà họ phát tán ra môi trường xung quanh - đạt cực đại trong tuần đầu tiên khởi phát triệu chứng, sau đó giảm dần.

Đeo khẩu trang có thể giúp giảm lây truyền tiền triệu chứng

WHO và CDC chưa khuyến nghị các thành viên khỏe mạnh của công chúng đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, chỉ có nhân viên y tế được yêu cầu sử dụng phương pháp bảo hộ. Nhưng Nhà Trắng vừa công bố chính sách mới, dựa trên hướng dẫn của CDC, kêu gọi người Mỹ đeo khẩu trang vải khi ra ngoài. Sự phổ biến của lây truyền không triệu chứng có thể là một lý do chính cho sự thay đổi.

Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói với CNN hôm 1/4 rằng, ông “nghiêng về phía” yêu cầu mọi người đeo khẩu trang “nếu những nhân viên chăm sóc sức khỏe đã có đủ số vật tư họ cần”. Ông nói thêm, sự thay đổi có thể rất quan trọng, đặc biệt khi ngày càng nhiều thông tin cho thấy khả năng truyền nhiễm từ một người không có triệu chứng, không ho, không hắt hơi, trông hoàn toàn khỏe mạnh.
Khẩu trang chủ yếu bảo vệ người khác khỏi vi trùng từ người đeo, vì họ có thể bị nhiễm bệnh nhưng không hay biết. 

Trẻ em có thể là người mang mầm bệnh không triệu chứng

Một nhóm tiềm năng có thể mang mầm bệnh dù không thể hiện triệu chứng chính là trẻ em. Cho đến nay, bộ phận dân số nhỏ tuổi có ít trường hợp dương tính nhất. Nghiên cứu công bố hôm 1/4 trên tạp chí The Lancet xem xét 36 trẻ em có kết quả dương tính với COVID-19 trong khoảng thời gian từ 17/1 đến 1/3 tại ba bệnh viện Trung Quốc ghi nhận, một nửa số trẻ em chỉ “bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng”.
John Williams - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Mỹ), nói với đài ABC rằng, “nhiễm trùng không triệu chứng khá phổ biến ở trẻ em, xảy ra ở khoảng 10-30% trường hợp”.

N Linh La (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI