1/3 cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử

05/11/2024 - 14:16

PNO - Trước khi Ngày bầu cử Tổng thống chính thức đến vào sáng 5/11 (giờ địa phương), 1/3 cử tri ở xứ cờ hoa đã bỏ phiếu sớm, cả qua thư và trực tiếp.

Những người ủng hộ bà Kamala Harris reo hò khi bà phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania - Ảnh: Rebecca Droke/AFP/Getty Images
Những người ủng hộ bà Kamala Harris reo hò khi bà phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania - Ảnh: Rebecca Droke/AFP/Getty Images

Tỉ lệ bỏ phiếu sớm từng tăng mạnh trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, thúc đẩy tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu tăng mạnh và giúp Tổng thống Joe Biden đảm bảo chiến thắng của mình.

Nhiều tiểu bang từng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bỏ phiếu sớm trong năm 2020 vì đại dịch, nhưng trong 4 năm qua, một số tiểu bang đã thông qua luật khiến cử tri khó bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm nay.

Tuy vậy, sức mạnh của việc bỏ phiếu sớm vẫn rất quan trọng đối với các chiến dịch của cả cựu Tổng thống Donald J. Trump và Phó tổng thống Kamala Harris.

Theo nghiên cứu của Phòng thí nghiệm khoa học và dữ liệu bầu cử M.I.T., vào năm 2020, khoảng 60% đảng viên Dân chủ và 32% đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu qua thư.

Đảng Cộng hòa đã nỗ lực khuyến khích bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử hiện tại. Ở bang Pennsylvania, đảng đã cam kết hơn 10 triệu USD để thuyết phục các cử tri Đảng Cộng hòa bỏ phiếu qua thư vào tháng 11.

Nhưng cho đến nay, số lượng yêu cầu bỏ phiếu sớm do những người theo Đảng Dân chủ đăng ký tại tiểu bang vẫn vượt xa nhóm cử tri Đảng Cộng hòa.

Trong số các tiểu bang đã thay đổi các quy tắc bỏ phiếu sớm kể từ năm 2020 có Georgia và Bắc Carolina, cả hai đều là những tiểu bang dao động quan trọng.

Vào đêm ngay trước Ngày bầu cử 5/11, Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều vận động tranh cử tại Pennsylvania, tiểu bang chiến trường có số phiếu đại cử tri lớn nhất vẫn đang không ngừng dao động.

Bà Harris nói với đám đông người ủng hộ tại Pittsburgh rằng "sức mạnh đang ở bên chúng ta", trong khi ông Trump khẳng định với những người ủng hộ mình rằng họ là người quyết định.

"Cách duy nhất để họ khiến chúng ta thất bại là do tự chúng ta đánh mất nó", cựu tổng thống phát biểu tại một sự kiện ở cùng thành phố.

Ông Trump cũng đã vận động tranh cử trước đó ở bang Bắc Carolina với một sự kiện bế mạc được lên lịch tại Michigan. Bà Harris có kế hoạch kết thúc ngày vận động của mình bằng một sự kiện ngoài trời tại các bậc thang "Rocky" của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.

Vài cuộc thăm dò cuối cùng đang dần có kết quả trước Ngày bầu cử vào ngày mai, và tỉ lệ thăm dò ý kiến của Post Pulse vẫn cho thấy cuộc đua sít sao ở mọi tiểu bang dao động.

Phó tổng thống Kamala Harris giữ vững vị trí dẫn đầu trên toàn quốc và ở Michigan, Wisconsin và Nevada, nhưng vị trí dẫn đầu của bà ở Pennsylvania đã thu hẹp. Ông Trump vẫn dẫn đầu ở Arizona, Georgia và Bắc Carolina.

Khi người Mỹ bỏ phiếu vào ngày 5/11, họ không trực tiếp bầu cho các ứng cử viên tổng thống. Các cử tri đang bỏ phiếu cho nhóm "đại cử tri" cạnh tranh, những người sẽ bỏ phiếu bầu chọn thực tế cho tổng thống và phó tổng thống vào ngày 17/12.

Tổng thể, các đại cử tri từ tất cả 50 tiểu bang và Quận Columbia được gọi là "Đại cử tri đoàn". Ứng cử viên tổng thống giành được phần lớn số phiếu phổ thông vào đêm bầu cử không nhất thiết phải giành chiến thắng tại Nhà Trắng. Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, một ứng cử viên phải giành được đa số phiếu bầu trong Đại cử tri đoàn.

Đại cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri đại diện cho tất cả 50 tiểu bang và Quận Columbia. Mỗi tiểu bang có từ 3 đến 54 phiếu đại cử tri. Một ứng cử viên cần có đa số phiếu đại cử tri - 270 - để giành chiến thắng.

Tại 48 tiểu bang và Quận Columbia, tất cả phiếu đại cử tri đều được trao cho ứng cử viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất tại tiểu bang đó. Đây được gọi là hệ thống “người chiến thắng được tất cả”. Riêng 2 tiểu bang Maine và Nebraska không trao phiếu đại cử tri theo hệ thống người chiến thắng được tất cả mà phụ thuộc vào quyết định của đại cử tri.

Bối cảnh tại các bậc thang của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, nơi Phó Tổng thống Kamala Harris có bài phát biểu bế mạc chiến dịch tranh cử vào ngày 4/11 - Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP/Getty Images
Quang cảnh tại các bậc thang của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, nơi Phó tổng thống Kamala Harris có bài phát biểu bế mạc chiến dịch tranh cử vào ngày 4/11 - Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP/Getty Images
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Đại học Tiểu bang Michigan ở East Lansing vào ngày 3/11 - Ảnh: Joshua Lott/The Washington Post
Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Đại học Tiểu bang Michigan ở East Lansing vào ngày 3/11 - Ảnh: Joshua Lott/The Washington Post

 Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chờ ông đến tại một cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, Michigan - Ảnh: Cj Gunther/EPA
Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chờ ông đến tại một cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, Michigan - Ảnh: Cj Gunther/EPA

 Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania vào ngày 4/11 - Charly Triballeau/AFP/Getty Imagess
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania vào ngày 4/11 - Charly Triballeau/AFP/Getty Imagess

Ca sĩ người Puerto Rico Ricky Martin (phải) biểu diễn trong một cuộc vận động tranh cử của bà Harris ở Philadelphia - Ảnh: Angela Weiss/AFP/Getty Images
Ca sĩ người Puerto Rico Ricky Martin (phải) biểu diễn trong một cuộc vận động tranh cử của bà Harris ở Philadelphia - Ảnh: Angela Weiss/AFP/Getty Images

Tấn Vĩ (theo Washington Post, the Guardian, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI