1.200 trẻ em châu Âu chết sớm mỗi năm vì hít thở không khí ô nhiễm

24/04/2023 - 12:53

PNO - Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết, gần như tất cả trẻ em trên khắp châu lục này đều hít thở không khí dưới mức tiêu chuẩn lành mạnh, giữa lúc việc làm sạch các nguồn gây ô nhiễm diễn ra chậm chạp.

 

Thành phố Paris, Pháp trong một ngày khói bụi ô nhiễm
Thành phố Paris, Pháp trong một ngày khói bụi ô nhiễm

Theo đánh giá mới nhất về ô nhiễm không khí của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), việc hít thở không khí bẩn gây ra cái chết sớm của ít nhất 1.200 trẻ em trên khắp châu Âu mỗi năm, đồng thời hàng ngàn trẻ khác mắc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần có thể ảnh hưởng suốt đời.

Gerardo Sanchez Martinez -  chuyên gia về môi trường và sức khỏe tại EEA - cho biết: “Bạn không thể coi trẻ em là người lớn chưa trưởng thành khi nói đến ô nhiễm không khí. Chúng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhiều hơn, bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ và tiếp tục ở lớp mẫu giáo, trường học. Chúng ta đang khiến con cháu thất vọng vì không thể giải quyết ô nhiễm không khí”.

Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với không khí bẩn, vì các chất ô nhiễm có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến sự phát triển của chúng. Các tác động bắt đầu trước khi sinh, với các nghiên cứu liên kết ô nhiễm với cân nặng khi chào đời thấp và nguy cơ sinh non.

Việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm ở mức độ cao trong thời thơ ấu được chứng minh là có thể ức chế dung tích phổi, gây ra bệnh hen suyễn, dẫn đến các bệnh về đường hô hấp và nhiễm trùng tai ở mức độ cao hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ dị ứng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

Trẻ em tiếp xúc với không khí ô nhiễm nhiều hơn người lớn vì chúng có nhịp thở nhanh hơn, ở gần mặt đất hơn và ở ngoài trời nhiều hơn. Theo nghiên cứu được EEA công bố hôm 24/4, khoảng 110.000 năm sống của những người dưới 18 tuổi trên khắp châu Âu bị mất đi mỗi năm do ô nhiễm.

Giám đốc điều hành của EEA Hans Bruyninckx kêu gọi các nước hành động nhiều hơn nữa. Ông chia sẻ: “Điều cấp bách là chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ở EU, ở cấp quốc gia và địa phương, để bảo vệ trẻ em, những người không thể tự bảo vệ mình. Cách chắc chắn nhất để giữ an toàn cho chúng là làm cho bầu không khí mà tất cả chúng ta hít thở trở nên sạch hơn”.

Theo EEA, giảm các nguồn gây ô nhiễm không khí - bao gồm giao thông đường bộ, đốt than và nhiên liệu rắn, khí thải công nghiệp - là những phương án hiệu quả nhất, nhưng cũng cần thực hiện các hành động bổ sung để giảm các rủi ro cụ thể đối với trẻ em.

Những điều này có thể bao gồm việc thiết lập các vùng không khí sạch xung quanh trường học, nơi giao thông sẽ bị hạn chế. Chính quyền địa phương và các trường học cũng nên xem xét việc trồng cây xanh và lắp hàng rào xung quanh sân chơi.

Cùng với đó là việc thiết kế trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em tốt hơn, với hệ thống thông gió và bộ lọc tốt, có thể làm giảm sự tiếp xúc của trẻ em với các chất ô nhiễm, trong nhà và ngoài trời.

Trên khắp châu Âu, 97% dân số ở mọi lứa tuổi thường xuyên tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn mức được Tổ chức Y tế Thế giới cho là an toàn. Các quốc gia Đông Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, phần lớn là do đốt than để sưởi ấm. Riêng tại Ý, ô nhiễm công nghiệp ở Thung lũng Po được xác định là một vấn đề chính.

 

Tấn Vĩ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI