1,2 triệu đồng/kg tắc nhập từ Nhật Bản

13/12/2020 - 14:39

PNO - Trái cây nhập khẩu từ Nhật Bản nổi tiếng là nhóm hàng có giá siêu đắt đỏ, song với những trái tắc (quất) không có quá nhiều đặc biệt nhưng giá bán lên đến hơn 1 triệu đồng/kg sẽ khiến không ít người phải xuýt xoa.

Tại hệ thống siêu thị F.M (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TPHCM) đang bán tắc Kinkan của Nhật. Màu vàng tươi dường như là điểm khác biệt chính so với giống tắc Việt Nam. Nhưng điểm gây chú ý của sản phẩm này với người mua có lẽ là giá bán của nó lên đến 295.000 đồng/hộp loại 250gam (khoảng 9 – 10 trái). 

Tắc Kinkan của Nhật có giá 1,2 triệu đồng/ký
Tắc Kinkan của Nhật có giá 1,2 triệu đồng/kg

Nhân viên bán hàng quảng cáo, tắc này rất bổ, có vị chua ngọt như quýt đường, đặc biệt vỏ tắc rất ngọt, ít the đắng nên ăn luôn cả trái. Ngoài ăn sống, có thể ngâm làm nước trị ho, cảm và kích thích trẻ ăn miệng (?). 

Hình dạng khá giống tắc Việt Nam nhưng lại ngọt, có thể ăn cả vỏ
Hình dạng khá giống tắc Việt Nam nhưng vị ngọt hơn

Tính ra bình quân mỗi kg tắc Nhật có giá gần 1,2 triệu đồng, trong khi tắc Việt Nam chỉ có giá 15.000 – 20.000 đồng/kg, tùy mùa. Dù đắt đỏ nhưng sản phẩm này vẫn có người mua vì được cho là khá ngon. “Cách đây hai ngày, trên kệ có gần chục hộp, nay chỉ còn 4 hộp” – nhân viên bán hàng tại đây cho biết.

Quýt chum Dekopon cũng có giá gần 1,4 triệu đồng/ký
Quýt chum Dekopon cũng có giá gần 1,4 triệu đồng/ký

Ngoài tắc, siêu thị này cũng đang bán quýt chum Dekopon nội địa Nhật với giá 1,39 triệu đồng/kg. Mỗi trái nặng khoảng 200 - 300 gam, có màu vàng, nơi đầu cuống hơi sần sùi và chụm lại như cái chum. Theo giới thiệu thì quýt được lai tạo từ giống quýt Satsuma, quýt Pokan và cam ngọt Trovita mà ra, được trồng trong môi trường lồng kính với điều kiện trồng khá nghiêm ngặt nên quýt rất ngọt, vỏ mỏng, múi dày, vị thơm.

Mỗi trái nặng từ 200 - 300gam, hình dạng giống cái chum
Mỗi trái nặng từ 200 - 300gam, hình dạng giống cái chum

Được biết, giá quýt hiện tại đã giảm. Vào khoảng cuối tháng 11/2020 vừa qua, quýt được niêm yết tại chuỗi siêu thị này với giá 1,55 triệu đồng/kg. So với các loại quýt nhập khẩu từ Úc có giá 180.000 đồng/kg, quýt Mỹ giá 220.000 đồng/kg và quýt đường Thanh Sơn của Việt Nam giá 90.000 đồng/ký đang bán tại các siêu thị thì loại quýt chum này được xếp vào loại “nữ hoàng giá cao”.

Không chỉ trái cây, nhiều sản phẩm bình dân khác như các loại dưa muối nhập từ Nhật về cũng có đắt gấp vài chục lần sản phẩm của Việt Nam.

Tại cửa hàng G.J.H, củ cải muối Takuwan Ippon được bán với giá khoảng 300.000 đồng/ký. Bề ngoài, thành phần nguyên liệu chính chỉ là củ cải trắng được nhuộm nghệ, muối chua ngọt giống các món dưa cải muối chua truyền thống của Việt Nam. Tại các cửa hàng chuyên bán sản phẩm nội địa Nhật còn rao bán củ cải muối đỏ có giá đến 500.000 đồng/ký, cà tím ngâm cũng có giá 524.000 đồng/ký. Cà dái dê ngâm, sen ngâm, dưa chuột ngâm, gừng ngâm, hồng ngâm, ớt ngâm, bí xanh ngâm… đều có giá từ 200.000 – 300.000 đồng/ký. Trong khi đó, các sản phẩm này của Việt Nam chỉ có giá 50.000 đồng/ký, riêng nguyên liệu tươi chưa ngâm thì chỉ có giá 10.000 – 15.000 đồng/ký.

Đáng chú ý, tại các chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, nhiều sản phẩm vốn là cây trái mọc hoang dại tại Việt Nam cũng có giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, trái tầm bóp (còn gọi là quả lồng đèn, thù lù, bùm bụp, bôm bốp…) vài năm trước người tiêu dùng trong nước kinh ngạc vì mức giá bán tại Nhật lên đến 700.000 đồng/kg.

Quả dại tầm bóp nhờ Nhật ưa chuộng đã lên đời, lên kệ cùng trái cây ngoại với giá 350.000 đồng/ký
Quả dại tầm bóp nhờ Nhật ưa chuộng đã "lên đời", lên kệ cùng trái cây ngoại với giá 350.000 đồng/kg

Cũng từ đó loại quả dại này tại Việt Nam được săn lùng nhiều hơn vì được nghiên cứu có giá trị dinh dưỡng cao thay thế cà chua tươi, còn là một loại thảo dược có nhiều công dụng trị bệnh.. Không chỉ trái, nhiều vùng còn dùng lá tầm bóp chế biến thành các món xào, nấu canh... 

Tại một số siêu thị như N.A Market, F.M…, loại quả này có xuất xứ từ Lâm Đồng, do một doanh nghiệp Việt Nam tự trồng, bày bán chung với các loại trái cây ngoại nhập với giá 56.000 đồng/hộp 160g, khoảng 350.000 đồng/kg.

Quả tầm bóp có hình dáng giống quả cà chua baby, được nhiều người dùng thay thế cà chua
Quả tầm bóp có hình dáng giống quả cà chua baby, được nhiều người dùng thay thế cà chua

N “Có lẽ người Nhật chuộng nên sản phẩm này cũng khá hút hàng. Nhiều người có tâm lý Nhật đã chuộng thì phải là “thượng phẩm” – một nhân viên bán hàng tại siêu thị F.M nói.

Các loại quả dại Việt Nam dù khá đắt đỏ nhưng cũng thu hút người tiêu dùng vì an toàn
Các loại quả dại Việt Nam được "lên đời", dù khá đắt đỏ nhưng cũng thu hút người tiêu dùng vì tốt cho sức khỏe

Thời gian qua, một số loại quả dại mọc ven rừng, cho không ai lấy, nay cũng được “lên đời” với giá đắt gấp nhiều loại trái cây thông thường. Ví dụ như trái me rừng (còn gọi là mắc kham), mọc ở miền núi Cao Bằng, Lạng Sơn… được nhiều người thu hái chế biến thành ô mai, nghiền thành các loại bột uống thanh lọc cơ thể, bán với giá 100.000 – 200.000 đồng/kg; hay như nho rừng tại các vùng núi Tây Bắc được thu hái làm siro, ngâm rượu, bán với giá tươi là 150.000đồng/kg; hoặc chôm chôm rừng cũng được các thương lái săn lùng mua và rao bán với giá 40.000 đồng/kg…  Người tiêu dùng cho rằng, các loại trái dại mọc tự nhiên sẽ an toàn, nên giá có đắt chút cũng chấp nhận được.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc công ty Vina T&T Group, một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều loại trái cây sang thị trường nước ngoài cho biết, nhiều loại trái cây đổ đống tại vỉa hè Việt Nam như thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa… nhưng khi sang thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật lại trở thành đặc sản, với giá 700.000 – 800.000 đồng/kg.

Phải là khách quý và sang trọng thì mới được đãi ăn những loại trái cây này. Tương tự như vậy, một loại trái cây hoặc các loại rau củ ngâm tại nước ngoài có giá rẻ nhưng khi về Việt Nam thành đắt đỏ do phải trồng trong điều kiện đặc biệt, phải chịu nhiều chi phí vận chuyển, bảo quản, thuế,…  Ví dụ một loại trái cây ngoại phổ biến là táo gala, tại Mỹ có giá chưa tới 1 USD/kg (1USD khoảng 23.000 VND), về Việt Nam bán lẻ có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg (tùy theo mùa) là đã có lợi nhuận lớn.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI