1,2 triệu đồng 3 tô bún riêu và câu chuyện kinh doanh tử tế

08/02/2025 - 15:22

PNO - Chuyện 3 tô bún riêu giá 1,2 triệu đồng mới đây là một minh chứng cho kiểu kinh doanh thiếu tử tế. Đùa kiểu gì mà giá tăng gấp 10 lần, rồi tiền khách trả đi vào tài khoản nhiều bất ngờ mà không biết.

Nếu mọi việc êm xuôi thì xong, còn ngược lại như hiện nay thì xin lỗi cho qua chuyện. Cũng đáng trách khách hàng sao không phản đối ngay khi phải trả tiền với giá quá cao. Nếu có sự phản kháng, tôi tin chắc mọi việc sẽ đâu vào đó.

Từ câu chuyện 3 bán bún riêu giá 1,2 triệu đồng ở Hà Nội - Ảnh minh họa
Câu chuyện 3 tô bún riêu giá 1,2 triệu đồng ở Hà Nội khiến nhiều người ngán ngẩm với kiểu kinh doanh thiếu tử tế - Ảnh minh họa

Mấy ngày tết, người tiêu dùng thường gặp phải giá cả dịch vụ tăng hơn thông thường. Có những loại cảm thấy hợp lý, vì như người chủ giải thích do phải trả công cao hơn cho nhân viên chịu ở lại làm việc, hoặc là lúc cao điểm đông khách bù lại những thời gian thấp điểm vắng khách phải hạ giá để khuyến mãi. Cũng có lời giải thích ngắn gọn “Tết mà”, trong khi giá nguyên liệu ngoài thị trường chẳng tăng chút nào. Và đặc biệt là qua tết chẳng chịu trở về giá cũ.

Tôi thường hớt tóc ở một tiệm gần nhà. Tết đến chú thợ không tăng giá. Tôi hỏi người ta tăng giá sao chú không tăng. Chú cười trả lời: “Tiền thuê mặt bằng không tăng, công em hớt cũng vậy, mấy ngày cận tết khách đông hơn, em ráng làm thêm giờ đủ tiền ăn Tết rồi anh”. Tôi cho rằng đó là sự tử tế trong kinh doanh dịch vụ.

Có người nói chú ấy không biết tranh thủ cơ hội lúc tết nhiều khách cần hớt tóc để kiếm tiền, sao khá lên được. Đành rằng “thuận mua vừa bán”, nhưng tận dụng thế khó của khách hàng để chèn ép không phải là cách làm dịch vụ chân thật.

Trước đây ai từng đi xe đò đường dài đều cũng gặp phải trường hợp bị đưa vào một quán ăn dọc đường. Tài xế đuổi hết khách xuống xe. Có chỗ lịch sự thì hành khách được vào ngồi ghế nghỉ chân, không ăn uống cũng được. Nhưng đa số người ta ngại nên cũng mua gì đó với giá cao hơn thông thường và chất lượng cũng tệ hơn. Có nơi thì khách chỉ được ngồi khi có mua thức ăn, nước uống. Có nơi tệ hơn là kéo rào để khách không đi quán khác (dù thật ra nơi khác cũng chẳng hơn gì) nên gọi là "cơm tù".

Bây giờ có điểm dừng chân khắp nơi trên đường thiên lý. Ở đó sẵn sàng phục vụ nhu cầu nghỉ chân, đi vệ sinh cho hành khách và bán buôn thức ăn, nước uống, các loại sản phẩm địa phương với giá cả hợp lý. Các quán "cơm tù" cấu kết với nhà xe “bóp cổ” hành khách gần như biến mất. Vì các hãng xe ngày nay cạnh tranh nhau đều muốn giữ uy tín cho thương hiệu của mình.

Năm 2000, tôi ra Bắc mua phải ổ bánh mì thịt với giá gấp 4 lần giá thông thường, chỉ vì tôi nói giọng miền Nam và vì không chịu hỏi giá trước. Về khách sạn kể cho ông anh đồng nghiệp đi cùng, anh dặn từ nay đi mua gì thì bảo anh ấy. Giọng nói của tôi người ta biết khách phương xa dễ bị “chặt chém”. Chuyện như vậy không chỉ có ở nơi đó mà thường gặp ở nhiều nơi khác. Họ kinh doanh theo kiểu tăng giá cho người “lạ nước, lạ cái”, dù bất mãn cũng không dám phàn nàn. Và tệ nhất là bắt chẹt khách nước ngoài.

Đừng tưởng vào quán có menu với giá cụ thể là “an toàn”. Ví dụ nếu không hỏi cẩn thận họ đem ra cái lẩu theo giá niêm yết, chỉ là nồi nước lẩu với lèo tèo vài miếng thịt, mực, tôm… kèm dĩa bún, dĩa rau tí xíu. Tất cả các món kêu thêm đều được tính với giá cắt cổ.

Cho nên, quản lý giá cả bằng cách yêu cầu nơi bán phải xuất hóa đơn điện tử và khuyến khích khách hàng chi trả online để đối chiếu khi cần, sẽ hạn chế rất nhiều chuyện “đánh lận con đen” và khuyến khích người ta phải kinh doanh tử tế. Điều đó vô hình trung sẽ kích thích tăng trưởng kinh doanh các dịch vụ, khi mà khách hàng cảm thấy yên tâm vì mua hàng đúng giá mà không sợ bị “trả tiền ngu”.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI