1/2 trẻ em ở các nước nghèo bị nhiễm độc chì

20/10/2023 - 21:44

PNO - Theo nghiên cứu mới ở Mỹ, cuộc khủng hoảng sức khỏe ở các nước nghèo, đặc biệt là các nước thu nhập thấp nhất thế giới, đã và đang bị bỏ quên, và số người chết nhiều gấp 3 lần so với ung thư phổi.

Nhà vận động chống ô nhiễm người Kenya Phyllis Omido cùng một phụ nữ đến từ Owino Uhuru, Mombasa, có cháu trai đang bị nhiễm độc chì. Ảnh: Giải thưởng Môi trường Goldman 2015
Bé trai người Kenya bị nhiễm độc chì 

Ngày 20/10, Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) cho biết, sau 1 năm theo dõi, nghiên cứu và thu thập dữ liệu trên toàn cầu, có thể thấy, tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ, nhất là tại các nước thu nhập thấp, đang cực kỳ nguy hiểm.

"Nhiễm độc chì đang tạo thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và đang bị các nhà tài trợ và chính phủ các nước bỏ qua” - CGD báo cáo.

Theo CGD, ước tính có khoảng 815 triệu trẻ em (1/3 trên toàn thế giới) bị nhiễm độc chì, tình trạng liên quan đến rối loạn tim, thận và suy giảm trí thông minh, dẫn đến hành vi bạo lực và tử vong sớm.

Ngọn núi đen ở Kabwe, Zambia, được hình thành từ xỉ chì từ một mỏ cũ gây ô nhiễm đất, nước và không khí, gây ngộ độc chì cho người dân địa phương. Ảnh: Larry C Price
Ngọn núi đen ở Kabwe, Zambia gây ô nhiễm đất, nước và không khí và gây ngộ độc chì cho người dân địa phương.

Trước đó, vào tháng 9, một bài báo trên tạp chí khoa học Lancet Planetary Health cho biết, vào năm 2019 thế giới có 5,5 triệu người chết vì bệnh tim mạch do nhiễm độc chì, cao gần 3 lần số người chết vì ung thư phổi.

Theo CGD, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì nhất vì chúng hay cho các vật có chì như đồ chơi phủ sơn chì vào miệng. Ngoài ra, chì cũng có thể dễ dàng vượt qua hàng rào máu ở não, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí não và tâm thần ở trẻ.

CGD cho biết, trong 47 nghiên cứu của trung tâm về vấn đề này cho thấy, trẻ em càng tiếp xúc nhiều với chì thì càng kém phát triển về trí não. CGD cũng phát hiện ra rằng, những đứa trẻ nhiễm độc chì càng nặng có IQ cũng như điểm kiểm tra các môn toán, tập đọc càng thấp.

Trẻ em Bangladesh, xếp hàng chờ lấy nước uống an toàn sau lũ lụt ở Sylhet,  năm 2022. Ảnh: Syed Mahamudur Rahman/NurPhoto/Rex/Shutterstock
Trẻ em Bangladesh xếp hàng chờ lấy nước uống an toàn sau lũ lụt ở Sylhet vào năm 2022

Theo CGD, ở các nước giàu, trẻ em bị nhiễm độc chì giảm đáng kể do những nước này có các chính sáchvà quy định nghiêm ngặt. Riêng ở các nước nghèo, vấn đề ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí cũng như việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn về chì khiến trẻ nhiễm độc nhiều hơn.

Kết quả, CGD ước tính rằng hơn 1/2 số trẻ em các nước thu nhập thấp bị nhiễm độc chì so với 3% số trẻ ở các nước giàu. 

Theo CGD, từ nay đến năm 2030 cần có khoảng 350 triệu USD viện trợ để giảm mức độ phơi nhiễm chì ở các nước có thu nhập thấp. Bên cạnh huy động tài chính, các nước cần mạnh tay xử lý các sản phẩm sử dụng kẽm, chì vô tội vạ. Cần hạn chế ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tổ chức vận động và nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong việc soạn thảo và thực hiện các quy định một cách triệu để.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI