1.000 tỷ đồng lát đá hoa cương vỉa hè: TP.HCM tự chọn cái khó?

29/03/2016 - 10:15

PNO - Theo chuyên gia, việc lắp đá hoa cương tại TP.HCM lợi thì ít mà bất cập thì nhiều, và thành phốphải thực sự cân nhắc về vấn đề này.

Có cần thiết không?

Đề xuất của UBND quận 1 (TP.HCM), toàn bộ vỉa hè thuộc 134 tuyến đường trên địa bàn quận sẽ được lát đá granite (hay gọi là đá hoa cương), với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng đang nhận được rất nhiều ý kiến phân tích, đánh giá của các chuyên gia.

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho hay: "Chúng tôi cũng đã ngồi trao đổi với nhau về vấn đề này. Vốn của TP có hạn thì những việc như thế có cần thiết hay chưa, hay cần tập trung vào những vấn đề khác để phát triển thành phố".

Theo ông Trí, về vấn đề kỹ thuật, trước khi làm vỉa hè đá hoa cương, người ta phản đổ một lớp bê tông. Như vậy, mỗi một lần sửa chữa thì rất khó. Hệ thống hào, hầm, kỹ thuật hạ tầng, cấp điện, cấp nước thì chưa có,...muốn thay đổi thì phải dỡ lên  nên giả sử có muốn lát đá thì trước hết phải xây dựng hào kỹ thuật đã.

1.000 ty dong lat da hoa cuong via he: TP.HCM tu chon cai kho?
Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng đã hoàn thành việc lắp loại đá này. Ảnh: Thanh Niên

 "Quan điểm của chúng tôi là nên cân nhắc, tính toán giữa cái những vấn đề khác nóng bỏng hơn của thành phố", Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển nhận định.

Ông Trí cũng cho rằng, TP.HCM cũng có thể sẽ gặp vấn đề tương tự như ở Hà Nội. Vào tháng 8/2015, Hà Nội cũng đã từng đề xuất lát đá cho một số tuyến phố, tuy nhiên sau khi đánh giá phân tích hạ tầng cụ thể và nguồn kinh phí thực hiện nên đã tạm dừng triển khai.

"Tôi nghĩ rằng chắc chắn là sẽ gặp vấn đề tương tự bởi vì cái hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội nó cũng tương tự như của TP.HCM. Khi chưa có hệ thống đường hầm kỹ thuật, điện, viễn thông, hào,... mà triển khai hệ thống vỉa hè đá hoa cương thì mỗi lần muốn duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống đó sẽ rất khó khăn", ông Trí nhấn mạnh các nguyên do.

Một bất cập nữa được Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra: "Độ bám của đá so với tông nhựa là nó khác hẳn nhau, rất dễ xảy ra tai nạn. Đối với người đi  bộ trên vỉa hè, rất nguy hiểm.

Tính thẩm mỹ thì cũng phải xem xét kỹ nếu không cũng sẽ dễ gặp phải vấn đề. Nếu thực sự cần thiết, có nguồn lực để làm việc đó thì chỉ nên thí điểm 1 vài đoạn vỉa hè.

Thời gian sẽ chứng minh, chứ còn bây giờ đã triển khai một cách đại trà như vậy theo chúng tôi là không nên", ông Trí tư vấn.

Lát đá hoa cương ngập càng thêm ngập

Một vấn đề khác được vị chuyên gia đưa ra là khả năng chống úng nước, ngập nước nếu dùng vỉa hè đá hoa cương.

"Khi mưa xuống, nếu không chừa những khoảng cho mưa ngấm thì sẽ bị úng nước, ngập nước. Nếu lát vỉa hè đá hoa cương thì phải đổ lớp bê tông ở dưới, lát đá hoa cương lên trên thì diện tích đất hở ra để nước mưa ngấm sẽ càng hạn chế" - ông Tri phân tích.

Theo ông, trước đây, khi tình trạng ngập úng gia tăng, thành phố cũng phải chỉ đạo bộ phận lát đá vỉa hè đã phải thiết kế lại, giảm diện tích lát gạch con sâu, hoặc đổ bê tông, trải đá mà phải dành những khoản trồng cỏ để nước mưa ngấm.

Ông Trí nhấn mạnh rằng, xét về việc lắp đá hoa cương tại TP.HCM thời điểm hiện tại lợi thì ít mà bất cập thì nhiều, và phải thực sự cân nhắc về vấn đề này.

Trước đó, đại diện UBND quận 1 cho biết đã thống nhất kế hoạch và sẽ trình lên UBND TP.HCM việc xin phép triển khai lát đá hoa cương toàn bộ vỉa hè các tuyến đường khu vực trung tâm, đồng bộ hóa hạ tầng nhằm chỉnh trang, tăng cường mỹ quan đô thị.

Theo đề xuất, toàn bộ vỉa hè 134 tuyến đường trên địa bàn quận 1 sẽ được lát đá granite (loại đá được lát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ) với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trước mắt, quận 1 lát đá vỉa hè 80 tuyến đường khu trung tâm. Khởi động ngay trong quý II/2016 với 5 tuyến đường thí điểm gồm: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Dự án sẽ kéo dài trong 3 năm.

Được biết, kế hoạch này được xây dựng theo đề xuất của một số doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, sau đó chính quyền địa phương sẽ thanh toán lại theo hình thức trả chậm từ 3 – 5 năm (không tính lãi).

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI