1.000 tỷ đồng lát đá hoa cương vỉa hè: Sao không chọn đẹp và chống ngập?

01/04/2016 - 07:41

PNO - Theo PGS Phi: "Đánh giá ban đầu vật liệu này thấm nước rất tốt, giữ được khoảng 10-15 phút sau nó mới nhả ra ngoài, bề mặt nó khô hoàn toàn".

Lồng ghép lát vỉa hè vào chống ngập

Tiếp tục những ý kiến tranh luận trước đề xuất của UBND quận 1 (TP.HCM) về việc lát toàn bộ vỉa hè thuộc 134 tuyến đường trên địa bàn quận bằng đá granite (hay gọi là đá hoa cương), với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng, PGS.TS Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC), ĐHQG TP.HCM cùng đồng tình với đa số các chuyên gia hiện nay, ông cho rằng: "Việc chỉnh trang đô thị không nên tạo ra khó khăn cho việc thoát nước".

Ông cũng cho rằng, hiện nay việc lát đá hoa cương trên vỉa hè chưa thực sự cần thiết bởi TP còn nhiều vấn đề bức xúc hơn. "Vốn bây giờ mình chưa phải bỏ ra thì cuối cùng cũng là nguồn vốn ngân sách cả thôi nên cũng không nên, ngoại trừ trường hợp là người ta cho không thì may ra", PGS Hồ Long Phi nhận định.

Theo PGS, để chỉnh trang vỉa hè cũng có nhiều giải pháp rẻ hơn, thân thiện hơn, ít tạo ra việc ngưng chảy, tăng gánh nặng cho việc thoát nước. Ông Phi đưa dẫn chứng phân tích cụ thể: "Ví dụ như một trong số những biện pháp hiện nay chúng tôi đang áp dụng thử nghiệm đó là bê tông thấm nước, nước xuống bao nhiêu sẽ thấm bấy nhiêu chứ không tràn ra ngoài đường.

1.000 ty dong lat da hoa cuong via he: Sao khong chon dep va chong ngap?
PSG.TS Hồ Long Phi. Ảnh: SGGP

Gạch thấm nước nhìn thì tất nhiên là không đẹp bằng đá hoa cương rồi nhưng nó bền vững và dễ thi công, giá rẻ, tính ra chỉ khoảng 600-700 nghìn/m2 thôi chứ không tới gần 3 triệu, như vậy nó rẻ hơn nhiều. Tại sao mình không lồng ghép chuyện đó (lát đá vỉa hè - PV) vào trong chuyện chống ngập luôn, một đầu tư được hai cái lợi".

Để chứng minh về tính ưu việt giúp giảm thiểu khả năng gây ngập úng khi mưa lớn, ông cho rằng: "Theo đánh giá ban đầu, vật liệu này thấm nước rất tốt, giữ được khoảng 10-15 phút sau nó mới nhả ra ngoài, bề mặt nó khô hoàn toàn, mình dùng cái vòi xịt rất to xịt vào nước cũng không chảy đi đâu, chỉ còn vấn đề cuối cùng là hiện nay mình đang thử độ bền".

Cũng theo ông, đá hoa cương là mặt phủ an toàn chống thấm, nước khi gặp sẽ tràn hết xuống đường, cống phải chịu vì quá tải. Trong khi đó nếu chúng ta thay bằng vật liệu thấm nước thì nó sẽ làm chậm dòng chảy, cản trở việc ngập úng.

Chuyên gia nói rõ hơn về dự án, thông tin nguồn gốc của vật liệu này: "Bản thân vật liệu này là của một công ty xi măng lớn của Pháp chế tạo ra, họ chuyển cho mình một cái mẫu khoảng 200m2 để mình thử nghiệm, đo đạc, đánh giá, thí nghiệm giúp họ.

Về cơ bản loại gạch này ở châu Âu người ta dùng rất nhiều, từ khoảng chục năm trở lại đây rồi. Hiện nay Viện cũng đã xây xong mô hình thử nghiệm với diện tích 14x14, có chỗ thoát nước, có mương để gom nước mưa, đo đạc dòng chảy như thế nào, thời gian giữ nước bao nhiêu, khoảng vài tháng nữa chúng tôi mới có báo cáo được".

PGS Hồ Long Phi cho hay, hiện nay loại vật liệu này cũng đã được triển khai tại một số nơi như Bic C Bình Dương, toàn bộ bãi đỗ xe đã được lát nguyên loại bê tông thấm nước này. Rồi một số con đường của Đại học Quốc gia TP.HCM, Công ty của Pháp cũng đã tặng vật liệu để làm đường.

Ông cho hay: "Ở Bình Dương thì đã đưa vào dùng thực tế nhưng mà họ không đo đạc, chỉ so với những vật liệu khác, giá thành như thế nào còn hiện tại thì họ quan tâm nhất là độ bền với thời gian thì họ đang cần mình giúp việc đó".

"Tôi cho rằng đó cũng không phải là giải pháp số 1, hiện giờ tiền đó cũng không phải là tiền trong ngân sách, tiền của tư nhân đầu tư, tại sao người ta không đầu tư vào các vấn đề khác mà lại chọn cái đó nên phải cân nhắc kỹ.

Tư nhân đề xuất như vậy thì mình phải xem nó có lợi hay không hay là thiệt thân. Bây giờ còn đang trăm bề khó khăn, đặc biệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long, phải cân nhắc, phải nhìn ở dưới hạn nặng, cả Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ được cấp có mấy chục tỷ, TP.HCM lại bỏ ra nghìn tỷ để làm vỉa hè thì làm sao cho được", PGS đặt vấn đề.

Tiền bỏ ra đâu phải để tạo gánh nặng cho ngành khác

PGS Hồ Long Phi cũng cho rằng, không chỉ Đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp khó khăn về hạn hán, mà tại TP.HCM vấn đề chống ngập cũng đang rất thiếu nguồn kinh phí.

"Ngân phí quá thiếu luôn, đã có bao nhiêu đâu, có khoảng nghìn tỷ, trong khi mình cần cả hàng trăm nghìn tỷ, tiền đó là tiền mà giúp làm giảm nhẹ được gánh nặng ngập úng thì tốt hơn là việc đè nặng nên nó nữa", ông nhấn mạnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI