1.000 doanh nghiệp từ 42 tỉnh/thành kết nối cung cầu hàng hóa tại TPHCM

17/11/2022 - 17:27

PNO - Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2022 thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp, 500 gian hàng từ 42 tỉnh, thành trong cả nước.

Nhiều đặc sản địa phương được giới thiệu, bày bán tại hội nghị thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Nhiều đặc sản địa phương được giới thiệu, bày bán tại hội nghị thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - đánh giá TPHCM và các tỉnh, thành đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ, toàn diện trong lĩnh vực thương mại. Chương trình năm nay có quy mô lớn hơn, hàng hóa dồi dào, phong phú; số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều hơn... 

Hội nghị năm nay, ngoài các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối trực tiếp... các đơn vị tham gia còn được kết nối cung cầu trực tuyến (online). Điều này góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối; thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo Sở Công thương TPHCM, song song với hoạt động kết nối trực tiếp, website www.ketnoicungcau.vn liên tục được cập nhật, nâng cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia kết nối trực tuyến 24/7. Các doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin, chào mua, chào bán, kết nối, thiết lập quan hệ, tiến đến hợp tác, giao dịch trên môi trường số. Chương trình kết nối còn hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực; sản phẩm, dịch vụ được bình chọn Thương hiệu Vàng Thành phố; sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền…

Các đặc sản từ miền núi như măng khô, miến dong, chẩm chéo,... bán khá chạy hàng - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Các đặc sản từ miền núi như măng khô, miến dong, chẩm chéo, mật ong rừng... bán khá chạy hàng - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đề nghị Sở Công thương TPHCM phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối trực tuyến, thúc đây các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử...

“TPHCM mong muốn các tỉnh, thành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thành phố trong quá trình đầu tư tại địa phương. Các bên cùng thúc đẩy, hình thành cơ chế phối hợp hiệu quả. UBND TPHCM sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các sở, ban ngành Thành phố phối hợp các tỉnh, thành triển khai ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương, chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành. Mục tiêu đưa các nhà phân phối uy tín, có quy mô của TPHCM đến các vùng miền, đặc biệt vùng núi để người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm đặc sản của các vùng miền, sản phẩm nông sản, tiêu dùng đạt chuẩn an toàn của chương trình”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh. 

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử TPHCM diễn ra sáng 17/11 tại TPHCM - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử TPHCM diễn ra vào sáng 17/11, tại TPHCM - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử TPHCM diễn ra vào sáng cùng ngày, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho rằng TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, nhưng cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Hàng hóa vận chuyển từ vùng nguyên liệu vào TPHCM tốn nhiều thời gian, khiến chi phí vận chuyển tăng, doanh nghiệp thiệt thòi...

“Qua 10 đợt kết nối cung cầu trước đó, rất nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết nhưng kết quả chưa có nhiều sản phẩm được đưa vào hệ thống phân phối TPHCM. Ngay cả khi đưa được sản phẩm vào siêu thị rồi nhưng sau một thời gian không đạt doanh số, siêu thị cũng đưa hàng ra khỏi kệ. Lần này, TPHCM tổ chức kết nối doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử để doanh nghiệp có cơ hội bán được nhiều hàng hóa hơn thông qua các sàn này”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI