“Văn hóa” chụp giựt

06/12/2013 - 15:02

PNO - Vụ hàng trăm người giành giật, cướp hàng ngàn thùng bia của một xe tải bị tai nạn trước sự cầu khẩn, van lơn, khóc lóc của tài xế cho thấy văn hóa của một bộ phận người dân xuống cấp trầm trọng

edf40wrjww2tblPage:Content

“Không còn gì để nói”, “làm người sao tệ hại đến thế”, “văn hóa quá kém”... là nhận xét của nhiều bạn đọc trước việc “hôi” bia diễn ra tại vòng xoay Tam Hiệp (phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào chiều 4-12. Xe tải chở bia bị tai nạn, 1.500 thùng bia bị đổ bia xuống đường, hàng trăm người lao vào giành giật, thậm chí đưa xe ba gác đến chở bia về trước sự khẩn cầu vô vọng của tài xế.

Hôi của hay cướp cạn?

Trong hàng ngàn ý kiến của bạn đọc bày tỏ thái độ trước thông tin này thì vẫn có bạn đọc cho rằng “nếu tôi ở đó sẽ lấy một thùng về nhậu chơi”. Vấn đề đạo đức, văn hóa ứng xử chẳng lẽ ngày càng xuống cấp trầm trọng vậy sao? Không giúp đỡ người khác đã đành mà còn cướp thẳng tài sản của người khác thì phải nghĩ sao về những con người này?

Đây không phải là vụ hôi của cá biệt. Còn nhớ cách nay không lâu một người dân bị tên móc túi giật 50 triệu đồng rơi ra đường cũng bị hàng chục người lao vào lượm rồi lấy mất. Duy chỉ có một người lượm rồi đưa lại người bị mất. Hội hoa xuân ở Hà Nội bị bao nam thanh nữ tú lao vào cướp hoa... Chúng ta không thể giải thích việc này bằng bất cứ lý do nào khác ngoài việc văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ người dân quá kém. Trong trường hợp này còn là vấn đề đạo đức bởi hậu quả của của vụ cướp cạn này chính người tài xế nghèo khó kia phải nhận đủ.

“Van hoa” chup giut
Nam thanh nữ tú chen lấn nhau giành thức ăn trong một bữa tiệc miễn phí

Bạn đọc Lý Thông, nhìn nhận: Thừa biết là không phải của mình nhưng vẫn giành giật về xài, chẳng màng đến sự đau khổ của người khác thì quá vô văn hóa. Cũng biết đọc biết viết, cũng biết đúng sai đấy chứ, nhưng cái tham nó to hơn lòng tự trọng. Chẳng phải dân trí thấp đâu mà là thiếu văn hóa từ trong tâm hồn.

Cùng quan điểm, bạn đọc Sao Mai cho rằng: “Một con người văn minh, biết sống, biết quan tâm đến nỗi khổ của người khác thì sẽ không làm cái việc đáng xấu hổ này. Đây là điển hình của hình ảnh “người Việt xấu xí”. Nhiều bạn đọc khác, nói thẳng: ở nước ta đi đâu cũng thấy ấp văn hóa, học sinh thì học môn đạo đức từ bé, nhưng sao xã hội luôn xảy ra những chuyện đau lòng thế này.

Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều

Ai cũng biết không thể vì những sự việt đơn lẻ mà đánh giá tầm văn hóa chung của nhiều người. Thế nhưng đây cũng là dịp để nhìn nhận lại nhiều vấn đề: văn hóa ứng xử của mọi người, sự giáo dục từ xã hội, lòng tự trọng của mỗi cá nhân...

Nhiều bạn đọc đã so sánh hình ảnh hôi của này với hình ảnh người Nhật sau thảm họa sóng thần và đánh giá chúng ta kém quá so với họ. “Người Việt Nam cần học tập tính cách trung thực của người Nhật Bản trong đợt sóng thần vừa qua. Không một tài sản nào bị hôi của, xếp hàng trật tự nhận lương thực và hỗ trợ lẫn nhau. Nhìn cách sống và tính cách của Nhật và nhìn lại những hình ảnh trên thấy quá ư là hổ thẹn. Không biết từ hồi nào mà hình thành nên cái cách sống tham lam này và không biết có cách nào để thay đổi” - bạn đọc tên Luân, nói.

“Van hoa” chup giut
Tranh thủ hôi của trong một vụ tai nạn tại Quảng Ngãi

Bức xúc trước sự vô cảm của bao nhiêu con người đối với tài xế xe tải trên, bạn đọc Hai Dân, cho biết: Tài xế họ chỉ là người làm thuê như bao người khác thôi mà?! Sao những con người ở nơi đó nhẫn tâm quá vậy? Những lời van xin của người bị tai nạn vừa thoát chết không động lòng nỗi những kẻ hôi của này hay sao? Những kẻ hôi của này có biết anh Mẫn phải bồi thường lô hàng đó cho chủ hàng với số tiền lớn lắm không? Nếu không may anh Mẫn phải vay mượn để bồi thường thì vợ con họ sẽ ra sao? Nếu ai còn lương tâm, lỡ lấy của anh Mẫn cái gì thì nên tìm anh Mẫn để trả lại. Mỗi người chỉ vui một chút nhưng sẽ đẩy gia đình anh Mẫn vào cảnh khốn cùng.

Chúng ta nói gì với con cái?

Bạn đọc Kiều Phong chia sẻ: “Mong những người hôi của trong sự van xin bất lực của anh tài xế Hồ Minh Mẫu vào chiều 4/12 đọc được những dòng comment này của mọi người để tự soi lại mình. Một vài thùng bia có đáng bao tiền, ăn nhậu một bữa có sung sướng hơn bao nhiêu? Nhưng làm sao có thể nói chuyện với con cái về lòng yêu thương, về trách nhiệm với người khác, về những điều tốt đẹp của cuộc sống. Hay khi con cái biết cha mẹ đã làm những việc này thì chúng nghĩ gì và ứng xử thế nào trong hoàn cảnh tương tự?”.

Theo PHẠM HỒ (Người Lao Động Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI