“Văn chương thị trường” định hướng gì cho giới trẻ?

14/04/2016 - 08:30

PNO - Những cái tên Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào… thời gian qua gần như trở thành “tâm điểm” thu hút sự quan tâm của bạn đọc trẻ.

Đó là tín hiệu mừng khi văn chương nhọc nhằn tìm được thị trường của riêng mình. Nhưng cạnh đó là sự lo ngại về giá trị định hướng theo chuẩn mực văn chương. Liệu rằng những cuộc “tìm thấy nhau” giữa người viết trẻ và bạn đọc trẻ này có làm “khuynh đảo, lệch hướng” giá trị văn học? Đây cũng là một trong những lo ngại về dòng sách best-seller đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay.

Cây bút trẻ Hamlet Trương được mời về giao lưu với sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đây là một sự kiện trong chuỗi hoạt động về trường, giao lưu chuyên đề Hành trình văn học: Là tôi… của Hamlet Trương. Trước đó tại ĐH Tiền Giang, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), khách mời là cây bút nữ Iris Cao.

Với sở trường âm nhạc và ngoại hình “soái ca” cùng những cuốn sách best-seller, Hamlet Trương đã nhận được tình cảm nồng nhiệt từ bạn đọc trẻ. Nhưng nhữ ng hoạt động giao lưu “nói chuyện chuyên đề” này lại gây giật mình. Hamlet Trương, Iris Cao không thể đại diện cho thế hệ văn chương trẻ hiện nay để có thể định hướng, chia sẻ về nền tảng, giá trị đích thực của các tác phẩm, khi mà bản thân những cuốn sách của các tác giả này chỉ có thể nằm bên lề dòng chảy của văn học chính thống.

“Van chuong thi truong” dinh huong gi cho gioi tre?
Hamlet Trương (phải) trong buổi giao lưu tại trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: Facebook ĐH Tôn Đức Thắng

Tại hội sách TP.HCM vừa qua, bên cạnh những buổi giao lưu của các gương mặt từ giới giải trí như Thanh Duy Idol, Jun Phạm - nhóm nhạc 365, cây bút Hamlet Trương cũng thực hiện các cuộc tương tác, nhưng lại bằng âm nhạc. Rất ít những thông điệp về văn chương, những chia sẻ cũng chỉ xoay quanh cảm xúc tản mạn trong các cuốn sách. Hamlet Trương được yêu mến với vai trò ca sĩ-nhạc sĩ trước khi viết sách (bài hát Trên tường nhà dưỡng lão của anh thu hút một lượng khán giả “khủng” trên Youtube).

Bởi thế, khi những cuốn sách như Thương nhau để đó, Yêu đi rồi khóc…ra mắt, tác giả cũng đã thu hút được fan từ âm nhạc sang sách. Đây là nỗ lực của những người trẻ đa tài, nhưng không thể xem những cuốn sách của ca sĩ-nhà văn trẻ này là đại diện cho văn chương trẻ. Nói như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nếu mang nhiều tài lẻ bày ra cuộc giao lưu, không biết bạn đọc tìm đến vì điều gì.

Chính nhờ sức hút bề nổi này mà Hamlet Trương, Iris Cao hay Anh Khang, Gào… luôn được chọn để tổ chức giao lưu, ký tặng trong các kỳ hội sách. Sự tung hô của đám đông bạn đọc trẻ trở thành điểm tựa niềm tin để các đầu sách theo đó mà trở thà nh best-seller. Nhưng suốt thời gian qua, cho dù có xuất bản bao nhiêu đầu sách, nhận được sự hâm mộ ngày càng đông của người đọc trẻ, những cây bút trẻ chuyên viết tản văn này vẫn không nhận được sự đánh giá cao, cũng như sự công nhận của người trong giới.

Những cuộc giao lưu tác giả - tác phẩm là dịp để bạn đọc kết nối với nhà văn, được nghe chia sẻ về chiều sâu tác phẩm, những giá trị văn chương. Nhưng những cuộc giao lưu của nhiều cây bút trẻ ăn khách thường mang tính chất vui là chính. Chủ yếu là trao đổi về thói quen, quan điểm yêu đương, yêu ghét, xung quanh những mẩu cảm xúc được viết trong các cuốn sách.

Cũng nhờ các cuộc giao lưu mà bạn đọc biết Anh Khang viết sách nhờ… thất tình, nghe được nhiều bài hát được yêu thích của Hamlet Trương hay những quan điểm táo bạo về tình yêu-tình dục của Gào (tên thật Vũ Phương Thanh). Nếu phải so sánh, sẽ thấy tinh thần của những cuộc giao lưu giữa các nhà văn và những người viết trẻ best-seller rất khác. Trong các cuộc gặp gỡ với tác giả trẻ, những câu chuyện, thông điệp về văn chương để lại rất ít.

Thị trường sách muôn hình vạn trạng, nhưng những giá trị đích thực thường nằm ở phần chìm. Còn bề nổi đang được ca tụng, tung hô như thói quen của người đọc và của chính những nhà làm sách khiến cho cán cân của chuẩn mực văn chương đang bị thiên lệch. Không lên án những buổi giao lưu trước nhu cầu có thật, được số đông ủng hộ đón nhận. Nhưng không thể phủ nhận rằng, chính những hoạt động bề nổi này đang chi phối đến nhận thức văn chương của giới trẻ - ở một góc độ nhất định.

Văn chương đích thực không thể chỉ có: Thương nhau để đó, Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người yêu mới, Cho em gần anh thêm chút nữa, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những gì em cho… Đó là chưa kể đến một đội ngũ hùng hậu tác giả trẻ với những cái tên nửa Tây nửa ta: Sơn Paris, Jade, Ploy Ngọc Bích, Mèo Xù, Kawi…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI