‘Tư lệnh ngành’ hay nhân viên của sở ‘giám đốc’?

18/11/2019 - 07:00

PNO - Từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến Sở Giáo dục và Đào tạo, các quan chức đã làm gì, nhận thức thế nào về chức trách, để đến nỗi sai phạm triền miên?

“Như lợi dụng qua lại, nó cần thuốc thì mình cho và sờ lại”, “Chỉ sàm sỡ các bé một tí thôi…”, “Tôi nghĩ các bé ở đây chỉ 30 ngày sẽ không có chuyện gì”… Đó là những lời thú nhận đầy thú tính của gã nhân viên Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Hỗ trợ xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM).

Chỉ ba ngày sau khi được trung tâm này tiếp nhận, những đứa trẻ trong độ tuổi 13-14 đã phải trân mình cho gã thầy sờ soạng, dâm ô. Mỗi khi Dũng “hành sự”, một đứa trẻ khác phải đứng canh, nếu phát hiện có thầy cô khác đi qua thì báo ngay cho Dũng.

Không ai giám sát ai, chẳng một chiếc camera nào còn thừa thãi để gắn tạm cho 30 ngày “quá giang” tại trung tâm của đám nhỏ, để ít nhất không thêm một lần chúng sẩy chân trong tăm tối, khốn cùng; để những người lớn có trách nhiệm không chỉ biết “kiểm tra, xác minh sự việc” khi mọi chuyện đã rồi.

“Nếu sự việc đúng như phản ánh sẽ xử lý nghiêm, đình chỉ công tác nhân viên và sẽ thông tin cho báo chí” - trả lời của ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Cũng là sở này, ngày 9/11 vừa qua, trong kết luận của Thanh tra TP.HCM, đã thiếu kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời dẫn đến nhiều sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) không ghi nhận đầy đủ, không lập biên bản tiếp nhận và không vào sổ theo dõi đối với hàng tặng, các đoàn từ thiện đến trung tâm.

‘Tu lenh nganh’ hay nhan vien  cua so ‘giam doc’?
Những sai phạm tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không chỉ mới diễn ra, không chỉ riêng vụ xâm hại trẻ em tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM - Ảnh: Ngọc Dương

Sở cũng không kê khai, báo cáo tám địa chỉ nhà đất, dẫn đến tình trạng cán bộ mượn đất không trả, chiếm đoạt tiền giải tỏa tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Bình Dương.

Từ những sai phạm nghiêm trọng, có tính chất cấu kết để tiến hành, bao che cho đến những hành vi vi phạm kéo dài, che đậy diễn ra từ trung tâm bảo trợ này đến trung tâm xã hội nọ, vậy trách nhiệm quản lý, năng lực điều hành, vai trò chỉ đạo kiểm tra, giám sát, chức trách xây dựng cơ chế làm việc của người đứng đầu - cụ thể là ông giám đốc sở đã và đang ở đâu?

Ngay tại trung tâm trực thuộc sở của ông, một cán bộ đảm trách sàng lọc hồ sơ tiếp nhận người lang thang, trong đó có trẻ vị thành niên lại ngang nhiên xem phim ảnh đồi trụy, chu cấp thuốc lá cho trẻ, thực hiện hành vi dâm ô trẻ từ sau 21g cho đến 23g… là biểu hiện rõ nhất của môi trường “lao động” (của trung tâm xã hội) trực thuộc sở bị ô nhiễm tới mức báo động. Trách nhiệm “quan trắc” của người đứng đầu, bà giám đốc trung tâm lẫn ông giám đốc sở là không hề nhẹ.

Hậu quả không chỉ đo đếm từ những sự việc đã xảy ra mà còn là mảng tối bê bết, nhếch nhác âm ỉ kéo dài trong bức tranh ngành giáo dục thành phố, do chính giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vẽ nên.

Lại thêm một “ngài” giám đốc sở!

Ngày 7/11, Thanh tra thành phố công khai kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Chỉ xin điểm lại một vài nội dung nhỏ: tổ chức các khóa bồi dưỡng, tham mưu phê duyệt đề án chuyên môn thì hầu hết không có nội dung chương trình học như khóa bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh tại Mỹ hay đề xuất UBND thành phố phê duyệt đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020”; nhưng lại lạm dụng các chuyến “về nguồn” để tổ chức tham quan du lịch dài ngày, riêng số tiền cho các hoạt động này đã lên tới 29 tỷ đồng.

Thâm lạm công quỹ, lợi dụng sinh hoạt chính trị để vung tiền, vẽ vời hình thức đã là đi ngược thái độ sống, làm việc vì lợi ích chung - một trong những tinh thần cốt lõi của công tác xây dựng Đảng. Đó là chưa nói đến sự bàng quan, vô cảm trước những khó khăn bề bộn của ngành, mà cụ thể là của từng giáo viên đứng lớp, để thay vì tiết kiệm, dùng ngân sách đắp bồi thêm thu nhập cho giáo viên thì lại thập thò ngân sách mà tiêu xài vô độ.

Với nhận thức và hành vi như vậy, người đứng đầu ngành giáo dục thành phố đã “dạy” gì cho thế hệ mai sau, đã “trồng người” như thế nào khi chính mình đã ươm những hạt mầm… lỗi?

Tháng Chín vừa qua, hai giám đốc sở nhận phê bình nghiêm khắc của Chủ tịch UBND TP.HCM là giám đốc Sở Xây dựng và giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Các kết luận của Thanh tra thành phố công bố vừa qua cũng quy rõ trách nhiệm của giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đương nhiệm và các thời kỳ. Tôi tự hỏi: các ông là giám đốc sở, những “tư lệnh ngành” của địa phương hay các ông là nhân viên của sở “giám đốc”?

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI