“Triệu phú” nhỏ của lòng nhân ái

03/02/2017 - 06:30

PNO - “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Cái mầm thiện luôn lẩn khuất đâu đó trong mỗi con người, tuy nhiên để mầm thiện ấy đâm chồi nẩy lộc thì cần phải được ươm bồi.

Vào một ngày tháng Sáu nắng nhễ nhãi, trong quán cơm Nụ Cười 2 - 901 Âu Cơ, Q.Bình Tân, TP.HCM, ba chiếc quạt máy hết công suất cũng không xua hết được hơi người và hơi nóng, có hai em bé khoảng 6-7 tuổi lũn cũn bưng bê phụ việc. Hai em bé mắt to, mặt như hai trái táo hồng thật nổi bật giữa những người lao động nhăn nhó với những vết cần lao.

“Trieu phu” nho cua long nhan ai
Alex Minh Khoa "làm việc" tại quán cơm Nụ cười 2

Người trong quán ít dùng lời để chỉ việc mà thường dùng tay ra hiệu. Hỏi ra mới biết hai em không hiểu tiếng Việt mấy bởi vì hai em vốn sinh ra ở nước ngoài. Hai em bé đó là Ethan Minh Quang (8 tuổi) và Alex Minh Khoa (6 tuổi), mùa hè về Việt Nam làm thiện nguyện.

Mẹ ơi, con muốn giúp người nghèo…

Ethan Minh Quang và Alex Minh Khoa chăm chú lau muỗng nĩa; xới cơm ra đĩa; bê cơm ra bàn; thu phiếu; trao khay cơm cho khách... giống hệt thái độ làm việc nghiêm túc thường có của các cô chú người nước ngoài khi đến quán làm thiện nguyện. Chỉ khi “bị” các cô bác lớn tuổi đến ăn cơm xoa đầu, vuốt má khen ngợi thì hai bé mới tỏ ra ngượng nghịu, ngại ngần.

Nhưng chiều đến, khi bước chân vào lớp học tình thương (cũng do quán cơm tương trợ Nụ Cười 2 tổ chức) thì hai bé khác hẳn. Ngồi cùng với mười mấy bạn nhỏ đen đúa, ăn mặc lùi xùi, Ethan và Alex vui vẻ vẽ tranh tặng lớp và hướng dẫn các bạn nhỏ khác sử dụng màu, chì vẽ... dù rằng cách giao tiếp giữa những đứa trẻ chỉ bằng cách… chỉ trỏ.

Những đôi mắt chim non, những chiếc áo bạc màu, vài gương mặt lem luốt  của thằng Mạnh, thằng Cường, nhỏ Nhi... đã xóa đi rào cản ngôn ngữ hay thân phận. Những ngày bưng bê trong những buổi  trưa nóng bức, những buổi chiều cùng nhau vẽ, chơi đùa cùng các bạn (mà hẳn hai đứa trẻ vẫn không biết tên) chắc sẽ là một kỷ niệm khó quên của Ethan và Alex trong chuỗi ngày về quê hương Việt Nam.

Thật ra, đây không phải lần đầu Ethan và Elex đến với người nghèo. Cách đây hai năm khi Ethan Minh Quang lên sáu đã thổ lộ với mẹ là em muốn làm cái gì đó mà không phải xin tiền ba mẹ để giúp đỡ cho những người vô gia cư (homeless) tại Mỹ mà thỉnh thoảng em vẫn nhìn thấy ngoài đường phố.

Thấy anh nói vậy, Alex Minh Khoa cũng hào hứng muốn cùng tham gia. Chị Đặng Thanh Vân - mẹ của hai em nghe hai con mình nói vậy mừng lắm. Vì thế chị bảo các con: “Các con nghĩ xem mình có khả năng nào thì làm việc đó để kiếm tiền”. Chẳng bao lâu sau, cả Ethan và Alex viết ra một loạt dự định: vẽ tranh, viết sách làm giàu(?!), tham dự các kỳ thi để kiếm tiền thưởng(?!)... Thoạt nghe vợ chồng chị phải nén cười vì sợ mình vô ý dập tắt ngọn lửa hào hứng trong tim con.

Cũng tưởng hai cháu nói chơi trong một phút bốc đồng, nào ngờ ít lâu sau cả Ethan Minh Quang và Alex Minh Khoa đều đưa cho ba mẹ xem những bức tranh đầu đời của mình kèm theo tờ giới thiệu viết tay rất chi tiết của Ethan  “SAVE HOMELESS PEOPLE” (Hãy cứu giúp những người vô gia cư) với ba đề mục rõ ràng:

1/ WHY DO I SELL MY PICTURES (Tại sao tôi bán tranh của mình).

2/ HOW DOES IT WORK? (Công việc tiến hành thế nào?). Trong đó, Ethan cho biết tiền thu được bé sẽ chia đôi một nửa để giúp người vô gia cư, một nửa cậu cho người nghèo.

3/ HOW DOES IT COST? (Giá cả ra sao?).Trong đó cậu cho biết luôn mỗi bức tranh giá 3 USD , nếu mua hai tấm thì giá chỉ có 5 USD. Tranh của Alex (lúc này mới bốn tuổi) vẽ những thứ bé thấy trên đường đi học, về nhà. Chẳng một ai biết rằng từ những nét vẽ đầu đời đó chỉ một năm, hai năm sau Alex liên tiếp đoạt giải nhất trong những cuộc thi vẽ bìa sách cho thiếu nhi do trường của em tổ chức. Giải thưởng 20 USD đã được bé đưa vào quỹ từ thiện dành cho Việt Nam của hai anh em.

Năm đầu tiên “ra quân” hai bé bán tranh được 37 USD. Năm nay, ngoài việc tham gia chạy marathon 5km để gây quỹ giúp trẻ em bị ung thư, hai anh em Ethan và Alex còn thi vẽ bìa sách. Ethan còn viết mười trang giấy (mà em gọi là sách) về “làm cách nào để ăn uống bổ dưỡng” để bán trong trường. Bắt chước anh, trước khi về Việt Nam một tuần, Alex còn muốn “vớt” cú chót để tăng nguồn thu bằng cách viết... sách “Năm bước để trở thành triệu phú”(!).

“Trieu phu” nho cua long nhan ai
Bức vẽ của Ethan được giải nhất khối lớp 2. Với 20USD tiền thưởng, em đã dùng để giúp người nghèo

Bay cao đi con! 

Tôi không khỏi bật cười khi đọc cái gọi là cuốn sách “Năm bước để trở thành triệu phú” của cậu bé Alex Minh Khoa (mới sáu tuổi và đang học lớp 1, trường tiểu học ETHAN ALLEN, Grove Garden, C.A). Bé hướng dẫn như sau:

Bước một: bán thứ gì đó như nước chanh với giá 1 USD.

Bước hai: bán kem khoảng 10 USD (?!).

Bước ba: bán năng lực qua việc tham gia những cuộc thi trí tuệ (talent show). Theo bé, để làm được điều này thì việc cần thiết là cứ tập luyện rồi ắt sẽ giỏi.

Bước bốn: hãy trở thành một nhà sáng tạo, phát minh ra những cái gì đó mới lạ, hữu ích.

Bước năm: hãy viết ra và lưu giữ tất cả những ý tưởng hay mà mình nghĩ được. Sau đó, hãy thực hiện biến ý tưởng ấy thành hiện thực.

Đúng là chỉ có trẻ con mới có những ý tưởng ngây thơ và ngông cuồng như thế. Nhưng điều may mắn vô cùng là không những chẳng có một ai, từ gia đình đến trường lớp, trêu chọc cười cợt. Trái lại, ba mẹ, thầy hiệu trưởng, cô giáo không chỉ hoan nghênh mà còn tích cực hỗ trợ cho việc làm của hai bé.

Cô Hower và cô Chin, chủ nhiệm lớp của hai bé Ethan và Alex đã tự nguyện thành những manager (người quản lý, giao dịch trong việc quảng cáo, vận động phụ huynh, học sinh mua tranh mua sách của hai bé). Không chỉ vậy, thấy việc làm của hai bé rất hay, có thể qua đó dạy cho học sinh thực hành về lòng nhân ái, nhà trường đã tiến hành tổ chức một cuộc gây quỹ từ thiện quy mô lớn hơn trong toàn trường.

Cầm trên tay 250 USD, món quà mà hai anh em nhà Ethan và Alex gửi tặng cho người nghèo ở quán cơm tương trợ Nụ Cười 2, cô Châu - chủ nhiệm quán  xúc động:

- Tâm hồn các bé đẹp quá! Sự trong sáng, ngây thơ và nhân hậu có được của hai bé ngoài thiên tính tự nhiên, rõ ràng còn nhờ sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ, thầy cô và môi trường giáo dục tuyệt vời nơi bé sống.

Khi tôi hỏi chị Đặng Thanh Vân rằng anh chị có giúp đỡ gì cho các cháu trong việc làm từ thiện không, chị bảo vẽ và ý tưởng là của các cháu, còn anh chị chỉ giúp cháu chỉnh sửa khung hình.

- Còn về cội nguồn, anh chị đã dạy cho con thế nào ?

Anh Huỳnh Tấn Quân, ba của hai bé đã trả lời một điều mà tôi không hề nghĩ tới:

- Là dạy cho con về nhân bản, biết yêu thương, biết chia sẻ. Người Việt mình xưa nay vẫn có truyền thống đó mà. Về Việt Nam, nơi nào tôi cũng thấy người ta làm việc thiện. Những quán cơm từ thiện, những tủ quần áo cũ miễn phí, những chiếc xe phát cơm cho bệnh nhân tại các bệnh viện... khắp nơi. Ngoài ra, cũng như nhiều gia đình người Việt sống ở nước ngoài, các cháu luôn được được ba mẹ khuyến khích nói tiếng Việt, sống theo phong tục, nền nếp người Việt.

Ngoài giờ học ở trường, mỗi ngày luôn dành 30 phút để đọc sách. Còn lại, hai bé học chơi cờ vua, bơi lội, chơi piano. Cũng như bao đứa trẻ khác, chơi game trên máy tính luôn kích thích hai đứa. Có lẽ nhờ luôn được rèn luyện trí óc, mới đây trong kỳ thi cờ vua toàn quốc, bé Ethan lọt vào danh sách là một trong 100 bé (thuộc nhóm 8 tuổi) chơi cờ vua giỏi nhất nước Mỹ.

Riêng về học tập, cả hai anh em đều thuộc loại xuất sắc trong tất cả các môn học, vì thế Ethan và Alex hiện đang được theo học lớp chuyên (gifted and talented progam) dành cho những học sinh năng khiếu.

Gửi cho tôi mấy tấm hình chụp các bức tranh của Ethan và Alex, chị Đặng Thanh Vân trải lòng: “các cháu học giỏi, được thầy cô yêu mến em rất vui. Nhưng chính lòng nhân ái tự phát của con mới khiến cho mình hạnh phúc. Vì muốn giỏi thì có thể cần cù học sẽ được. Còn TÂM TỪ thì xuất phát từ con tim, điều đó mới là VÔ GIÁ!”. 

Nhà báo Hải Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI