“Tình thương để lại đời…”

27/02/2014 - 20:20

PNO - PN - Đọc tuyển tập thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, dễ thấy hai chữ tình thương được lặp lại nhiều lần. Vì thế khi hỏi “chất keo nào đã gắn kết ông bà mấy mươi năm qua?”, tôi nghĩ bà sẽ trả lời “chất keo tình...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Tinh thuong de lai doi…”

Vợ chồng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương - Trần Bá Thùy

Phía sau những vần thơ

Bà xuất thân từ một gia đình quyền quý, ông là thường dân áo vải, sớm tự lập, gia thế không đăng đối nhưng đó không hề là cản ngại. Cha bà, Thượng thư, Hiệp tá đại học sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, là tác giả của câu thơ “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?/ Ai thương? ai cảm? ai nhớ? ai trông?...” lưu truyền trong dân gian.

Thừa hưởng hồn thơ từ gia tộc, mới tám tuổi, bà đã tập tành làm thơ. 20 tuổi, bà có nhiều bài thơ được đăng trên tạp chí Phổ Thông (Sài Gòn). Ông Bá Thùy từng rất yêu thích những vần thơ ấy. Năm 1961, bà từ Huế vào Sài Gòn làm thủ quỹ ở Viện bào chế dược Phạm Doãn Điềm, ông cũng phụ trách khâu sản xuất tại đây. Tuy xuất thân là con nhà dòng dõi, lại là nhà thơ đã có tên tuổi, nhưng sự giản dị, tự nhiên, chân tình từ lời ăn tiếng nói, cách sống của bà khiến ông cảm thấy gần gũi. Xa quê, nghe giọng Huế xứ mình mà thương mà quý. Tình thơ cộng với tình đồng hương, đồng nghiệp giúp hai người thêm gắn bó. Tình yêu nhen nhóm từ những lần hai người nói chuyện về thơ, về cuộc sống.

Yêu thơ, yêu cả người làm thơ nên ông trở thành phụ tá đắc lực của bà trong việc ghi chép, đánh máy; lưu trữ bản thảo; liên hệ với nhà xuất bản; trả lời thư người hâm mộ... Không gian thơ nhạc tao nhã, lãng mạn là điều mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được khi đến tư gia của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Bà từng có những câu thơ triết lý sâu sắc mà nhẹ nhàng, ý vị: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy mây trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời” (bài Còn gặp nhau). Hơn mười tác phẩm thơ văn của bà ra đời: Đợi mùa trăng, Mộng thanh bình, Còn gặp nhau, Nước vẫn xanh dòng, Thơ tình và tình thơ… đều có bàn tay ông chăm chút.

Trong tuyển tập thơ khá dày, có nhiều bài bà viết tặng bạn thơ, thử hỏi người bạn đời có chạnh lòng? Ông Bá Thùy tươi cười: “Có thơ đọc là vui sướng rồi, bà viết tặng ai cũng được, không nhất thiết phải tặng mình. Tôi cũng được bà viết tặng riêng bài thơ Chúng ta cùng nguyện ước từ mùa xuân năm 1967. Đến giờ tôi vẫn nhớ, vẫn còn nguyên cảm giác sung sướng, ấm áp”.

“Tinh thuong de lai doi…”

Vợ chồng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương - Trần Bá Thùy cùng các con cháu

Nhẹ bước trong đời

Là chỗ thâm giao với ông bà hơn 50 năm, giáo sư Trần Văn Khê rất khâm phục tình cảm hai người dành cho nhau. Giáo sư nhận xét, chưa thấy người chồng nào lo lắng, chăm sóc vợ con chu đáo, trọn tình trọn nghĩa như ông Thùy. Đó là người đàn ông hiếm có. Vì vợ con, ông sẵn sàng tiết chế, từ bỏ những sở thích riêng. Giáo sư chia sẻ: “Ấn tượng sâu sắc trong tôi là vào những lần hội họp thơ tại Thùy Khương trang, Bá Thùy lo trà nước, tiếp đón khách, ghi âm, chụp ảnh… Bá Thùy biết tài của vợ, không bao giờ ghen tuông với khách tri âm tri kỷ của vợ mà yêu bằng sự tin cậy và hy sinh; luôn nghĩ tới cái vui, cái đam mê của vợ. Bá Thùy biết vợ có thể chất yếu đuối và hiểu vợ không sinh ra để làm nội trợ nên ông chu toàn trong ngoài, lặng lẽ mà làm, không nặng lời, kể công. Hỷ Khương nhờ thế mà giữ được sự thư thái, bay bổng của tâm hồn, chẳng vướng bận tâm trí, mới làm thơ hay như vậy!”.

Trong bài thơ viết tặng chồng, bà không tiếc lời khen ông hiền hòa, mực thước, thành thực, bao dung và cảm ơn Trời Phật đã ban phước cho mình. Là trụ cột về kinh tế nhưng ông còn luôn nặng gánh gia đình vì bà bệnh tim, nay ốm mai đau, có khi phải nằm viện dài ngày. Ngoài ra, ông còn phải chăm sóc mẹ của bà nằm một chỗ lâu năm do bị té (hiện cụ đã mất); lo cho hai con trai. Nhiều lúc ông phải chạy như con thoi giữa nhà và bệnh viện, hết dìu đỡ, săn sóc, lo thuốc men, lại đi chợ, dọn dẹp, nấu ăn... Hiếm có dịp ông bà ra ngoài cùng nhau vì một người phải “thủ trại”.

Giờ tuổi đã 76, không khỏe, bà ngại ra ngoài. Vẫn như thời thanh xuân, ông thường ướm hỏi ý bà thích gì để mua về. Một món ăn, một cái khăn choàng, một hồ sen mini… ông chiều bà “toàn diện”. Ông bà quan niệm, nếu ta không mở lòng đón nhận thì niềm vui sẽ bỏ đi mất, chỉ thấy nỗi đau, bất hạnh vây quanh. Niềm vui của ông bà đơn giản là khi ông đọc sách cho bà nghe; là vào cuối tuần, người con trai thứ hai đưa vợ con về thăm, cùng quây quần ăn uống; là thằng cháu nội mới tí tuổi đầu đã đọc ro ro những bài thơ của bà… Người con trai cả sinh năm 1967, trước đây vì sinh khó nên sức khỏe yếu ớt, bị ảnh hưởng thần kinh. Dù người con cả không phát triển bình thường, 47 tuổi vẫn không tự vệ sinh cá nhân được, hàng tháng phải tái khám, uống thuốc nhưng ông bà vẫn không xem con là gánh nặng mà vô cùng yêu dấu, nâng niu. Đêm đêm, người con bệnh tật nằm giữa ông bà, chợt quay sang ôm mẹ và nói “thương!”. Vờ như chưa nghe rõ, bà hỏi lại và thêm lần nữa được nghe tiếng “thương!” ngọt lịm…

Không thiếu những lúc tai họa giáng xuống gia đình nhưng ông bà vẫn đứng vững nhờ biết tựa vào nhau và nhờ triết lý vô thường của nhà Phật. Bà bình thản chấp nhận hoàn cảnh, giữ cảm xúc chừng mực, sống trong sáng, an nhiên. “Cuộc sống vốn dĩ nhiều bất trắc, tại sao con người cứ phải sân si, oán hận, phiền muộn cho thêm khổ?” - bà nói. Ông bà tạo được không khí êm thấm, bình lặng trong gia đình là nhờ cả hai người đều… nóng. Nghe có vẻ nghịch tai, nhưng thực sự, bí quyết bảo vệ hạnh phúc của ông bà là có gút mắc gì phải nói với nhau, không để trong lòng. “Nói” không có nghĩa là nhỏ mọn, kém bao dung, mà là cách dẫn lối vào trái tim để hiểu nhau hơn, sống vị tha hơn.

 TÔ DIỆU HIỀN 

Bài cuối: Trọn đời thủy chung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI