edf40wrjww2tblPage:Content
- Tui thấy lão sếp hay liếc bà đó. Xơi lão đi.
- Bà giỏi thì xơi đi, bụng như thùng phi thế kia.
- Bà cần chuyển qua phòng kế hoạch thì xơi đi chứ tui mắc gì phải ôm cái thùng phi đó.
- Để tui coi, cỡ như lão, tui “bắt chết” lúc nào chả được.
Nếu là dân văn phòng bạo miệng, bạn sẽ chẳng ngạc nhiên với đoạn đối đáp ấy. Có thể họ “nói quá” một chút việc “xơi tái” ông sếp, nhưng không hẳn là họ... vô hại...
“Giải tỏa đến đâu, đền bù đến đó”
Thời buổi này, không hiếm phụ nữ đã yên bề gia thất nhưng đến công sở vẫn bằng mọi giá khai thác “thế mạnh” riêng để đổi lấy sự thuận lợi cho công việc. Cũng có nhiều sếp nam nửa đùa nửa thật (kỳ thực là phần thật nhiều hơn đùa) rằng “em cứ thoải mái, giải tỏa đến đâu, anh đền bù đến đó”. Những người đàn bà sành đời, chỉ cần nhìn sơ qua cách giao tiếp, thái độ của sếp nam là “quy hoạch” được việc mình có thể “giải tỏa” đến đâu, giới hạn cao nhất là gì. Tất nhiên, họ cũng dự trù phần mà mình được “đền bù”. Có những người phụ nữ trượt dài trong chuyện giành lợi thế trong lòng sếp, trở thành bồ nhí của sếp lúc nào chẳng hay.
Nhiều trường hợp, ở một công ty lớn, có cả ngàn con người, khi sếp bật “đèn xanh”, đã có một cuộc đua âm thầm xem ai là “nữ hoàng bé bỏng” của lòng chàng. Ai có thế mạnh nào khai thác triệt để thế mạnh ấy. Có người trông sắc sảo, kiêu kỳ là thế, nhưng với riêng sếp thì “dễ gần” một cách đặc biệt; có người muốn hạ gục sếp bằng váy ngắn táo bạo, cổ áo “không thể sâu hơn”; có người lại thể hiện mình có đủ trình độ và sự thấu hiểu, đồng cảm để có thể “trước mắt là chỗ dựa tinh thần, sau đó là chỗ dựa thể xác”.
Ba người đàn ông đang tụm đầu, nếu có một người phụ nữ đẹp đi qua, chủ đề câu chuyện của họ thường được chuyển qua người phụ nữ đó, đại loại là người đó hấp dẫn ra sao, có nét gì đặc biệt, rồi bông lơn với nhau kiểu “cô này mà…, thì… nhỉ”. Còn đàn bà thì sao? Một số chị em cũng không vừa, ngồi với nhau mà bàn đến đàn ông là cũng “tới bến”. Có cuộc họp nọ, ông sếp râu kẽm đứng lên phát biểu, nhóm phụ nữ bắt đầu nghiêng đầu vào nhau xì xào về độ hấp dẫn của sếp. Một chị bảo: “Nhìn ria mép của ổng khi phát biểu mà tui nhột muốn chết luôn mấy bà ơi”. Cả nhóm không kiềm chế được, cười rú và bị sếp phê bình thái độ thiếu nghiêm túc trong cuộc họp. Sau đó, một chị mạnh dạn nhắn tin cho sếp rằng: “Sáng nay họp, tụi em bật cười vì có một chị nói “nhìn sếp phát biểu, nhột muốn chết”. Tin nhắn đó chẳng khác nào một phát “nhá đèn”.
Trong một ngày, người ta gặp sếp còn nhiều hơn gặp bạn đời. Với những phụ nữ có chồng mê bia rượu, tối nào cũng về trễ thì thời gian hai vợ chồng gặp nhau càng ít. Vì vậy, mối quan hệ giữa nhân viên và sếp là rất nhạy cảm. Lắm lúc, nguồn cơn chỉ bắt đầu bằng suy nghĩ đơn giản: “Đàn ông nào mà chẳng mê phụ nữ xinh đẹp, ngọt ngào, tươi tắn? Chi bằng, khi gặp sếp nam, ta cứ tạo “giao diện” thu hút, thân tình để thuận lợi hơn cho công việc”. Nhưng, sự dễ dãi ban đầu có thể mở ra những sự dễ dãi lớn hơn, bất chấp hơn sau đó.
Chỉ được chứ không mất?
Những ông sếp hư hỏng chỉ là thiểu số. Nhưng chẳng may, chị em làm việc trong một công ty mà có sếp buông tuồng, việc “gạ tình lấy lợi” rất dễ xảy ra. Hối lộ tình dục chẳng cần phải xảy ra ở những nhà quản lý cấp cao, chẳng cần đường dây hay hệ thống gì cả. Nó có thể xảy ra trong nội bộ một cơ quan, công ty, chỉ cần ông sếp ở đơn vị đó mở ra “cơ chế”.
Gặp phải sếp “dê cụ”, những chị em tỏ ra lúng liếng thường “dễ thở” hơn trong công việc. Nếu nghĩ tình dục đơn thuần là “sinh hoạt giường chiếu”, e chưa đủ. Hành vi tình dục đa dạng về hành động và phong phú về cấp độ. Tùy điều kiện ngoại cảnh, một nhân viên nữ có thể “trao” cho sếp nam những “quà” riêng của mình. Tại công ty dệt may Q. (TP.HCM), một lần, cô chuyền trưởng cùng một số công nhân bị ông sếp gọi lên mắng vốn vì để xảy ra lỗi một loạt sản phẩm. Tình hình rất căng, có thể cô này phải hứng một trận lôi đình từ ông sếp vốn nổi tiếng nóng nảy. Thế nhưng, sếp chưa kịp mắng thì cô đã rưng rức khóc, cổ tay trắng ngần của cô gạt nước mắt, rồi mắt cô xoe tròn nhìn vào mắt sếp, khiến ông này không thể nổi giận. Sếp bảo những người còn lại về xưởng làm, riêng cô chuyền trưởng ngồi lại để ông… dỗ! Vậy là sau đó, cả công ty xôn xao việc cô chuyền trưởng đó “khóc giỏi”, chẳng lâu sau cô được cất nhắc lên chức phó phòng...
Minh L., trưởng phòng kinh doanh một công ty nhập khẩu hàng hải mạnh miệng kể: “Với những ông sếp nam có “máu 35”, dễ “xử” lắm”. L. kể, có lần bị sếp gọi vào phòng, phàn nàn doanh thu của công ty giảm sút. Cô nghe mắng nhưng vẫn cười ỏn ẻn, mắt lấp la lấp lánh, rồi bảo “anh biết khó khăn của em mà, anh không thông cảm cho em, em biết cậy nhờ ai?”. Nói đoạn, cô xăng xái đi pha trà cho sếp, luôn miệng: “Dạo này anh ăn uống thế nào? Chắc lại nhậu về khuya, sáng dậy đắng miệng ăn hổng nổi phải hôn? Anh phải giữ sức khỏe chứ”. Rồi lại “phòng anh bừa bộn quá, anh uống trà đi, để em dọn sơ cho”. Vừa cười nói ngọt ngào, cô vừa lom khom dọn mớ tài liệu cho sếp. Giày cao gót, chân trắng thon, váy văn phòng cao trên gối, ôm gọn bờ hông nảy nở, cổ áo lại rộng. Chỉ cần năm phút cúi người dọn dẹp như thế, sếp được “đãi” no mắt, mặt đuỗn ra, hết mắng! Minh L. còn tỏ rõ quan điểm rằng, “cởi mở” với sếp một chút cũng chẳng mất gì mà được việc. Dám làm, dám kể “bô bô” ra như L. là hiếm, nhưng số người âm thầm “cho cái sếp cần” rồi âm thầm hưởng lợi, chắc chắn không hiếm.
Có những phụ nữ nổi tiếng “sát giám đốc”, như chị H. ở một công ty vận tải biển. Chị tận dụng vẻ đẹp mặn mà, “không ngại va chạm” để lần lượt đưa hết giám đốc công ty chị đang làm lẫn công ty đối tác vào “tọa độ điều khiển”. Có ông giám đốc mới tại vị được hai năm đã sa vào vòng lao lý vì chi tiêu sai nguyên tắc, mà chủ yếu là do H. tác động.
Giới hạn mong manh
Những ông sếp để lộ sự vụng dại, háo sắc qua ánh mắt, cử chỉ dễ bị chị em liệt vào hàng “cá trên thớt”, “thịt” lúc nào cũng được. Phụ nữ, nhất là dân văn phòng thời nay đùa cũng mạnh miệng lắm, họ dùng những từ mà đàn ông nghe phát hoảng. Gặp “ngữ” đàn ông háo sắc ấy, đàn bà thường khinh ra mặt, nhưng cũng có thiểu số chị em chủ động tạo mối quan hệ để khai thác lợi ích. Đàn ông, dù đã có vợ hay chưa, đều có ít nhiều ham muốn dục tính. Người có văn hóa cao thì kiểm soát suy nghĩ, chế ngự hành vi giỏi, người không “giữ mình” sẽ đánh mất uy tín qua từng ngày và cao nhất là tiêu tan sự nghiệp. Các ông hay có câu cửa miệng để tự dặn mình: “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, đều là những đối tượng “bất khả xâm phạm”. Nhưng dù “nằm lòng” câu ấy, vẫn không ít ông “chết”.
Còn chị em đã lập gia đình thì sao? Có chị tỏ ra sành đời, ra tuyên ngôn: “Đàn bà thông minh không đặt ra khoảng cách với sếp nam, nhưng sếp muốn đụng vào cũng không bao giờ được”. Ý là cứ tạo trạng thái “lửng lơ con cá vàng”, thấy gần đó, nhưng lại hóa xa. Tạo khoảng cách gần để thuận lợi cho công việc, tạo thêm “bức tường lửa” để bảo vệ mình ở giới hạn cuối cùng. Nói thì dễ, kỳ thực giới hạn đó rất mong manh.
Vả lại, sự hấp dẫn về giới tính luôn đến từ hai phía. Một phụ nữ, có thể ban đầu muốn đến với sếp nam chỉ vì “ý đồ công việc”, nhưng những tiếp xúc, trao đổi gần gũi dần khiến người phụ nữ đó đánh mất chính mình.
Rồi cũng có người bảo, khắt khe, làm tội làm tình bản thân quá làm chi. Đi làm mà ăn diện đẹp tươi cười, ngọt ngào với sếp chẳng phải hơn không? Mất gì đâu một nụ cười lả lơi, một câu nịnh “miễn phí”? Nhưng họ đâu biết, từ vị trí của người đoan chính chỉ cần dấn thêm một bước thì sẽ trở thành hoang đàng, không dừng lại được nữa và cứ bước mãi. Đơn cử, lần đầu khen “ôi trông sếp ngày càng trẻ ra thì phải”, chả lẽ lần sau khen “nhẹ đô” hơn lần trước?
Sau những bước dấn sâu trong cái gọi là “khai thác thế mạnh đàn bà” ấy, người đàn bà đã vơi năng lượng, cạn nhiệt tình, khô ngọt ngào, lại bị chen lẫn cảm giác áy náy, thậm chí là tội lỗi đối với chồng. Hạnh phúc gia đình sẽ đi về đâu?
TRẦN TRIỀU