“Thảm họa” là đương nhiên

06/12/2013 - 06:52

PNO - PNO - Không có tiền làm phim, điện ảnh chết, khán giả không có phim tử tế mà xem, thảm họa cũng vì thế.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tuần qua đã chia sẻ như vậy trước hiện trạng hai năm nay, số tiền 90 tỷ đồng rót cho các phim được Nhà nước đặt hàng không thể giải ngân vì thiếu thông tư hướng dẫn đấu thầu.

“Tham hoa” la duong nhien

Theo nhận định của bà Ngát, thực trạng trên cũng lý giải vì sao suốt ba năm qua, điện ảnh Việt Nam thiếu hẳn những bộ phim tử tế, rạp chỉ chiếu toàn phim hài được xếp vào hàng “thảm họa” như Hello cô Ba, Nàng men chàng bóng, Biết chết liền...

Chuyện phim “thảm họa” làm xấu bộ mặt điện ảnh Việt đang là một vấn đề nhức nhối. Đã có quá nhiều ý kiến chỉ trích từ phía các nhà chuyên môn đã, đang công tác trong những hãng phim nhà nước về chất lượng phim tư nhân nhưng trong khi các hãng phim nhà nước ngắc ngoải vì không có tiền thì điện ảnh tư nhân lại ngày càng phát triển. Lúc này, có lẽ các hãng phim nhà nước và những người hoạt động trong lĩnh vực này, thay vì đi chỉ trích, lên án hãy dành thời gian để nhìn lại mình. Những hãng phim lớn từng làm chủ đạo cho điện ảnh nước nhà như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng,… nay chỉ còn cái tên, chẳng thấy hoạt động thực tế đâu cả. Nhân lực của các hãng thì hầu hết đang ở tuổi ngồi chờ lấy sổ hưu. Hãng làm ăn kém nên chẳng có nhân tài trẻ nào mặn mà xin vào. Với thực trạng đó, nền điện ảnh nhà nước đang như cái cây khô, đợi ngày mục ruỗng.

Buồn hơn nữa là đã 20 năm qua, dù điện ảnh nhà nước “sống dở chết dở”, nhưng dường như không có bất cứ một chuyển biến nào trong tư duy của những người đang hoạt động ở khu vực này. Họ chỉ ngồi, nêu đủ khó khăn nhưng chẳng thèm “động tay, động chân” để tìm cách đưa phim của mình đến với khán giả. Họ tự cho mình là ngồi ở chiếu trên, không thèm quan tâm đến thị trường và thị hiếu của công chúng.

Tâm thế làm phim mà không cần biết đứa con tinh thần của mình sẽ đi đâu sau ngày đóng máy, tất yếu dẫn đến kết quả phim họ làm ra luôn chịu sự ghẻ lạnh từ phía khán giả, dù với bất cứ đề tài nào: chiến tranh, hậu chiến hay đời sống đương đại.

Xét ở khía cạnh nào đó, nếu làm phim bằng tiền ngân sách, tiền thuế của dân mà chất lượng kém, không trụ được vài tuần ngoài rạp như Đam mê và Cát nóng (hai bộ phim nhà nước năm 2011) thì cũng hơn gì những “thảm họa” điện ảnh mà họ đang chê bai.

Thế nên, dù số tiền 90 tỷ đồng trên có được giải ngân, cấp về các hãng phim thì năm tới và những năm tiếp theo, e rằng rạp vẫn chiếu toàn phim “thảm họa”. Ai còn đủ niềm tin là nếu có tiền thì các hãng phim nhà nước sẽ làm sống lại được thời hoàng kim cũ?

 M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI