“Tấm áo” ân tình

20/08/2013 - 16:31

PNO - PN - Khi con trai đưa người yêu về ra mắt gia đình, ông cụ thân sinh của anh Lê Trọng Thành giật mình. Ông biết rõ dòng họ nhà chị Lê Thị Quyên có tiền sử nhiều người mắc bệnh tâm thần. Khuyên con không được, ông thở dài: “Thôi...

“Tam ao” an tinh

Anh Thành đang làm dịu cơn hốt hoảng của vợ

MƯỜI NĂM… XÍCH VỢ!

Căn nhà của anh Thành, chị Quyên ở tổ 8, ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tường gạch, tuy không tô, nhưng sạch sẽ, tinh tươm. Chiếc chiếu trải giữa nhà đầy những chiếc thuyền giấy đang làm dở. Chị Quyên ngồi thu lu trong góc nhà, lấm lét nhìn chúng tôi. Anh Thành tay thoăn thoắt làm thuyền, miệng kể chuyện tình yêu của anh và vợ: “Hồi đó Quyên xinh lắm, lại rất hiền nên nhiều người đeo đuổi. Tôi “theo” Quyên từ Thanh Hóa, khi Quyên theo anh chị vào Đăk Nông, tôi bám suốt. Ai cản cũng không xong, nên cuối cùng mọi người phải cho mình cưới”.

Cưới nhau 16 năm, Quyên chỉ nhận biết hạnh phúc được bốn năm đầu. Khi có con, Quyên xem con như báu vật, giữ con cẩn thận đến mức không cho ai động vào. Thoạt đầu, anh Thành cứ tưởng những biểu hiện đó của vợ là bình thường, nhưng càng ngày, anh càng nhận ra, cách vợ thương con rất ích kỷ. Anh định “san sẻ” bớt tình thương đó bằng cách đòi bồng bế phụ vợ thì Quyên nổi giận, đập phá đồ đạc. Vì bận làm hàng mã suốt ngày, Thành không nhận ra vợ bệnh, vì ban đầu những biểu hiện tâm thần ở Quyên rất nhẹ như hay cười một mình, lơ đễnh, thiếu tập trung. Đến khi Quyên sinh đứa con thứ hai, bệnh mới thật sự bột phát. Quyên tự cào cấu, xé quần xé áo, rồi bỏ nhà đi lang thang. Lúc lên cơn, gặp người lạ là chị nhào đến cào cấu. Thành phải trói vợ ở một góc nhà để yên tâm đi làm.

Anh Thành kể: “Lúc đó nghe lời người ta, tôi cúng vái khắp nơi, nghe thuốc hay, thầy giỏi ở đâu, tôi cũng tìm tới. Ngặt nỗi Quyên rất dữ nết, lần nào tôi bắt uống thuốc hay đưa đi bệnh viện, cô ấy cũng quậy đùng đùng, tìm cách nhảy xe, trốn về… Mười năm ròng rã, cứ lâu lâu tôi lại phải cột vợ ở góc nhà, phải nhờ người phụ trói lại mới đưa được Quyên vào bệnh viện”. Điều trị ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 gần ba năm, bệnh của Quyên mới tạm ổn, nhưng chị vẫn ngẩn ngơ, lúc nào cũng cười cười.

Có lần giữa đêm, hai đứa con sốt xuất huyết lên cơn co giật, một mình anh Thành cõng hai con chạy xấp xoãi trên đường, vừa chạy vừa kêu hàng xóm cứu giúp. Ngày con xuất viện, về nhà anh thấy đầy phân trâu, người vợ cũng đầy phân trâu, vợ nhìn chồng cười cười, anh rơi nước mắt!

Chị Nguyễn Thị Thủy, nhà sát rào với Thành - Quyên cho biết: “Vợ vậy mà chú ấy yêu thương lắm, chẳng than một lời. Đi làm về thấy vợ bày bừa là chú ấy dọn dẹp ngay, vừa sắp xếp cho con ngủ nghỉ, vừa lo tắm rửa cho vợ. Cô Quyên lên cơn, quậy đâu thì quậy, nhưng thấy bóng chồng về là ngồi im, Thành bảo gì nghe nấy. Thành đi đâu lâu, cô nhớ, chạy đi tìm…”.

“Tam ao” an tinh

Hai cháu Nhung - Lợi với công việc gia công hàng mã phụ cha

“VỢ VUI LÀ TÔI VUI”

Hỏi về cuộc sống hiện tại, anh Thành thoáng tâm tư: “Biết phải làm sao? Con vẫn phải đến trường. Nghề làm hàng mã này nếu có vốn, tôi sẽ khá đấy, nhưng sức chỉ có vậy, đành chịu. May cho tôi, hai đứa nhỏ ngoan lắm, phụ giúp tôi đủ việc”. Nhìn những chú rồng, chiếc thuyền, hình nhân bằng vàng mã với hàng chục loại cắt dán treo đầy nhà mới thấy anh Thành thật khéo tay. Hai con anh cũng khéo. Cháu Lê Thị Hồng Nhung (sinh năm 1997) đã biết vẽ thuyền rồng từ năm mười tuổi, cháu Lê Trọng Lợi (sinh năm 2001), dán con gì cũng được. Lợi nói: “Nhưng con thích nhất là… đi bán vé số. Từ năm con tám tuổi, con và chị Nhung đã làm nghề này rồi. Bố giao con bao nhiêu vé con cũng bán hết. Vậy mà bố chỉ cho con có 50 vé thôi, cấm không được tham tiền lời bán vé số. Bố bảo, nếu tham lời sẽ đi bán mãi, không về, kéo theo là sẽ bỏ học”. Anh Thành nghe con nói, sợ chúng tôi hiểu lầm, gãi đầu giải thích: “Khó khăn lắm, nhưng nếu con bỏ học, tương lai nó sẽ về đâu?”. Ngày không còn đồng vốn nào để mua giấy làm hàng mã, anh Thành chạy đi cuốc rẫy, bón phân, nhổ cỏ cho các vườn tiêu, điều; mỗi ngày công 120.000đ đến 130.000đ. Làm hàng mã thì tiền khá hơn nhưng không phải ngày nào cũng có việc và có tiền để mua giấy, mua hồ. Thế là nhiều hôm cơm chỉ có rau luộc, muối vừng.

Hoàn cảnh khó khăn vậy nhưng hai con của Thành rất ngoan. Hai chị em đều học giỏi, đặc biệt là Hồng Nhung, chín năm liền ở trong nhóm dẫn đầu của lớp. Nhung cũng rất thương mẹ. Nhung nói: “Nhiều lần ba bố con đi làm đi học về, thấy mẹ đã đổ đầy đất vào cơm canh, chúng con chỉ biết khóc. Nhớ hồi mẹ bị xích, con thương mẹ quá nhưng không dám gỡ ra vì sợ mẹ chạy phá đồ của người ta, bố phải đi xin lỗi…”.

Năm tới, Nhung lên lớp 10, trường mới cách nhà hơn 7km, nhưng nhà chỉ có mỗi một chiếc xe đạp để bố Thành chở hàng mã đi giao, chưa biết phải tính thế nào. Lợi cũng chuẩn bị vào lớp 7. Góc học tập của Nhung và Lợi là chiếc bàn gỗ thấp tè kê sát tấm chiếu, vừa để ngồi dán hàng mã, vừa chép bài. Cái góc ấy là nơi nuôi dưỡng ước mơ được làm cô giáo của Nhung, cũng là nơi anh Thành cảm thấy thư giãn nhất khi nhìn quanh quất trong nhà. Anh nói: “Tôi chỉ có mỗi một niềm tin là hai con tôi tỉnh táo, bình thường và nhờ học hành, cuộc đời chúng sẽ khác tôi, khác Quyên”.

Quyên nhờ chồng mà bệnh tình thuyên giảm dần. Anh Thành chạy chữa cho vợ bằng đủ phương cách. Chị Phạm Thị Xinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh An kể: Khó có ai kiên trì được như Thành chăm sóc vợ. Những lần Quyên lên cơn, dù đang làm công ở đâu, Thành cũng lập tức chạy về. Vợ ngẩn ngơ, không tự chăm sóc, anh lo từ chuyện vệ sinh đến ăn uống. Cách đây ba năm, phát hiện trong ấp có cháu bé bị bệnh down, nghe ai bày, Thành xin mẹ cháu cho sang nhà chơi cùng Quyên lúc anh và các con đi làm, đi học. Không ngờ, cả Quyên lẫn cô bé ấy như tỉnh táo hẳn ra. Hai người bây giờ chuyện trò vui vẻ lắm.

Chúng tôi đang chuyện trò, thì cô bé hàng xóm ấy sang. Cả Quyên và cô bé, không ai giao tiếp được với người xung quanh bằng lời, nhưng khi gặp nhau, lại “chuyện trò” rôm rả, hễ Quyên “Ê”, là cô bé lại “A”, vẻ mặt rất vui! Anh Thành nhìn cảnh ấy cứ mỉm cười, gãi gãi đầu: “Tôi cũng chẳng hiểu gì hết, nhưng thấy vợ vui là tôi vui rồi!”.

***

16 năm vất vả, lo toan, nhiều lúc phải nhịn đói để dành cơm cho vợ con ăn nhưng anh Thành không hề than vãn. Tình yêu thương của Thành với người vợ đầu ấp tay gối vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Anh nói: “Bố tôi bảo phu thê như y phục, nhưng Quyên là tấm áo ân tình, tôi không thay, không bỏ được!”.

NGHI ANH

Kỳ tới: “Ai bảo đào hoa không thể giữ mình”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI