Cả thế giới sững sờ! Tội ác xộc thẳng vào chúng ta như thế sao? Lật lại chuỗi vụ tấn công tàn ác gần đây như vụ xả súng tại Munich (Đức), mọi người giật mình vì thủ phạm cũng là một người trẻ tuổi. “Sói đơn độc” là cách các chuyên viên xã hội học và tâm lý gọi những đối tượng đang “sống mòn”, chực chờ cơ hội giải thoát chính mình bằng cách hủy diệt người khác.
“Sói đơn độc” (lone-wolf) sống trong bầy đàn nhưng không chấp nhận hiện tại mà luôn khao khát một kiểu tự do khác với số đông vì không thể tìm thấy sự hòa hợp; tự cho mình có quyền phán xét, định đoạt những thứ không thuộc về mình bằng hành động tàn ác nhất. Satoshi Uematsu là một trong những “sói đơn độc”. Tháng Hai vừa qua, khi còn là nhân viên của cơ sở Tsukui Yamayuri En, Satoshi Uematsu từng viết thư gửi một quan chức, khẩn thiết yêu cầu hãy để cho người tàn tật ở đây… được chết, nếu không chính anh ta sẽ giết họ. Trong thư có đoạn: “Mục tiêu của tôi là hướng đến một thế giới, trong đó những kẻ tàn tật không thể sống ở nhà hay giao tiếp xã hội được thì nên hưởng cái chết ân huệ”.
|
Ngay sau khi gây án, Satoshi Uematsu đã đến đồn cảnh sát đầu thú - Ảnh: FACEBOOK |
Satoshi được cho là mắc chứng rối loạn tâm thần, bị cưỡng chế vào bệnh viện điều trị nhưng chưa đầy một tháng sau Satoshi xuất viện. Chẳng ai bận tâm đến những lời lẽ rợn người trong lá thư đó nữa, nhưng “mầm ác” thì vẫn ghim trong đầu Satoshi. Ác cảm với người tàn tật ám ảnh trong thời gian làm việc trước đó đã trở thành ngọn lửa thiêu trụi lương tri hắn. Suy nghĩ lệch lạc, tự trói mình trong định kiến và thù hận đã thôi thúc hắn diệt trừ người tàn tật. Đó chính là đặc trưng của “sói đơn độc” - tự cho mình quyền phán xét và thực thi cái gọi là “công lý”.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới, nên vụ thảm sát đã khiến không chỉ Nhật Bản mà cả thế giới rúng động. “Sói đơn độc” Satoshi Uematsu có nét tương đồng với “hikikomori” - những bạn trẻ cô đơn trong guồng quay của một xã hội quá phát triển, quá hiện đại, đến nỗi làm cho nhiều cá nhân cạn kiệt khả năng tương tác giữa người và người.
Họ tự tách mình khỏi xã hội, sợ giao tiếp và hòa nhập. Nghiên cứu của các nhà tâm lý học Nhật Bản chỉ ra, “hikikomori” vốn không chấp nhận những người ốm đau, cũng không chấp nhận sự phụ thuộc, từ đó nảy sinh tâm lý kỳ thị với đối tượng trên. Người Nhật không tin vụ án tàn bạo này lại có thể xảy ra nhưng nếu nhìn lại con số 700.000 “hikikomori” trong xã hội, họ sẽ thật sự khủng hoảng với ngọn lửa cuồng nộ âm ỉ…
Chưa đầy hai tuần, liên tiếp bốn vụ tấn công khủng khiếp xảy ra ở Đức - quốc gia châu Âu nổi tiếng với hệ thống an ninh chặt chẽ. Những tên sát nhân đều là “sói đơn độc”. Mới nhất là vụ tấn công tối 22/7, gã trai trẻ gốc Iran David Ali Sonboly (18 tuổi) bị rối loạn tâm thần đã nổ súng gần nhà hàng McDonald’s tại Munich làm chín người chết, nhiều người bị thương, trong đó có không ít trẻ em. Chỉ vài giờ trước đó, một người tị nạn 21 tuổi đến từ Syria đã dùng mã tấu tấn công người dân ở thành phố Reutlingen, Tây Nam nước Đức, khiến một thai phụ thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Trước đó, tối 18/7, một thiếu niên tị nạn 17 tuổi người Afghanistan dùng dao và rìu tấn công hành khách trên tàu hỏa ở Wurtzbourg, làm bị thương bốn người trước khi hắn bị cảnh sát bắn chết. Theo các chuyên gia tâm lý tội phạm, càng nhiều người tham gia vào một cuộc tấn công thì càng dễ thu thập thông tin cần thiết để ngăn chặn vụ việc. “Sói đơn độc” không hoạt động theo mạng lưới, không có đồng phạm, nên âm mưu tấn công của chúng thường khó phát hiện. Về mặt xã hội, “sói đơn độc” không tự dưng biến chuyển tâm lý sang cái ác, mà theo các chuyên gia, việc này xuất phát từ sự mục ruỗng, vụn vỡ lâu dài về tinh thần.
Cụ thể, những sát nhân trong bốn vụ tàn sát ở Đức đều là dân nhập cư, chất chứa nhiều vấn đề tâm lý, nhiều bức bối không thể giải tỏa. Theo các nhân viên điều tra, một năm trước, David Ali Sonboly từng thăm dò, chụp hình hiện trường gây án và âm thầm lên kế hoạch. David từng phải điều trị tâm lý vì chứng sợ giao tiếp. Nhân chứng kể lại, khi ra tay, hắn ta hét lớn những câu kỳ thị người nước ngoài, như là cách trút bỏ gánh nặng của chính mình, bởi hắn cũng là người nước ngoài sống nhờ vào lòng tốt của người dân bản địa.
|
Sự mục ruỗng trong tâm hồn đã biến David Ali Sonboly thành kẻ sát nhân - Ảnh: EXPRESS.CO.UK |
Không ít lần David nổi “cơn điên”, hét thẳng vào mặt bạn học, đe dọa giết họ. Ở nhà, David nghiện những game có nội dung báo thù, thảm sát và sưu tầm sách cùng thể loại. David sống cùng bố mẹ trong khu dân cư tập trung người tị nạn đến từ nhiều quốc gia. Từ nhỏ, David đã không thể hòa nhập được với cộng đồng mà sống co lại, tồn tại như “vô hình”, quan hệ với những người thân thiết nhất cũng rất lỏng lẻo. Bố David lái taxi, mẹ làm việc tại một cửa hàng. Nỗi lo sinh kế khiến họ xao lãng con cái, không biết bóng ma “sói đơn độc” đã bao trùm tâm tư đầy ẩn ức của con mình.
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Kathryn Seifert, “sói đơn độc” phần lớn là người trẻ tuổi, nên thật sự là một vấn nạn nguy hại và tàn khốc của thời đại. Để xóa bỏ hiện tượng “sói đơn độc”, cần có sự chung sức toàn diện, từ giáo dục, tư pháp đến hệ thống hỗ trợ sức khỏe tâm thần... Quan trọng hơn, nếu gia đình không còn là tổ ấm, sẽ thành nơi “sói đơn độc” thành hình trong tâm tưởng của con trẻ.
Thiên Như (Theo Asahi Shimbun, Slate, Guardian, AFP, Independent)