“Ráng cho ba mẹ nở mặt, nở mày”

12/08/2014 - 20:35

PNO - PNO - Mấy bữa nay gặp ai chị Tư của tôi cũng than: "Số vợ chồng tui khổ vì con cái. Mình muốn tốt cho con mà con cái chẳng hiểu lòng cha mẹ!".

edf40wrjww2tblPage:Content

Bé Thu, con gái lớn của chị năm nay thi đại học. Con bé có học lực trung bình khá, có khiếu vẽ và óc sáng tạo nên từ nhỏ đã mơ ước được trở thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng anh chị lại kiên quyết bắt con phải làm hồ sơ dự thi ngành Y. Mặc kệ Thu khóc lóc, năn nỉ, hết giải thích con không thích ngành y; con sợ khi nhìn thấy máu; con học không giỏi để thi y... Anh chị tôi vẫn không thay đổi quyết định. Anh tuyên bố: "Không thi y thì ở nhà làm công nhân, không học hành gì nữa". Chị mềm mỏng hơn thuyết phục: "Con cố gắng cho ba mẹ nở mặt nở mày!”. Nghe chị nói vậy, chị em trong gia đình ai cũng lắc đầu ngao ngán. Cũng vì “ráng cho ba mẹ nở mặt nở mày” mà nhà tôi có hai đứa cháu sắp 30 tuổi vẫn còn long đong.

Tám năm trước, dù đã luyện thi mất hai năm nhưng tổng điểm thi đại học của Dũng, con chị Ba vẫn chỉ lẹt đẹt dưới 8. Biết sức học của cháu nên tôi khuyên Dũng nên chọn học nghề nào Dũng thích ở một trường trung cấp nghề. Hơn ai hết, Dũng hiểu khả năng của mình nên quyết định sẽ theo học nghề cơ khí. Nhưng anh chị Ba lại kịch liệt phản đối và buộc Dũng phải nộp hồ sơ vào đại học ở một trường đại học tư thục. Biết chuyện ai cũng lắc đầu vì không biết Dũng sẽ học hành ra sao ở bậc đại học, và trường đại học kia đào tạo gì cho sinh viên khi đồng ý nhận cả những sinh viên có điểm thi đại học chỉ nhỉnh hơn nửa điểm sàn.

“Rang cho ba me no mat, no may”

Y như rằng, sau hơn ba năm, anh chị Ba điếng hồn thông báo: “Thằng Dũng chỉ tụ tập lêu lổng với đám bạn xấu cờ bạc, đánh nhau…Tệ hơn, nó đã bắt đầu dính dáng đến một băng nhóm chuyên đi đòi nợ thuê!”. Dũng thú nhận mình không muốn vào lớp vì không theo kịp bạn bè, không hiểu bài giảng của giảng viên nhưng lại không dám nghỉ học vì áp lực phải làm cho ba mẹ “nở mặt nở mày”. Tưởng đâu anh chị sẽ sáng mắt ra ai dè… họ lại tìm cách chạy chọt cho Dũng được vào học tại một trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức.

Gần bốn năm nữa trôi qua, hỏi Dũng chừng nào tốt nghiệp đại học, cháu cứ lần lữa ậm ừ cho qua chuyện. Học chưa biết đến đâu, chỉ biết giờ Dũng đã là bợm nhậu. Để có tiền ăn nhậu, Dũng vay mượn tất cả người thân, bạn bè của gia đình mà Dũng biết được. Gần ba mươi tuổi, tương lai của Dũng vẫn mờ mịt. Còn hiện tại của Dũng là đám bạn nhậu suốt ngày say túy lúy. Không ít lần trong lúc say xỉn, Dũng đã bộc lộ sự nuối tiếc: “Phải chi hồi đó đừng bị ép học đại học thì giờ này đời mình đâu có long đong”. Chị em trong gia đình biết chuyện khuyên anh chị Ba cho Dũng nghỉ học rồi kiếm việc gì cho Dũng làm, nhưng anh chị vẫn kiên quyết: “Nó phải ráng cho xong cái bằng đại học!” dù họ không biết chắc tới chừng nào thì xong.

Vinh, con trai của anh Hai tôi cũng rơi vào trường hợp tương tự. Thi đại học lần thứ hai Vinh mới đủ điểm để vào hệ cao đẳng nhưng anh Hai dứt khóat bắt con phải luyện thi lại. Miệt mài ba năm đèn sách, cuối cùng Vinh cũng sát điểm sàn để được vào đại học. Khi vào học rồi Vinh mới thấy mình đuối. Mỗi năm học Vinh nợ ít nhất 4-5 môn. Nhập học từ năm 2005 đến nay Vinh vẫn còn là sinh viên! Anh chị hai thì cứ du di: “Thôi kệ con mình chậm chạp hơn các bạn, cứ để nó học từ từ, rồi cũng tới lúc phải tốt nghiệp thôi!”. Trước tết chị Hai hốt hỏang gọi điện thọai lên Sài Gòn cho biết: “Thằng Vinh nhắn tin về báo nó bỏ học rồi. Biểu ba má đừng đi tìm, nó về nhà bạn chơi rồi về”.

“Rang cho ba me no mat, no may”

Tới lúc này anh chị Hai mới lên website của trường xem kết quả học tập. Cả hai té ngửa khi thấy môn học cao điểm nhất của Vinh chỉ đạt đến 5. Tới tận sau tết Vinh mới về nhà và thú nhận mình không đủ khả năng để theo học đại học vì các môn học quá khó. Vinh xin ba má cho thôi học để đi tìm việc làm ở quê. Câu chuyện tưởng đã có hồi kết thì cả nhà lại một phen chưng hửng khi anh chị Hai gọi điện thọai lên cầu cứu tôi: “Cô chú tìm cách giúp cháu, xin cho cháu đi học trở lại để nó kiếm cho được cái bằng đại học!”. Điện thọai hỏi ý Vinh, nó trả lời giọng bần thần: “Đó là ý ba mẹ, còn con hết sức chịu đựng rồi, bắt học nữa chắc con bỏ nhà đi luôn, khỏi về!”.

Nhắc lại hai tấm gương nhãn tiền vừa mới xảy ra để anh chị Tư thôi ép bé Thu “ráng làm cha mẹ nở mặt”, anh chị thản nhiên: “Tụi nó khác, con Thu khác. Mình là người lớn phải biết hướng dẫn, tư vấn cho con, tụi nó còn nhỏ biết gì, chỉ thích a dua thi trường này trường nọ theo bạn bè”. Anh chị không ngờ rằng con bé đã chia sẻ trên Facebook của nó: “Mình sẽ đăng ký dự thi theo đúng nguyện vọng của ba mẹ, tới chừng rớt cho ba mẹ sáng mắt ra. Muốn luyện thi 3 năm, 5 năm mình cũng luyện… Luyện…thi…tới chừng nào ba mẹ bỏ cuộc mình sẽ chọn con đường đi của mình!”.

PHƯƠNG MINH
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI