Sáng 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard đã có buổi làm việc với Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM ông Huỳnh Thành Đạt và ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Sau buổi làm việc, Giáo sư Drew Gilpin Faust đã có buổi thuyết trình đầy cảm hứng với sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM về chủ đề Nội chiến Hoa Kỳ.
|
Giáo sư Drew Gilpin Faust có buổi gặp gỡ báo chí Việt Nam sáng ngày 23/3/2017. |
Giáo sư Drew Gilpin Faust nói: "Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”.
Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó".
Những bước đi nhỏ của thành công lớn
Catharine Drew Gilpin sinh ngày 18/9/1947 và lớn lên ở quận Clarke, bang Virginia, trong thung lũng Shenandoah. Thời trẻ, bà thường được gọi là Drew. Cha bà, ông McGhee Tyson Gilpin, là chuyên gia nuôi ngựa.
Vì vậy, cùng ba người anh em trai, Drew lớn lên theo hình tượng một cô gái nổi loạn, thích chăn nuôi bò và học nhảy hơn thực hiện các công việc mà một cô gái bình thường hay làm.
Nhớ lại thời thơ ấu, Giáo sư Drew Gilpin Faust (69 tuổi), thường nhắc lại những cuộc tranh cãi với mẹ về chuẩn mực nữ tính. Mẹ của giáo sư, bà Catharine, luôn nhắc nhở cô con gái rằng “đây là thế giới của đàn ông, con yêu ạ, và con nên nhận ra điều ấy càng sớm càng tốt”.
Nhưng không, Giáo sư Faust rời khỏi nhà ngay từ khi còn rất nhỏ để theo học tại Học viện Concord, sau đó là một trường trung học dành cho nữ sinh ở Massachusetts, rồi đến trường đại học Bryn Mawr, nơi chuyên tạo ra các nhà lãnh đạo tương lai.
Một người bạn của bà, Elizabeth Warren, giáo sư luật tại Đại học Harvard, nhận xét: “Cô ấy được nuôi dạy để trở thành vợ của một quý ông giàu có ,nhưng thay vì vậy, cô ấy trở thành hiệu trưởng của một trong những ngôi trường danh giá nhất hế giới”.
Riêng Hiệu trưởng Faust cho biết: “Một trong những điều mà tôi nghĩ là đặc trưng cho thế hệ của tôi là luôn khiến bản thân ngạc nhiên về thành quả mà mình đạt được”.
|
Tôi không phải là "nữ hiệu trưởng" của trường Harvard mà là "hiệu trưởng" của trường Harvard |
“Tôi làm được nhiều hơn những gì đã nghĩ. Trước đây, nếu bạn hỏi rằng tôi muốn làm gì, tôi sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng ra mình sẽ tốt nghiệp tiến sĩ và làm giáo sư. Tôi chỉ bước từng bước một trong cuộc đời,” bà Drew Gilpin Faust thổ lộ.
Theo tiểu sử cá nhân, bà Drew Gilpin Faust nhận bằng cử nhân danh dự từ Đại học Bryn Mawr năm 1968, sau đó là bằng thạc sĩ (1971) và bằng tiến sĩ (1975) về văn minh nước Mỹ tại Đại học Pennsylvania.
Sự thôi thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam
Trong phần gặp gỡ báo chí sáng nay, GS Faust cho biết: bà lựa chọn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn làm việc vì bà là một nhà lịch sử và đây là một trường ĐH hàng đầu Việt Nam về vấn để sử học.
“Trước khi trở thành Hiệu trưởng ĐH Harvard, tôi là một giảng viên lịch sử trong suốt hơn 30 năm. Vì vậy tôi rất vui mừng có mặt tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Tôi sang thăm Việt Nam vì muốn tìm hiểu rõ hơn về Việt Nam, tìm hiểu thêm về tính năng động và sự phát triển ngoạn mục của Việt Nam trong thời gian gần đây” – Hiệu trưởng ĐH Harvard cho biết.
Theo bà, việc bà có mặt tại đây mang nhiều ý nghĩa. Bởi bà chưa từng vượt 8.000 dặm đặt chân đến những địa danh của Việt Nam nhưng những địa danh như Khe Sanh, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng luôn vang vọng trong bà. “Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng lại ở con chữ”.
GS Paust cho biết, Việt Nam trong tâm trí bà không phải là tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thệ hệ bà mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng.
|
Bằng cách mở rộng cánh cửa Đại học Harvard , chúng ta có thể tạo ra nhiều hơn thế hệ những nhà lãnh đạo tương lai |
Người phụ nữ quyền lực
Giáo sư Drew Gilpin Faust trở thành Hiệu trưởng của Viện Nghiên cứu Tiên tiến Radcliffe vào năm 2001 và bất ngờ trở thành ứng cử viên cho vị trí Hiệu trưởng Đại học Harvard danh tiếng sau khi giáo sư Lawrence Summers rời nhiệm sở năm 2006.
Năm 2007, Giáo sư Drew Gilpin Faust chính thức trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên trong chặng đường lịch sử 371 năm của Đại học Harvard.
Ngoài ra bà còn là giáo sư và quản trị viên của tổ chức giáo dục Ivy League, bà được biết đến nhiều nhất với công trình nghiên cứu về lịch sử miền Nam nước Mỹ.
Hai quyển sách nổi tiếng nhất của Giáo sư bao gồm “James Henry Hammond and Old South” xuất bản năm 1982 và “Mothers of Invention: Women of the Slaveholding South in the American Civil War” (1996).
Năm 2014, bà Drew Gilpin Faust xếp thứ 33 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn, với hình mẫu người phụ nữ hiện đại vượt qua định kiến xã hội để sống hết mình.
Người 'mở cánh cửa' Havard
Từ khi lên điều hành, Hiệu trưởng Drew Gilpin Faust luôn tích cực mở rộng cánh cửa Đại học Harvard cho mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ và những sinh viên từ gia đình nghèo khó.
|
Chúng tôi đẩy mạnh giáo dục cho phụ nữ vì đó là điều thông minh và có thể giúp thay đổi thế giới |
Các con số thống kê cho thấy vào trước năm 2007, khoảng 48% sinh viên đại học nhận được hỗ trợ tài chính; con số đó vào năm 2014 đã tăng lên mức 60%.
Khoảng 20% số lớp học có mức học phí thấp hơn 65.000 USD, vì vậy phụ huynh của sinh viên hầu như không phải trả bất cứ chi phí gì nhờ khoản hỗ trợ tài chính. Từ đó giúp thay đổi cơ cấu về nhân khẩu học của trường.
Ngoài ra, nhà trường còn cố gắng xác định những sinh viên tài năng nhưng chưa có cơ hội tham gia nghiên cứu chuyên môn tại các cấp giáo dục trước, nhằm dẫn dắt họ đến với nguồn lực tốt hơn, chẳng hạn như hệ thống phòng thí nghiệm.
Trong giai đoạn 2004 – 2014, số giảng viên nữ tại trường Harvard cũng tăng 25%, đạt mức 28% trên tổng số giảng viên tại trường. Bà Drew Gilpin Faust cam kết rằng con số này sẽ không ngừng tăng lên.
Trong bức thư gửi đến một người đồng nghiệp vào tháng 9/2016, Hiệu trưởng Drew Gilpin Faust viết: “Theo thời gian, Harvard đã chuyển đổi để chào đón phụ nữ, dân tộc thiểu số, sinh viên quốc tế, và sinh viên với tài chính hạn chế”.
“Thế nhưng nền văn hoá trường không thay đổi nhanh như cơ cấu nhân khẩu học của sinh viên. Vì vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để đạt được hình ảnh một môi trường học tập nơi mà tất cả các thành viên đều cảm thấy gắn bó và có thể phát triển toàn diện”.
|
Giáo dục bậc cao là chiếc thang vững chắc và mạnh mẽ nhất giúp tăng cường địa vị kinh tế - xã hội |
Cũng vì lý do này, bà Drew Gilpin Faust từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ sắc lệnh cấm người nhập cư của Tổng thống Donald Trump.
Hiệu trưởng Faust viết trong email gửi đến toàn thể cộng đồng Harvard: “Gần một nửa số hiệu trưởng của các trường thuộc cụm Đại học Harvard là người nhập cư từ Ấn Độ, Trung Quốc, Bắc Ailen, Jamaica, và Iran”.
“Lợi ích từ tài năng và năng lượng, kiến thức và ý tưởng của mọi người ở khắp các quốc gia trên thế giới không chỉ quan trọng cho Đại học; mà vẫn luôn là lợi ích quan trọng nước Mỹ”.
Bảo Tùng (Tổng hợp)