‘Nghệ thuật thất bại’ của Tổng thống Trump

25/05/2018 - 08:01

PNO - Bằng việc đề nghị hủy hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, các nhà bình luận đặt câu hỏi về kỹ năng đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong lá thư gửi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6.

Ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho rằng đây là quyết định "đường đột" và "rất đáng tiếc"; tuy nhiên vẫn để ngỏ mọi khả năng đàm phán với Mỹ và bất kỳ lúc nào, và dưới mọi hình thức.

‘Nghe thuat that bai’ cua Tong thong Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Slate/AFP/Getty Images

Mặc dù vậy, các nhà quan sát vẫn "mổ xẻ" kỹ năng đàm phán của Tổng thống Mỹ, khi bỏ lỡ sự kiện mà nhiều người kỳ vọng là mang tính "lịch sử" giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tạp chí Slate của Mỹ ví von ông Trump đã trao thắng lợi vào tay ông Kim, và đặt Hoa Kỳ vào thế cô lập trong vai trò một cường quốc thế giới.

Trong bức thư gửi cho lãnh đạo Triều Tiên, công bố gần như cùng lúc với thời điểm các phóng viên phương Tây chứng kiến ​​việc Triều Tiên phá hủy địa điểm thử hạt nhân, Tổng thống Mỹ viết rằng việc tiến hành hội nghị thượng đỉnh sẽ là "không phù hợp", vì ông Kim gần đây thể hiện “sự giận dữ và thù địch công khai” đối với Mỹ.

Như vậy, ông Trump có thể đã để lộ điểm yếu của mình trong vấn đề lịch sử ngoại giao với Bình Nhưỡng, cũng như lập trường lâu dài của ông Kim đối với các vấn đề hai bên quan tâm.

Tuyên bố của ông Trump dường như đã kéo ông trở lại giai đoạn cách đây vài tháng, khi ý tưởng đàm phán Mỹ - Triều manh nha, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên nhận định. Ông nhấn mạnh, vấn đề là “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, chứ không phải chỉ phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Sự rút lui của Tổng thống Trump gây khó hiểu, khi mà trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mới đây, ông còn nói muốn giải giáp Bình Nhưỡng ngay lập tức, một lập trường phản ánh quan điểm của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ông Trump có thể nghĩ rằng ông Kim bây giờ sẽ phải tự đi đến hội nghị. Trước hết, nhà đàm phán của ông Kim đe dọa rút lui, nói rằng không có gì để bàn thảo khi ông Trump ủng hộ Cố vấn An ninh Bolton so sánh công khai Triều Tiên với Libya, một quốc gia tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân của mình dẫn đến việc nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ và bị sát hại thảm khốc.

Thứ hai, bản thân ông Kim không cần hội nghị thượng đỉnh này để thể hiện thiện chí. Ông Kim đã xây dựng được hình ảnh một người tìm kiếm hòa bình, thông qua thông điệp Năm mới và tham gia Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, tham dự hội nghị thượng đỉnh của ông với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc, đề nghị gặp ông Trump, đình chỉ các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa và đề xuất “phi hạt nhân hóa”.

Nếu ông Trump đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến vào ngày 12/6 ở Singapore, và ông Kim không xuất hiện vì vẫn phản đối ý kiến của Bolton, thì khi đó, ông Trump có thể tự coi mình là người tìm kiếm hòa bình thực sự.

Ông Trump có thể mời các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản, và có thể cả Trung Quốc cùng với mình tổ chức một hội nghị thượng đỉnh an ninh thay vì hội nghị với ông Kim đã đổ bể, để thảo luận các bước tiếp theo ngăn chặn và cách ly Bình Nhưỡng.

Trong tình huống đó, ông Trump sẽ thu được một chiến thắng kép.

Sai lầm lớn của Tổng thống Trump là chấp nhận lời mời gặp mặt của ông Kim mà không thảo luận trước về những rủi ro và cơ hội tiềm tàng của nó với những người hiểu biết về những điều này. Sai lầm thứ hai - và cũng là sai lầm lớn hơn - của ông Trump là đặt "quá nhiều kỳ vọng" khi đăng tin trên Twitter rằng một hiệp ước hòa bình đã và đang xuất hiện ở chân trời, và ông xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình khi chỉ cần đồng ý gặp mặt ông Kim.

Nhiều nhà quan sát, đặc biệt là ở Nhật Bản, có thể đã thở phào nhẹ nhõm vào hôm qua, vì họ lo sợ rằng việc Tổng thống Mỹ quá háo hức tìm kiếm một thỏa thuận sẽ mang lại nhiều bất lợi.

Tổng thống Hàn Quốc, người rất quan tâm đến việc thống nhất hai miền Triều Tiên, nay có thể đi đên một thỏa thuận hòa bình riêng biệt, độc lập với ý muốn của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Trump khó có thể tiếp tục chiến dịch gây áp lực lên ông Kim nhằm dỡ bỏ mối đe dọa quân sự.

Vậy, kế hoạch B (dự phòng) của ông Trump là gì? Như thường lệ, dường như ông không có.

Hoàng Diệu (Theo Slate)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI