‘Lượng giá’ nào để áp dụng ‘chính sách hình sự đặc biệt’ với ông Phạm Nhật Vũ?

06/09/2019 - 13:24

PNO - Đó là cái giá không thể “lượng giá”, càng không thể quy đổi một cách sống sượng, bất chấp giữa sai và đúng, giữa tội phạm và “người có công”, giữa bóng tối và ánh sáng công lý.

Sự “nhạy bén”, “sáng tạo” của cơ quan điều tra trong việc đề nghị cho Phạm Nhật Vũ (cùng một số bị can khác) – bị can duy nhất bị truy tố tội đưa hối lộ trong thương vụ mua bán MobiFone – AVG hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” đã được chứng minh qua “thuật ngữ” chưa từng hiện diện trong bất cứ văn bản luật; và dĩ nhiên cũng chưa từng được áp dụng với bất kỳ đối tượng cụ thể nào, có giá sàn hối lộ “khủng” 6 triệu USD hay thấp hơn…

Và một trong những tình tiết được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “tích cực khắc phục hậu quả”, trong đó có việc “tự nguyện trả lại số tiền đã nhận gần 8.900 tỉ đồng góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước”.

Ông Nguyễn Như Tiến, nguyên đại biểu Quốc hội nói, đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải đưa càng nhiều người vào tù càng tốt. Mục tiêu là phải thu về tài sản do tham nhũng mà có, trả lại cho nhà nước và nhân dân…

Nhận thức và có xúc tiến việc trả lại tiền trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc hay chỉ “tự nguyện” khi không còn đường thoái lui hoặc không thể trốn thoát?

Vả lại, không thể lượng giá một hành vi phạm tội, lại là phạm tội “rất nghiêm trọng”, phạm tội có tính cấu kết nhóm để rồi quy đổi công – tội trong 6 ký tự bất thường ấy được.

Trả lại cho nhà nước, cho nhân dân mấy ngàn tỉ đồng hay nhiều hơn thế, như lời ông (nguyên) đại biểu Quốc hội là đã đạt mục tiêu. Thế còn tính chất, hành vi, mức độ, hậu quả của toàn bộ cuộc bán mua, tráo đổi, chiếm đoạt ấy, đã băng hoại, lũng đoạn kỷ cương bộ máy nhà nước này như thế nào; phá vỡ, hủy hoại tính chính danh của chính thể này ra sao; gây nên thái độ hoang mang, phẫn nộ, mất niềm tin của nhân dân đến mức nào, xin thưa sẽ phải “ lượng giá” nào, có mức giá nào quy đổi nổi?

Chỉ khi hoàn tất thương vụ mua bán, thanh toán hợp đồng đến 95% thì Vũ mới đút lót cho Son, cho Tuấn, cho Trà, cho Hải. Nhưng Trà khai, thúc bách ký kết là để “giữ ghế” và được “ lại quả” 2,5 triệu USD.

Một phi vụ, một giao dịch mua thì phải có bán. Một tội danh nhận hối lộ được xác lập thì đương nhiên tội đưa hối lộ đã hình thành. Qua thương vụ MobiFone – AVG, đó còn là ví dụ điển hình của cuộc cấu kết tham nhũng của giới chóp bu.

Theo Minxin Pei, tác giả của cuốn Tư bản thân hữu Trung Quốc, ông gọi đó là “tham nhũng cấu kết”, diễn ra trong quan chức – doanh nghiệp, quan chức (cấp trên) – quan chức (cấp dưới), cùng với sự hỗ trợ, giúp sức, liên kết với quan chức ngoài ngành nhưng trong cùng hệ thống quyền lực.

Cái quy trình “ma ma phật phật” ấy, cái quá trình thay ruột, đổi vỏ ấy, trong vụ mua bán MobiFone – AVG, ngoài tác hại lây lan bệnh dịch tham nhũng thì mối nguy họa chính là đạt được mục đích tư nhân hóa tài sản nhà nước mà anh em sinh đôi là mục tiêu tư nhân hóa quyền lực nhà nước.

Lũng đoạn chính trị, bất ổn xã hội bắt rễ từ đây.

Và đó là cái giá không thể “lượng giá”, càng không thể quy đổi một cách sống sượng, bất chấp giữa sai và đúng, giữa tội phạm và “người có công”, giữa bóng tối và ánh sáng công lý.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI