Dù đối tượng là đối tác, đồng nghiệp, nhà báo hay đơn giản là bạn bè, Vĩnh cũng cứ “thẳng tưng” như thế.
Cái lối “thẳng tưng” đó khiến người đối diện cảm nhận được ở kiến trúc sư sinh năm 1982 sự tự tin với những gì mình nói và xa hơn là những gì
mình làm.
Giống như rất nhiều kiến trúc sư khác, Tạ Tiến Vĩnh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau thời gian đó, anh phân vân về việc có nên đi học tiếp ở nước ngoài hay “vào nghề” ngay. Nhưng một người bạn thân cũng là đồng nghiệp khi đó đang theo học kiến trúc ở Đức lại khuyên Vĩnh đừng đi mà hãy làm nghề đã. Tin tưởng đặc biệt ở người bạn này, Vĩnh quyết định “chiến đấu” luôn.
Sau thời gian làm thuê ở những studio kiến trúc có tiếng tại Việt Nam, Vĩnh mở công ty riêng Landmak cùng vài người bạn năm 2008. Nếu bạn truy cập vào website của công ty này, sẽ thấy rất nhiều dự án quy mô cỡ khu nghỉ dưỡng, khu đô thị... Nhưng thực tế trong gần ba năm trời, Tạ Tiến Vĩnh và đồng sự của anh không hiện thực hóa được bất cứ dự án nào trong số đó.
“Có rất nhiều lý do khiến những dự án đó không thể triển khai. Khách quan có và chủ quan có. Nhưng có lẽ một phần không nhỏ là chúng tôi đã nuôi những giấc mộng quá lớn và quá xa so với những gì mình có thể và nên làm khi đó,” Vĩnh giải thích.
Lập công ty riêng mà trong khoảng thời gian khá dài không hiện thực được dự án quy mô nào, điều này không khỏi khiến nhóm kiến trúc sư trẻ băn khoăn thậm chí ít nhiều hoang mang… “Chúng tôi đổ vào các bản vẽ đó không ít tâm huyết và sự kỳ vọng ở những giá trị cấp tiến, tích cực cho bộ mặt kiến trúc nói chung. Thực tế những bản vẽ này không chỉ được các nhà đầu tư mà anh em đồng nghiệp cũng đánh giá cao nhưng gần như không một dự án nào triển khai được khiến anh em có nhiều lúc khá ức chế”.
Trong bối cảnh đầy thách thức đó, Vĩnh đi tìm câu trả lời cho mình. Vì sao những công trình đầy tâm huyết kia lại không thể hiện thực?
Đúng lúc đó, Tạ Tiến Vĩnh nhận được những lời mời thiết kế nhà dân. “Tôi thực sự không quá mặn mà nhưng cuối cùng vẫn nhận lời vì cũng muốn thử sức mình xem sao”. Và chính phép thử này đã giúp anh cùng các cộng sự tìm ra câu trả lời cho mình.
Liên tiếp trong khoảng bốn năm nay, các công trình như Extended House, Viet Pavilion, Cocoon House hay Can Tho House gây chú ý với giới kiến trúc sư trong nước. Các công trình này được nhiều tạp chí chuyên môn nước ngoài giới thiệu và đánh giá cao. Và tất cả đều do Tạ Tiến Vĩnh cùng đồng sự thiết kế.
Điểm không khó nhận ra ở những công trình này là sự phá cách, xử lý vừa tinh thế vừa rất quyết đoán về không gian. “Phía sau mỗi công trình mà chúng tôi hoàn thành là một cuộc “chiến đấu” thực sự giữa tôi và gia chủ. Không phải ai cũng chấp nhận được những phương án thiết kế của chúng tôi, thậm chí khi công trình đã hoàn thành, nhiều gia chủ vẫn băn khoăn. Nhưng khi ký hợp đồng, tôi luôn đưa ra điều khoản rõ ràng: nếu bản thiết kế bị chỉnh sửa dù chỉ một chi tiết, chúng tôi sẽ ngừng làm việc”. Vĩnh cho biết.
Sự quyết đoán tới mức độc đoán đó khiến không ít khách hàng kêu trời khi làm việc với Tạ Tiến Vĩnh. Nhưng đổi lại, khi công trình đã hoàn thành, khi họ đã cảm nhận được giá trị của công trình, giữa những vị khách hàng ban đầu là xa lạ với chàng kiến trúc sư trẻ đã hình thành một tình bạn đặc biệt.
Với Tạ Tiến Vĩnh, triết lý kiến trúc là ngôi nhà đẹp phải là ngôi nhà xứng đáng để ở. Và ngược lại, người ở trong ngôi nhà cũng phải hiểu được giá trị của nó. “Công trình Extended House chúng tôi mất 5 năm hoàn thành. Trong 5 năm đó, gia chủ đã không ít lần xung đột với nhà thiết kế. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, cả chủ nhà và nhà thiết kế, để cuối cùng khi công trình hoàn thành, nó đã đem lại cho chủ nhà một điều cực kỳ giản dị nhưng lại tối quan trọng: cảm xúc đi đâu cũng chỉ muốn sống ở ngôi nhà của mình.”
|
|
Có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng và ứng dụng rõ nét phong cách kiến trúc Bauhaus trong các công trình của Vĩnh. Đó là những xử lý hình khối chặt chẽ, những “nhát cắt” dứt khoát nhưng tạo ấn tượng mạnh cho công trình và không gian. Nhưng lối thiết kế có vẻ lạnh lùng đó lại được “tưới mát” bằng những giá trị bản địa rất ấn tượng. Đó là những chi tiết cột kèo, những chất liệu dân gian như tranh Đông Hồ, là gạch đá ong hay chạm khắc Đồng Kỵ. Và đặc biệt, tất cả đều rất nguyên bản khi được ra đời từ chính bàn tay những nghệ nhân làng nghề.
“Giá trị Việt ứng dụng cho kiến trúc rất đa dạng nhưng ứng dụng như thế nào thì lại là chuyện không hề dễ”, Tạ Tiến Vĩnh nhận định. “Anh cố áp đặt sẽ thành kệch cỡm, anh copy/paste quá khứ cho hiện tại sẽ không phù hợp nhu cầu cuộc sống hôm nay. Chính vì thế, để ứng dụng anh phải thực sự thấu hiểu những chất liệu đó và lựa chọn đúng chỗ để đặt chúng vào công trình cho hài hòa”.
Giờ đây, cái tên Tạ Tiến Vĩnh đã có một uy tín nhất định trong làng kiến trúc Việt. Vĩnh được đánh giá là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ kiến trúc sư mới của nước nhà với tinh thần cấp tiến và đặc biệt là sự dũng cảm, quyết tâm thay đổi quan niệm thẩm mỹ về kiến trúc của người Việt.
Tôi hỏi Tạ Tiến Vĩnh, liệu có bao giờ anh nghĩ những vấp ngã, sai lầm trong quá khứ có thể đem lại giá trị cho tương lai? “Chẳng có thành công nào mà không có dấu ấn của sai lầm và thất bại. Tôi tin như vậy”.
Độc Cầm