“Khoán” con cho trường

28/11/2013 - 11:47

PNO - PN - Dù không phải là số đông nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh có suy nghĩ phó mặc hoàn toàn việc chăm sóc và dạy dỗ con mình cho nhà trường, thậm chí cả chuyện ăn uống...

edf40wrjww2tblPage:Content

Người giàu cũng nợ

Câu chuyện cô bé lớp 2 vì gia đình chậm đóng tiền nên không có suất ăn phải đứng ngoài cổng trường gần đây đã rõ cái lỗi và sự cứng nhắc của nhà trường. Nhưng, công bằng mà nói, nếu như sau khi được nhắc nhở, phụ huynh quan tâm hơn đến chuyện của con ở trường, kịp thời làm tròn trách nhiệm của mình thì đã không xảy ra sự việc. Một người chậm trễ không sao nhưng nhiều người chậm trễ thì các trường biết tìm nguồn ở đâu để bù vào?

Ở trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) dù ngay khu vực trung tâm, có mặt bằng phụ huynh tương đối khá giả, cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Một học sinh đang học lớp 5 mà cả năm phụ huynh không đóng bất kỳ khoản tiền nào, từ tiền ăn (gần 700.000đ/tháng) đến học tiếng Anh tăng cường, môn tự chọn… Đến khi em hoàn thành xong lớp 5, số tiền mà phụ huynh em nợ lên đến hơn 10 triệu đồng. Năm nay, em đã lên lớp 6, tất nhiên số tiền đó trở thành món nợ khó đòi, dù phụ huynh của em rất khá giả.

ThS Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng trường cho biết: Bậc tiểu học, học phí không phải đóng nhưng còn tiền ăn, bán trú, học tiếng Anh tăng cường và các môn tự chọn, nhà trường không tìm ra nguồn nào để bù đắp. Những trường hợp khó khăn đều được nhà trường tìm các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng khoảng 40-50 suất; phụ huynh của trường hỗ trợ thêm tiền ăn và tiền học cho khoảng 10 em khác nữa… Thực tế, có những phụ huynh không hề khó khăn nhưng cứ ỷ lại, không thèm quan tâm bất cứ chuyện gì liên quan đến con mình. Trường nào cũng gặp cảnh này, không nhiều thì ít.

Bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà nói: Thực tế, nhiều em học yếu và quậy, gia đình không quản được thì đem gửi vào các trường tư, đóng tiền rồi “bỏ đó”, không thèm quan tâm, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Tết Nguyên đán năm nào cũng có những học sinh không được về nhà vì cha mẹ không đến đón, phải ở lại trường ăn Tết, dù có thầy cô bên cạnh nhưng chẳng em nào cười nổi. Đó là chưa kể, nhiều người gửi con mà phó mặc tất cả cho nhà trường, có trường hợp do hoàn cảnh khó khăn thật nhưng cũng có trường hợp không lý giải được nguyên nhân. Do vậy, năm nào trường cũng “đành” miễn học phí và tiền ăn hơn một tỷ cho những em bị cha mẹ “bỏ quên”.

Ở bậc học thấp hơn, việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ, nhiều cha mẹ cũng phó thác cho nhà trường. Nhiều nhóm lớp mầm non, nhóm trẻ gia đình phải nhận giữ trẻ từ 6-7 giờ sáng đến tận 6 giờ tối để đáp ứng nhu cầu việc làm của cha mẹ của trẻ. Mọi sinh hoạt chính trong một ngày của trẻ dường như diễn ra tất tần tật ở trường, cô giáo ở lớp chẳng khác nào vú em.

“Khoan” con cho truong

Ngày cuối tuần, nhiều học sinh nội trú vẫn ở lại trường - Ảnh chụp chiều 24/11 tại trường THCS Hồng Hà

Mong phụ huynh quan tâm đến con hơn

“Không ít phụ huynh chỉ có nhiệm vụ đưa con đến trường, hết giờ đón về mà không quan tâm hôm nay con học gì, chơi gì, cảm nhận của con thế nào. Ngoài nghĩa vụ đóng các khoản phí cho con, cha mẹ nên quan tâm trò chuyện với con trẻ để tránh những sự cố đáng tiếc. Đặc biệt, phụ huynh không hiểu nhu cầu của trẻ mà cứ áp đặt những mong muốn chủ quan, tạo thành áp lực cho con trẻ là điều rất tai hại. Thay vì trách con mình học dở hơn bạn, cha mẹ nên dành thời gian để cùng ôn bài với con hơn là tiếp tục gửi con vào các lớp học thêm, luyện thi. Khi con có thành tích kém, thay vì cùng nhà trường tìm cách giúp con tiến bộ, phụ huynh lại gây áp lực làm đơn để đổi giáo viên…”, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) thẳng thắn chia sẻ.

Lứa tuổi học sinh có rất nhiều biến chuyển về tâm sinh lý nên sự thiếu quan tâm của gia đình sẽ để lại một khoảng trống lớn trong quá trình phát triển của các em. Sự thiếu hụt đó không thầy cô giáo nào có thể bù đắp được. Trong quá trình tư vấn, trò chuyện với học sinh, các phòng tư vấn tâm lý học đường phát hiện các em gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc học, tâm lý. Không ít trường hợp cần phải có sự phối hợp của gia đình để tháo gỡ nhưng khi liên hệ thì phụ huynh cứ báo bận.

Cô Nguyễn Thị Út, chuyên viên tâm lý Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh) nói: Khi các em lên THCS và THPT, cha mẹ tưởng các em đã lớn, đã tự chăm sóc bản thân được là chưa đúng. Ở lứa tuổi này, các em không cần cha mẹ đút cơm, dỗ ngủ nhưng lại cần sự quan tâm, được trò chuyện và lắng nghe nhiều hơn vì các em đang thay đổi từng ngày. Nếu thiếu sự quan tâm của gia đình, các em sẽ co mình lại, dễ dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc. “Có một học sinh nữ thường xuyên cãi nhau với bạn, thậm chí leo tường trốn khỏi trường. Giám thị phát hiện, em giải thích nghe rất đau lòng: Con phải vi phạm để thầy mời phụ huynh, may ra mẹ con mới vào với con”, bà Kim Sa kể.

Ngành giáo dục mà cụ thể là nhà trường không thể ôm hết mọi việc. Rõ ràng đang có tâm lý “khoán” con cho nhà trường, đến khi có chuyện thì đổ lỗi cho giáo viên mà ít phụ huynh chịu tự đặt câu hỏi: mình đã làm tròn trách nhiệm với con, với nhà trường chưa?

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI