Ðiếc vì HEADPHONE

12/02/2017 - 12:38

PNO - Nhiều trẻ đang ở độ tuổi đi học phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1 TP.HCM vì thính lực suy giảm nghiêm trọng. Thủ phạm chính là headphone (tai nghe).

Đeo máy trợ thính vì nghiện headphone

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 TP.HCM, cho biết đa phần các bệnh nhi tới khám thính lực do nhà trường phát hiện rồi đề xuất với phụ huynh. Những trường hợp này đa số ở độ tuổi từ 5 đến 15 và cùng điểm chung là “nghiện” nghe nhạc bằng headphone. Bác sĩ Như đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 20 trường hợp như vậy.

Trong số các bệnh nhi bị giảm thính lực vì “nghiện” headphone, mới nhất là trường hợp của bé P.T.H., học lớp 2, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Giáo viên phát hiện bé H. hay viết sai chính tả, khi cô đọc cho chép bài, bé thường hỏi lại. Chuyện trò với thầy cô, bé H. thiếu tập trung, thỉnh thoảng nhắc lại câu người khác nói.

Ðiec vi HEADPHONE
 

Qua điều tra bệnh sử, cha mẹ bé H. mới kể rằng, tối nào bé cũng cắm headphone vào ipad hoặc điện thoại để xem phim, nghe nhạc. May mắn nhà trường và gia đình phát hiện sớm nên thính lực của bé H. mới tổn thương mức nhẹ. Bệnh nhi được cho dùng thuốc hỗ trợ phục hồi và bảo tồn tế bào thần kinh trong tai để bệnh không tiến triển nặng.

Liên quan đến giảm thính lực do “nghiện” nghe headphone, bé H.M.T., học lớp 8, ngụ Q.Gò Vấp tới khám trong tình trạng giảm thính lực độ 2 (mức độ giảm thính lực được chia làm 4 độ). Sau khi thăm khám, BS Như xác định ca bệnh này không có cách điều trị đặc hiệu, thính lực khó phục hồi như cũ, chỉ còn cách đeo máy trợ thính để cải thiện khả năng nghe.

Tương tự trường hợp bé H., cha mẹ bé T. không hề biết sức nghe của con kém đi. Tới khi giáo viên phản ánh T. thiếu tập trung trong lớp, ngoài giờ học là đeo headphone, phụ huynh mới đưa con đi khám. 

Nghe headphone kéo dài, thính lực sẽ “biến mất”

Xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện giải trí như điện thoại, headphone kết nối internet trở nên phổ biến. Ngày nay, một đứa trẻ 3-4 tuổi cũng có thể tự cắm tai nghe vào các thiết bị điện thoại di động, ipad, mở phim, nghe nhạc, chơi game. Khác với người lớn, tự ý thức được thời gian sử dụng headphone và kiểm soát âm lượng nghe vừa phải, trẻ em lại dễ bị cuốn hút, sa đà vào âm thanh.

Trên thị trường có rất nhiều loại headphone, đủ mức giá. Nếu mua phải chiếc headphone chất lượng kém, độ khử âm không tốt, khi sử dụng bị ồn. Vì ồn, không nghe rõ nên trẻ phải bật tiếng to hơn mức cần thiết mới nghe được. Nghe âm thanh lớn trong thời gian kéo dài sẽ làm tổn thương các tế bào thính giác, khiến thính lực giảm từ từ.

Ðiec vi HEADPHONE
Ảnh minh họa

Theo BS Nguyễn Tuấn Như, ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, nhưng trên thế giới tỷ lệ người bị điếc mỗi năm tăng từ 5-10%. Hầu hết các đối tượng bị giảm thính lực đều liên quan tới tiếng ồn, có thói quen nghe nhạc to, “nghiện” sử dụng headphone.

BS Như lưu ý: nếu điều kiện không cho phép, trẻ phải sống trong môi trường cạnh công xưởng, nhà máy (nơi nhiều tiếng ồn), cần bảo vệ thính lực cho bé bằng cách sử dụng nút tai. Phụ huynh nhớ theo dõi, nhắc nhở con hạn chế nghe nhạc quá to. Trong trường hợp cần dùng headphone, cố gắng chọn loại tốt, độ khử ồn cao, âm thanh rõ.

Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như hay nhắc lại, hỏi lại lúc nói chuyện, mở tiếng ti vi lớn hơn bình thường... gia đình cần đưa bé đi khám để được kiểm tra thính lực. Tại BV Nhi Ðồng 1, kiểm tra thính lực cho mỗi trường hợp mất khoảng 60 phút. Trước tiên, các bác sĩ sẽ khám để loại trừ bệnh lý vùng tai, kế đó mới tiến hành đo ngưỡng nghe của trẻ. Nếu phát hiện chậm trễ bệnh nhi có nguy cơ bị điếc không hồi phục.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI