Nhiều ý kiến lo ngại chủ đầu tư đang hưởng lợi lớn từ chương trình chuyển đổi này.
Lãng phí
Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2017, tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ công tác TĐC là 39.991 căn nhà, nền đất. Trong đó, các quận, huyện đã bố trí TĐC cho người dân được 26.625 căn, nền đất. Như vậy còn lại đến 14.366 căn nhà, nền đất trên địa bàn TP.HCM đang bỏ hoang.
Báo cáo chỉ rõ hai khu TĐC: Thủ Thiêm (Q.2) và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) là hai khu TĐC lớn nhất TP đang gây lãng phí nhiều nhất vì các dự án đã đầu tư xây dựng chưa phù hợp nhu cầu thực tế.
|
Hàng nghìn căn hộ TĐC Thủ Thiêm xây xong bỏ hoang |
Trong đó, tại khu TĐC Thủ Thiêm, đến cuối năm 2016, TP.HCM mới chỉ mua lại 6.714 căn đã xây dựng xong và đưa vào bố trí TĐC cho người dân. Nhưng đến cuối tháng 8/2017, chỉ mới bố trí TĐC được 1.759 căn hộ cho người dân vào ở; 1.080 căn giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.2 để đưa vào sử dụng; còn tồn đọng đến hơn 3.700 căn hộ chưa có người ở.
|
Nhiều hạng mục của dự án đang xuống cấp nghiêm trọng |
Còn tại khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đến cuối tháng 11/2017 mới chỉ bố trí được 479/1.939 căn hộ cho người dân vào ở. Do quá ít người vào ở nên nhiều căn hộ tại đây đã xuống cấp, đường nội bộ hư hỏng. Các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học xây xong cũng bỏ hoang gây lãng phí nhưng ngân sách Nhà nước vẫn phải chi cho việc quản lý, vận hành.
Chủ đầu tư đang hưởng lợi?
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều dự án TĐC không người ở tại các khu đất “vàng” đang được chuyển thành nhà ở thương mại bán với giá cao chót vót.
Đó là khu TĐC do Công ty Thuận Việt làm chủ đầu tư hiện đang được rao bán theo diện nhà ở thương mại với tên gọi dự án New City. Ở khu vực tầng trệt của dự án, nhiều cửa hàng tiện ích, cà phê, thức ăn nhanh đã tổ chức hoạt động.
|
Dự án TĐC New City được chuyển đổi sang nhà ở thương mại không qua đấu giá mà thông qua hình thức thu tiền sử dụng đất |
Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi mua, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản cho biết giá bán khoảng từ 40 triệu - 65 triệu đồng/m2 (khoảng 2 tỉ - 3,5 tỉ đồng/căn). Được biết dự án có tổng cộng khoảng 1.300 căn. Như vậy, nếu bán hết số căn hộ này, chủ đầu tư có thể thu về khoảng từ 3.500 tỉ - 4.200 tỉ đồng.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, trước đây khi đóng góp ý kiến xây dựng các khu TĐC, các sở, ngành, quận, huyện đồng ý phương án xây nhà TĐC nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho người dân và thực hiện chính sách giãn dân. Nhưng khi dự án hoàn thành thì người dân lại không muốn nhận nhà.
Để giải quyết thực trạng hiện nay, theo vị lãnh đạo này cần cho phép các chủ đầu tư chuyển sang nhà ở thương mại để thu hồi vốn. Bởi một số dự án TĐC được xây dựng bằng tiền của doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại khu TĐC Q.2 được đầu tư xây dựng theo phương thức nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện, sau đó thanh toán bằng quỹ đất khác cho chủ đầu tư.
Theo các chuyên gia bất động sản, để tránh bị trục lợi, thất thoát, không nên thực hiện việc chuyển đổi bằng hình thức thu tiền sử dụng đất mà nên tổ chức đấu thầu, bán đấu giá công khai dưới sự giám sát của nhiều tổ chức, đơn vị.
Nhiều khuất tất trong công tác quản lý
Trong báo cáo trên, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý. Cụ thể, công tác quản lý, điều hành chưa phát hiện hết các sai sót về khối lượng, đơn giá trong hồ sơ thanh quyết toán; việc nghiệm thu, bàn giao, thanh lý hợp đồng thẩm định giá không bảo đảm quy định...
Nên để dân tự lo chỗ ở?
Làm nhà tái định cư diện tích lớn, gần trung tâm, tiền đền bù dân nghèo không đủ để mua. Còn làm dự án quá xa trung tâm thành phố dân không mặn mà vô ở vì xa nơi sinh hoạt, làm việc. Hậu quả, nhà TĐC “ế”, xuống cấp. Chính quyền chỉ còn cách đập bỏ hoặc chuyển sang nhà ở thương mại bán giá cao. Cuối cùng người dân bị giải tỏa vẫn không được hưởng lợi gì.
Chính sách của Nhà nước là giúp dân có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nên tôi cho rằng giải pháp tốt nhất là chấm dứt ngay cơ chế TĐC vì những nguy cơ lãng phí và trục lợi. Đồng thời đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân theo đúng cơ chế thị trường, thậm chí có thể cao hơn 20% - 30%. Còn lựa chọn nhà nào, ở đâu là quyền quyết định của người dân, không nên áp đặt buộc người dân phải ở nhà TĐC do Nhà nước xây.
Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội xây dựng Việt Nam
|
Phan Trí - Bích Trần