“Hạn ngạch rác” cho người leo núi Everest

04/03/2014 - 20:30

PNO - PNO - Mùa leo núi Everest sắp bắt đầu với quy định mới buộc người leo núi mang rác cá nhân khi trở xuống, cùng việc có thêm nhân viên an ninh sẵn sàng hỗ trợ người leo núi.

“Han ngach rac” cho nguoi leo nui Everest

Một cuộc dọn rác trên núi Everest - Ảnh: artmandu.org

Ông Maddhu Sudan Burlakoti, một quan chức thuộc Bộ Du lịch Nepal ngày 4/3 cho biết những người leo núi cao hơn trại căn cứ sẽ bị buộc phải mang xuống ít nhất 8kg rác cá nhân và nộp cho các quan chức đóng tại đó.

Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Nepal nhằm dọn dẹp đỉnh núi cao nhất thế giới, vốn thu hút hàng trăm người leo núi phương Tây và là một nguồn thu nhập ổn định cho nền kinh tế địa phương và quốc gia, nhưng cũng là nơi sản sinh ngày càng nhiều rác thải.

Hiện tại, các nhóm leo núi đã được yêu cầu mang rác xuống nếu không muốn mất 4.000 USD tiền đặt cọc, nhưng quy định này không có mấy tác dụng do không được thực thi rộng rãi và triệt để.

Hơn 4.000 người đã leo đến đỉnh Everest cao 8.850 m kể từ khi nó được nhà leo núi Edmund Hillary và hướng dẫn viên người Sherpa Nepal tên Tenzing Norgay chinh phục vào năm 1953. Năm tháng trôi qua, những người leo núi đã xả hàng tấn rác trên các sườn núi, và một số người đã gọi ngọn núi này là “bãi rác cao nhất thế giới”.

Ông Burlakoti nói các quan chức cắm tại trại căn cứ sẽ kiểm tra người leo núi nhằm đảm bảo họ mang xuống bao bì thực phẩm, lều bạt, dây thừng, quần áo, móc sắt, bình ga. Những người làm theo quy định sẽ được cấp biên nhận và dùng biên nhận đó để nhận lại tiền đặt cọc.

Chính phủ Nepal cũng đang mở một văn phòng liên lạc tại trại căn cứ với một đội ngũ nhân viên túc trực suốt mùa leo núi, vốn thường bắt đầu vào tháng 4 hàng năm. Họ sẽ hỗ trợ người leo núi và giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa những người leo núi và theo dõi tình hình rác thải trên núi.

Năm ngoái, một vụ ẩu đả xảy ra giữa những người leo núi phương Tây và các hướng dẫn viên bản địa trên núi đã gây ra những lo ngại về an ninh.

Giới chức Nepal cho biết các quy định mới sẽ góp phần bảo vệ môi trường, cái thiện việc quản lý người leo núi và đảm bảo an toàn tốt hơn cho họ khi số lượng người leo lên “nóc nhà thế giới” đang ngày một gia tăng.

Nepal có tám trong 14 đỉnh núi cao nhất thế giới.

HUY KHANG (Theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI