‘Giải mã’ đường đen - Bài 2: Bổ thật hay bổ ngửa?

23/07/2018 - 15:00

PNO - Liệu sữa tươi trân châu đường đen có thật sự bổ giống như nhiều người đang nghĩ khi mà mỗi ly giá chỉ từ 12.000 – 35.000đ (tùy vị trí, quy mô cửa hàng)?

Sữa tươi trân châu đường đen tạo nên cơn sốt không phải vì lạ rồi từ từ hạ nhiệt giống như “xoài lắc” hay nhiều món ăn vặt khác. Mà đây là thức uống được đánh giá an toàn, bổ dưỡng, tốt sức khỏe mà nhiều người dùng để thay thế trà sữa trân châu – một loại thức uống được báo chí phản ánh chứa nhiều nguyên liệu không tốt cho sức khỏe trong thời gian qua.

Đủ xuất xứ

Hiện loại đường đen dùng để nấu trân châu có đủ xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam.

Tại cửa hàng Kho nguyên liệu pha chế (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM), đường đen Hàn Quốc được rao bán với giá 75.000đ/ký. Nếu mua sỉ 20 ký sẽ có giá 70.000đ/ký và 200 ký sẽ có giá 65.000đ/ký. Theo quan sát, trên bao bì sản phẩm chi chít tiếng Hàn, không có nhãn phụ và thông tin nhà nhập khẩu, phân phối theo quy định.

Cũng tại đây, nhân viên cho biết còn có đường đen Đài Loan giá 65.000đ/ký. So với đường đen Hàn Quốc, đường đen Đài Loan có giá rẻ hơn. Bên ngoài bao bì sản phẩm cũng chỉ dán một tờ giấy nhỏ ghi tiếng Hoa, hoàn toàn không có thông tin tiếng Việt.  Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, sản phẩm đưa ra thị trường mà không có nhãn phụ là sai quy định, có dấu hiệu của hàng nhập lậu.

‘Giai ma’ duong den - Bai 2: Bo that hay bo ngua?
Đường đen được quảng cáo nhập từ Hàn Quốc nhưng không hề có thông tin nhà nhập khẩu, phân phối.

So hai loại thì đường đen Hàn Quốc có giá cao hơn và được cho là ngon hơn, vị ngọt đậm đà hơn. Qua quan sát, đường đen Hàn Quốc có hạt to rõ, rời nhau, trông bắt mắt hơn. Trong khi đó đường đen Đài Loan hạt nhìn không bắt mắt bằng.

“Đường đen Hàn Quốc thì nhà sản xuất đóng gói từng ký. Riêng đường đen Đài Loan chúng tôi nhập nguyên bao rồi sang chiết ra bao kiếng nên nhìn kém bắt mắt hơn” – chủ cửa hàng này giải thích.

Khác với những gì chuyên gia nói, đường đen là đường đầu tiên từ mật mía, sau khi xử lý tẩy trắng mới ra đường cát trắng thì nhân viên tại đây khẳng định: “Sau khi đã chiết xuất ra đường cát, đường phèn, cuối cùng màu mật mía không còn sáng nữa mà chuyển sang đen nên cho ra đường đen”.

Trong thời gian chúng tôi ở đây, thỉnh thoảng có vài người đến lấy vài bao đường đen chất lên xe rồi phóng đi, chứng tỏ địa chỉ này cung cấp đường đen cho rất nhiều hàng quán trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài loại đường đen dạng hạt mịn như đường cát, hiện trên thị trường còn có loại Syrup đường đen (còn gọi là siro). So với đường hạt, siro có giá khá cao, 90.000đ/lít nhưng nguồn gốc về sản phẩm cũng rất mập mờ.

Tại cửa hàng Nam Hương – chuyên cung cấp sỉ nguyên liệu trà sữa Thái Lan (đường Số 21, Q.9, TP.HCM), chúng tôi được giới thiệu thùng siro loại 5 lít màu trắng được cho nhập từ Hàn Quốc. Bên ngoài thùng chỉ dán duy nhất tờ giấy trắng nhỏ xíu, chữ in trên giấy lem nhem, cáu bẩn.

Mặc dù khẳng định đây là siro nguyên chất – giống mật mía đường đen tại Việt Nam, song khi dò thông tin in trên nhãn phụ thì thấy sản phẩm gồm có nước, muối, chất bảo quản, hương liệu, màu caramel.

Đặc biệt lại ghi hàng chữ “Made in Taiwan” thay vì “Made in Korean”. Khi chúng tôi thắc mắc, chủ cửa hàng vòng vo "100% của Hàn Quốc, do nhà máy sản xuất đặt tại Đài Loan, nơi được mệnh danh vương quốc trà sữa".

Chính vì nhãn thông tin không rõ ràng, lem nhem càng khiến người tiêu dùng đặt nghi vấn về nguồn gốc thật sự của loại đường đen này.

‘Giai ma’ duong den - Bai 2: Bo that hay bo ngua?
Trên thùng syrup được cho nhập từ Hàn Quốc lại ghi nơi sản xuất ở Đài Loan, thành phần chứa chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu.

Hiện thị trường cũng có loại siro đường đen do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên giá lại rất rẻ chỉ 46.000đ/lít. Đọc thông số trên sản phẩm này, chúng tôi càng khẳng định: Siro đường đen không phải 100% mật mía đường đen như nhiều người nghĩ mà giống như các loại siro hương tổng hợp khác trên thị trường.

Chẳng hạn, trên thùng siro đường đen của công ty G.T.P gồm có đường 56%, nước, hương tự nhiên, chất bảo quản (211), chất điều chỉnh độ acid (330), màu thực phẩm tự nhiên (E150d).

Trong khi đó, mật mía đường đen thật sự thì trên nhãn không hề có các thành phần khác. Tại cửa hàng Đặc Sản Ngon (Nguyễn Ảnh Thủ, Q.12) – nơi kinh doanh mật mía làng Găng xứ Nghệ An, mật mía đường đen bán với giá 75.000đ/lít, thành phần trên nhãn ghi rõ 100% mật mía.

Theo chủ cửa hàng này, hiện thị trường mật mía giả rất nhiều. Có nơi bán mật pha loãng nhiều, hoặc có nơi bán mật pha với bột. Mật mía chính gốc không loãng quá, không đặc quá, mật chuẩn có trọng lượng từ 1,3 – 1,4 ký/lít.

Sữa tươi trân châu đường đen giá 15.000đ/ly làm từ đường gì?

Nhiều người thắc mắc, ly sữa tươi đường đen giá 15.000đ thì người bán sao có lời, trong khi đường đen không hề rẻ.

Theo công thức nấu trân châu, mỗi ký hạt trân châu phải trộn với 1 ký mật đường đen hoặc siro đường đen. Sau khi nấu chia được khoảng 50 ly, một lít sữa tươi chia được 4 - 5 ly.

Làm bài toán tính: 1 ký hạt trân châu 20.000đ, 1 lít siro đường đen 90.000 (nếu dùng đường đen hạt thì để có độ sánh phải cần 2 – 3 ký), 1 lít sữa tươi 28.000đ (một ký hạt trân châu dùng khoảng 10 - 12 lít sữa tươi).

Vị chi, để có 50 ly sữa tươi đường đen, người bán bỏ ra khoảng hơn 500.000đ (446.000đ nguyên liệu và 60.000đ ly, ống hút, bao nilon). Trong khi đó, 50 ly trà sữa giá 15.000đ người bán thu về 750.000đ, còn nếu bán giá 35.000đ/ly sẽ thu về 1.750.000đ. Sau khi trừ công nấu, chi phí mặt bằng, nhân viên, tiền lời chỉ tầm 100.000 – 500.000đ/50 ly trà sữa. Con số lợi nhuận thu về cũng quá nhỏ.

‘Giai ma’ duong den - Bai 2: Bo that hay bo ngua?
Syrup này có thật sự 100% từ mật mía đường đen hay chỉ là siro thông thường?

Vậy tại sao khắp nơi lại đổ xô bán sữa tươi trân châu đường đen mặc dù biết không có lời, thậm chí lời rất ít? Vậy đường đen mà các tiệm trà sữa sử dụng là loại đường gì, và ngay cả sữa tươi được lấy từ đâu hay có pha gì thêm?

Cách đây không lâu, Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện tại TP.HCM xuất hiện một loại đường lỏng của Trung Quốc, thường đựng trong những can nhựa có trọng lượng 25 ký/can, bên ngoài có từ Syrup.

Theo TS Phan Thế Đồng - Khoa Khoa học công nghệ, ĐH Hoa sen, loại đường này là siro tổng hợp các loại đường từ tinh bột bắp, được dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, có độ ngọt cao hơn đường trắng.

Báo cáo của Hiệp hội đường mía Việt Nam cho thấy, sức tiêu thụ đường trắng chỉ tăng 1 – 2% trong khi sức tiêu thụ đường lỏng tăng 3 – 4%. Nguyên nhân do các công ty chuyển sang sử dụng đường lỏng để giảm chi phí, lợi nhuận nhiều.

Đặc biệt, loại đường lỏng này chỉ có giá khoảng 12.000đ/ký và không hề "bổ béo" cho cơ thể mà trái lại còn tăng nguy cơ béo phì bởi được làm từ bột bắp thay vì làm từ cải ngọt và mía (đường bột bắp làm tăng mỡ bụng nhanh hơn đường từ mía, củ cải ngọt).

Bởi bột bắp được thủy giải hết cỡ thành glucose, sau đó chuyển hóa một phần thành đường fructose (có loại có hàm lượng fructose 42%, nhưng có loại lên đến 90%).

Hoàng Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI